Hiến tạng và hy vọng mới cho cuộc sống
VHO - Năm 2024 đánh dấu một bước tiến vượt bậc trong chuyên ngành ghép tạng nước nhà, nổi bật là ca ghép tim - gan đồng thời đầu tiên tại Việt Nam và ca ghép khí quản từ người cho chết não - một kỹ thuật hiếm gặp trên toàn thế giới.
Ngoài ra, trong năm qua, ba ca ghép phổi cũng đã được thực hiện thành công, nâng tổng số ca ghép phổi lên con số 12 - kể từ khi ca đầu tiên được thực hiện vào năm 2017.
Cho đi là còn mãi!
Tại Hội nghị Tổng kết Mạng lưới hiến mô, tạng năm 2024 và Định hướng phát triển năm 2025, tổ chức mới đây tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn xúc động bày tỏ: “Để đạt được những thành tựu ghép tạng này, chúng ta cần nguồn tạng từ những người hiến tạng chết não. Dù họ đã ra đi, nhưng một phần cơ thể của họ vẫn tiếp tục mang lại sự sống cho những bệnh nhân đang cần. Mỗi hành động hiến tạng là một câu chuyện đầy lòng nhân ái, tình yêu thương vô bờ và niềm tin vào cuộc sống. Đây cũng là lời nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm cộng đồng, sự đồng lòng và quyết tâm chung tay vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân...”.
Theo số liệu từ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, sau hơn 30 năm hoạt động, bắt đầu với ca ghép thận đầu tiên vào tháng 6.1992, tính đến cuối năm 2024, Việt Nam đã thực hiện tổng cộng 9.516 ca ghép tạng, với sự tham gia của 27 bệnh viện và trung tâm. Trong 3 năm gần đây, mỗi năm chúng ta đã thực hiện thành công khoảng 1.000 ca ghép tạng, mức cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, con số này vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu ghép tạng ngày càng tăng. Tỷ lệ ghép tạng từ người hiến sống hiện rất cao (94%), trong khi tỷ lệ đăng ký hiến mô tạng từ người chết não ở Việt Nam vẫn còn rất thấp.
Thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần “Mở lòng nhân ái - Lan tỏa yêu thương - Thắp sáng niềm tin - Tiếp nối hy vọng - Gieo mầm sự sống” vì “cho đi là còn mãi”, trong năm 2024, hàng chục chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người đã được thành lập. Không chỉ các cơ sở y tế công lập mà cả các cơ sở y tế tư nhân cũng tích cực tham gia vận động hiến tạng từ người chết não. Nhờ đó, số lượng người đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời đã tăng lên nhiều lần so với các năm trước, với con số kỷ lục 41 ca hiến tạng sau chết trong năm 2024 - đây là thành tựu đáng tự hào của Việt Nam.
Từng bước hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cũng nhấn mạnh rằng, mặc dù đạt được nhiều thành công, nhưng chúng ta vẫn còn không ít khó khăn, tồn tại. Một trong những vấn đề lớn là thiếu cơ chế và chính sách hỗ trợ các hoạt động tư vấn hiến mô tạng từ người chết não và chết tim. Hiện nay, trên cả nước, chỉ có một số ít bệnh viện thành lập được tổ tư vấn, vận động hiến tạng. Nguyên nhân chính là chưa có chế độ, chính sách đãi ngộ thực sự phù hợp cho những cán bộ làm công tác này.
Ngoài ra, các chi phí liên quan đến các hoạt động hồi sức, chẩn đoán chết não, lấy, bảo quản, điều phối và vận chuyển mô, tạng, cũng như các chi phí cho các dịch vụ kỹ thuật liên quan đến ghép tạng hiện chưa được xây dựng một cách thống nhất. Điều này khiến các bệnh viện gặp nhiều khó khăn trong việc thanh toán các khoản này, đặc biệt là các bệnh viện tham gia vào quá trình lấy tạng.
Đứng trước những thách thức đó, Bộ Y tế đã và đang quyết liệt chỉ đạo để từng bước hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, đảm bảo tính đúng đắn và đầy đủ, hướng đến việc thanh toán bảo hiểm y tế, qua đó thúc đẩy hoạt động hiến, lấy và ghép mô tạng phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng giao Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đề xuất với các cấp có thẩm quyền chọn một ngày làm Ngày Hiến mô tạng Quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Bộ Y tế sẽ tăng cường thực hiện các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số trong việc quản lý hệ thống đăng ký và danh sách chờ ghép. Các nguyên tắc điều phối sẽ được tuân thủ nghiêm ngặt, bảo đảm hiệu quả, công khai và minh bạch. Hệ thống dữ liệu đồng bộ giữa các trung tâm hiến và ghép sẽ giúp tận dụng tối đa nguồn tạng hiến, nhanh chóng tìm được người nhận phù hợp, đảm bảo tạng được sử dụng kịp thời, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lãng phí trong khi nhu cầu ghép tạng vẫn còn rất lớn.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế và Chủ tịch Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, công tác truyền thông và vận động về ý nghĩa nhân văn, cao cả của việc hiến mô tạng cần được đẩy mạnh hơn nữa. Thông điệp này cần được lan tỏa rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân, từ các cơ quan, tổ chức cho đến từng gia đình và cá nhân.
Song song với đó, các bệnh viện và cơ sở y tế cần tăng cường các hoạt động tư vấn, vận động hiến mô tạng tại chỗ, đặc biệt là tại các đơn vị hồi sức cấp cứu, nơi thường xuyên có nhiều trường hợp bệnh nhân chết não, đủ điều kiện cho việc hiến tạng. Việc thành lập và duy trì các tổ chức tư vấn chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phong trào hiến tạng tại các địa phương.