Gia Lai:

Giếng khoan tự phun nước cao hàng chục mét do khoan trúng túi khí

NGỌC HOÀ

VHO - Liên quan đến sự việc xôn xao dư luận thời gian qua về giếng khoan của hộ gia đình ông Đàm Xuân Hòa, ngụ làng Klẵ, xã Ia Kly, huyện Chư Prông (Gia Lai) bất ngờ phun nước khỏi mặt đất cao hơn 10 mét với áp lực hơi nước rất mạnh diễn ra từ trưa ngày 30.7 đến nay, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung (thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Bộ TN&MT) đã có báo cáo kết quả khảo sát.

Giếng khoan tự phun nước cao hàng chục mét do khoan trúng túi khí - ảnh 1
Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung lấy mẫu nước tại giếng khoan tự phun nước của gia đình ông Đàm Xuân Hoà

Ngày 22.8, nguồn tin từ UBND tỉnh Gia Lai xác nhận, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung (thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Bộ TN&MT) đã có báo cáo kết quả khảo sát “hiện tượng giếng khoan tự phun” tại xã Ia Kly, huyện Chư Prông.

Theo đó, sau khi nắm bắt được hiện tượng kỳ lạ tại khu vực rẫy của ông Đàm Xuân Hòa (xã Ia Kly, huyện Chư Prông) xuất hiện nước từ miệng giếng khoan phun cao hàng chục mét, cán bộ của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia đã có mặt lấy mẫu nước để đánh giá khảo sát.

Kết quả xác định tháng 4.2023, ông Hòa đã khoan 2 lỗ giếng khoan (1 lỗ sâu 130 mét và 1 lỗ 170 mét) cách nhau khoảng 40 mét, nhưng đều không có nước. Tại khu vực này có khoảng 10 lỗ khoan sâu từ 100 đến 150 mét nhưng cũng đều không có nước.

Đến ngày 30.7, từ lỗ khoan sâu 170 mét, ông Hoà khoan thêm đến độ sâu 186m thì bộ dụng cụ khoan nặng khoảng 2,1 tấn bị một lực nâng lên. Ông Hòa đã dừng khoan, kéo bộ dụng cụ ra khỏi lỗ khoan. Lúc này, hỗn hợp khí, nước phun cao hơn mặt đất trên 10 mét. Khi mới phun nước có mùi đất đèn.

Kiểm tra thực tế, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia xác định lượng nước và hỗn hợp khí phun cao khỏi miệng lỗ khoan có lưu lượng khoảng 0,2 - 0,3 lít/s.

Qua phân tích mẫu nước cho thấy, nước có chất lượng khá tốt, hầu hết các thông số phân tích nằm trong giá trị giới hạn theo tiêu chuẩn.

Từ kết quả khảo sát và thu thập thông tin trên, đoàn cán bộ nhận định hiện tượng hỗn hợp nước, khí tự phun tại giếng khoan xảy ra khá lâu (2 ngày) sau thời điểm xảy ra các trận động đất có độ lớn 5.0 ở Kon Tum và rất ít có khả năng liên hệ với nhau.

Khí tự phun lên mặt đất có thể do quá trình khoan đã chạm đến chiều sâu phân bố của một túi khí. Nguồn gốc, đặc điểm khí chưa xác định chính xác, cần được nghiên cứu chi tiết bằng các nghiên cứu chuyên sâu.

Nước trong hỗn hợp khí và nước có thể là đồng hành trong mỏ hoặc nước trong lỗ khoan ở phần trên của mỏ khí.

“Có thể nhận định, nước trong lỗ khoan có nguồn gốc cung cấp từ nước mưa, thông qua quá trình cung cấp ngấm trực tiếp từ trên mặt đất, qua các tầng đất đá thấm nước, ít có khả năng là nước chôn vùi trong các mỏ ở các cấu trúc nằm sâu bên dưới lòng đất hoặc các nguồn gốc nội sinh khác”, báo cáo khảo sát của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung nhận định.

Ông Đàm Xuân Hòa (chủ giếng khoan) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến giếng khoan xuất hiện hiện tượng kỳ lạ. Mấy hôm trước tôi có ra dùng tay chạm vào thử vị nước xem có mùi gì không, thì thấy vẫn mùi vị như nước sinh hoạt bình thường. Giờ giếng cứ phun trào như thế tôi cũng chẳng biết làm gì, chờ cơ quan chức năng kiểm tra xem có phương án nào không”.

Liên quan đến hiện tượng kỳ lạ này, TS. Nguyễn Xuân Anh, Viện Trưởng viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết: Động đất có thể gây ra nứt đất, gây rung lắc, phá hủy công trình, hóa lỏng nền đất gây lún, nghiêng công trình, sụt lún, sạt lở, có thể làm sụt giảm mạch nước ngầm, ảnh hưởng nguồn nước.

“Đặc biệt, ảnh hưởng từ động đất có thể làm suối bị mất nước, các mạch nước ngầm cung cấp nước sinh hoạt cho hàng ngàn người dân bị cạn, một số giếng khoan nước bị đục, bùn loãng. Một số nơi đã từng xảy ra hiện tượng giếng khoan phụt nước ra như ở tỉnh Gia Lai hiện nay. Tuy nhiên, để có kết luận chính xác phải có thời gian khảo sát, đánh giá thêm”, TS. Nguyễn Xuân Anh nói.