Hành khách không “quay lưng” với đường sắt sau sự cố tàu trật bánh ở Lăng Cô
VHO - Gần 100 hành khách trên 2 toa của tàu SE11 bị trật bánh ở Lăng Cô đã được di chuyển sang các toa khác để tiếp tục hành trình. Ngành Đường sắt cũng đang làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Rạng sáng 29.7, lực lượng của ngành đường sắt đã hoàn thành việc di chuyển 2 toa số 10 và toa 11 của đoàn tàu SE11 khỏi khu vực gặp tai nạn trật bánh từ chiều 28.7.
Ông Lê Hồng Hải, Giám đốc Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên cho biết, các toa tàu đã được di chuyển an toàn về ga Lăng Cô, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Hiện ngành Đường sắt đang tiếp tục khắc phục hiện trường nơi xảy ra sự cố trật bánh tàu SE11 để đảm bảo an toàn cho tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Giám đốc Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên thông tin, ngay khi sự cố trật bánh 2 toa của tàu SE11 xảy ra, đơn vị và phía Đà Nẵng đã huy động khoảng 150 nhân viên, kỹ thuật và các máy móc chuyên dụng để khẩn trương khắc phục, đảm bảo an toàn cho du khách.
Ngành Đường sắt đã triển khai cắt các toa tàu gặp sự cố khỏi đoan tàu SE11 để triển khai cứu hộ. Những hành khách trên các toa 10 và 11 được bố trí di chuyển chỗ ngồi sang các toa khác để tàu SE11 tiếp tục hành trình vào Đà Nẵng ở đường ray song song. Khoảng 17 giờ cùng ngày, tàu SE11 di chuyển với tốc độ chậm, đường sắt Bắc - Nam thông tuyến sau hơn 2 giờ tạm gián đoạn.
Ông Lê Hồng Hải thông tin thêm, hai toa tàu số 10 và 11 được đưa về ga Lăng Cô để kiểm tra, đánh giá.
Về nguyên nhân sự cố, theo ông Lê Hồng Hải, ngành Đường sắt có hội đồng để đánh giá làm rõ. Hiện nay, các đơn vị đang kiểm tra hệ thống cầu đường, đầu máy, các toa tàu...
Trao đổi với Văn Hóa, đại diện của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, tàu SE11 do Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội khai thác. Khi xảy ra sự cố trật bánh, trên hai toa 10 và 11 của tàu SE11 có gần 100 hành khách.
Đơn vị đã bố trí những hành khách trên đến tạm thời ở các toa khác và tiếp tục cho tàu di chuyển đến ga Đà Nẵng để nối thêm toa, đảm bảo chỗ ngồi, nằm của hành khách.
Những hành khách có sự thay đổi vị trí khi nối toa, ngành Đường sắt cũng trả lại một phần chi phí chênh lệch. Trong quá trình di chuyển từ Lăng Cô đến ga Đà Nẵng, đơn vị cũng xin lỗi hành khách, động viên và hỗ trợ một phần việc ăn uống cho khách.
Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, ngành Đường sắt vẫn đang kiểm tra, đánh giá làm rõ nguyên nhân vụ việc và có hướng xử lý nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho công tác vận tải hành khách.
“Hôm nay ngày 29.7, hành trình của các đoàn tàu vẫn diễn ra bình thường, không có tình trạng hành khách trả lại vé hay phản ánh gì liên quan đến sự cố của tàu SE11”, đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thông tin.
Anh Ngọc Minh, trú tại TP.Huế, chia sẻ: gia đình tôi thường chọn phương tiện tàu hỏa để đi lại các tỉnh, thành ở miền Trung, đặc biệt vào các kỳ nghỉ hè. Bởi theo tôi đó là phương tiện vừa kinh tế, an toàn và mang lại nhiều trải nghiệm cho du khách khi tàu đi qua các địa phương.
“Sự cố trật bánh tàu SE11 là quá hi hữu, tôi nghĩ rằng không nên vì đó mà dừng đi tàu. Nhưng mong rằng, ngành Đường sắt sẽ sớm tìm ra nguyên nhân sự cố và khắc phục; công bố rộng rãi để cộng đồng và du khách an tâm”, anh Ngọc Minh nói.
Trước đó, vào khoảng 14 giờ 30 phút ngày 28.7, đoàn tàu SE11 gồm đầu máy, kéo 12 toa xe di chuyển theo hướng từ Bắc vào Nam. Khi đến ga Lăng Cô thì tàu SE11 tránh tàu SE4 đi ngược chiều, sau đó chạy chậm để lên đèo Hải Vân. Đến ghi N10, tàu SE11 bị trật bánh ở 2 toa xe thứ 10 và 11 trong đoàn tàu.
Trong đó, toa số 10 bị trật bánh 4 trục và nghiêng 45 độ phía bên trái theo hướng tàu chạy; toa số 11 bị trật bánh 4 trục. Rất may, vụ việc không gây thiệt hại về người.