Gìn giữ nghề đan võng truyền thống
VHO – Làng nghề đan võng ở xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi vẫn phát triển ổn định trước bao sự đổi thay. Nghề này đã góp phần giải quyết việc làm và tạo nguồn thu nhập cho hàng trăm hộ gia đình trong những lúc nông nhàn.
Thời gian qua, không như nhiều làng nghề truyền thống khác trong tỉnh đã gặp rất nhiều khó khăn; một số khác thì đang đứng trước nguy cơ bị xoá sổ. Thế nhưng làng nghề đan võng xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức vẫn được giữ vững và phát triển ổn định.
Theo các bậc cao niên địa phương nghề đan võng ở Đức Chánh ra đời cách đây gần một trăm năm. Ban đầu nguyên liệu sử dụng là sợi của vỏ cây tra (nên gọi là võng sợi tra), vì vậy để làm được một chiếc võng phải tốn nhiều thời gian, công phu.
Vỏ cây tra sau khi tìm về được nạo bỏ lớp phấn xanh bên ngoài, rồi đập cho dập và đem phơi khô. Sau đó phun nước vừa đủ để vỏ tra có độ dẻo, mịn mới tước ra từng sợi nhỏ, rồi se lại thành sợi mới đan.
Tuy nhiên sau một thời gian do khai thác nhiều nên cây tra ít dần. Vì vậy người dân trong vùng phải mày mò tìm nguyên liệu mới và họ phát hiện ra cây thơm tàu (dứa) mọc ở sườn đồi, bãi cát ven sông... để thay thế.
Nằm tại xóm nhỏ ở thôn 6, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, cơ sở đan võng của gia đình chị Lữ Thị Nhơn luôn rộn ràng bởi tiếng kéo sợi đan võng. Tiếp nối truyền thống cha ông, chị Nhơn đã gắn bó với nghề đã 25 năm.
Cùng với chị Nhơn là những người phụ nữ trong xóm cũng thường tập trung cùng nhau làm nghề này, từng đôi bàn tay thoăn thoắt đan nên những chiếc võng để phục vụ thị trường. Nghề đan võng không khác xưa nhiều, người đan cần tỉ mỉ, nhanh nhẹn, đan võng không đầu tư máy móc, làm thủ công nên đòi sự kiên trì của người làm nghề.
“Ở đây, 70-80 tuổi cũng vẫn còn đan khỏe. Già thì làm 3-4 võng một ngày, trẻ thì 6-7 chiếc. Cứ thế làm quanh năm”, chị Nhơn cho biết.
Đây là nghề xuất hiện từ rất lâu đời và được truyền lại theo kiểu cha truyền, con nối. Với tính chất công việc nhẹ nhàng, không quá áp lực về thời gian, hơn nữa, người làm lại có thể tự quyết định năng suất của chính mình nên nghề đan võng dù là nghề phụ nhưng lại rất được bà con ưu ái, gìn giữ.
Theo chị Nhơn Nghề đan võng không xuyên suốt, chỉ làm lúc xong việc đồng án, việc nhà. Để đan thành 1 chiếc võng, thợ đan phải mất từ 2 – 3 giờ đồng hồ. Với giá bán dao động từ 50 – 70 nghìn đồng/ chiếc võng. Nghề đan võng đang mang lại nguồn thu nhập khá.
Làng nghề đan võng truyền thống Đức Chánh còn trên 350 hộ dân tham gia. Tuy nhiên, đầu ra chưa ổn định, người đan võng thường nhận đan theo yêu cầu của các vựa thu mua sản phẩm võng. Nghề đan võng được xem là một phần trong đời sống kinh tế của người dân nơi đây. Góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương.