Hà Nội: Không chủ quan, lơ là trước diễn biến bất thường của thời tiết
VHO - Để chủ động ứng phó với các đợt mưa lũ có thể xảy ra, đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân trong thời gian tới, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã, sở, ban, ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.
Theo báo cáo của UBND huyện Chương Mỹ (Hà Nội), cho đến chiều nay, 2.8, còn 16 thôn đang trong tình trạng ngập úng (giảm 1 thôn so với hôm qua, 1.8).
UBND huyện Chương Mỹ cũng đã chỉ đạo triền khai phương án đảm bảo cứu trợ đời sống cho nhân dân; không đề tình trạng người dân không có nước uống, lương thực, thực phầm thiết yếu.
Huyện đã huy động 4.721 người và 199 phưong tiện tham gia hỗ trợ người dân khắc phục tình trạng ngập úng (trong đó, các đơn vị quân đội 450 người, 13 xe các loai, 04 xuổng máy).
Đến 16h chiều nay, mực nước trên sông Bùi là 6,55m, giảm so với mức 6,76 ngày hôm qua. Theo dự báo, ngày mai 3.8, mực nước sông Bùi là 6,5m, bằng mức báo động 2.
Trong khi đó, tại huyện Thạch Thất, lượng mưa đo được tại điểm đo UBND huyện từ ngày 1.8 đến 16h ngày 2.8 là 23mm. Mực nước sông Tích tại trạm thuỷ văn Kim Quan thời điểm 16h ngày 2.8 là 8.07m (trên báo động 2 là 47cm).
Tính đến 16h ngày 2.8, tổng diện tích còn bị ngập sâu là 21,4ha trong đó13,6ha lúa và 7,8ha rau màu (Không tính diện tích ngập trắng không có khả năng phục hồi).
Nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất trong thời gian tới, UBND huyện Thạch Thất chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tổ chức lực lượng kiểm tra tình hình, các vị trí xung yếu đê điều, công trình thuỷ lợi, khơi thông dòng chảy để tiêu thoát úng cho các diện tích bị ngập úng.
Đồng thời, các xã có đê tổ chức lực lượng canh đê gác cống thường trực 24/24h để kiểm tra đê điều, hoành triệt cống qua đê, thường xuyên tuần tra canh gác để kịp thời phát hiện sự cố.
Các xã vùng núi Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung, Thạch Hòa, Thạch Xá, Cần Kiệm, Kim Quan triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực trũng thấp có nguy cơ xảy ra ngập úng, khu vực có khả năng sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán dân đảm bảo an toàn…
Trước đó, ngày 1.8, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội đã ban hành Công điện số 04/CĐ-BCH đề nghị các sở, ban, ngành, các địa phương tập trung các giải pháp ứng phó với mưa lũ, không để thương vong về người.
Theo Công điện, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 và các hiện tượng thời tiết cực đoan, trên địa bàn Hà Nội những ngày qua, tình hình mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất đang có những diễn biến phức tạp; mực nước các hồ chính và sông nội địa đang ở mức cao.
Để tiếp tục khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ do bão số 2, chủ động ứng phó với các đợt mưa lũ có thể xảy ra, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân trong thời gian tới, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã, sở, ban, ngành tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương và TP.
Theo đó, các đơn vị cần tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo thẩm quyền, đảm bảo kịp thời, hiệu quả, sát với tình hình thực tế trên địa bàn; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.
Bên cạnh đó, cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đất và ngập úng để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại trên hệ thống thông tin, mạng xã hội.
Cùng với đó, rà soát, bổ sung lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không đảm bảo an toàn.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội cũng yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, cập nhật thường xuyên để thông tin đến chính quyền, người dân chủ động phòng tránh, đảm bảo kịp thời, hiệu quả, sát với tình hình thiên tai trên địa bàn. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.
Ngoài ra, để kịp thời xử lý các sự cố thiên tai, Sở Y tế Hà Nội đã thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác đáp ứng y tế phòng, chống lụt bão.
Cùng với thành lập đoàn kiểm tra, Sở cũng đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội tổ chức giám sát 17 xã, phường tại 9 quận, huyện, khu vực có nguy cơ trước mùa bão lũ.
CDC Hà Nội đã thành lập 5 tổ chống dịch cơ động hướng dẫn các trung tâm y tế, phối hợp với chính quyền các cấp ở huyện Chương Mỹ và huyện Quốc Oai chuẩn bị cơ số Cloramin B 25% đủ để nước rút đến đâu thực hiện vệ sinh môi trường đến đó, bảo đảm phòng, chống dịch bệnh.