Giao lưu với nhân chứng lịch sử và văn nghệ sĩ “50 năm rạng rỡ mùa Xuân thống nhất”

THÙY TRANG

VHO - Chiều 23.4, tại Trường ĐH Văn hóa TP.HCM đã diễn ra chương trình giao lưu, giới thiệu tác phẩm điện ảnh với chủ đề “50 năm rạng rỡ mùa Xuân thống nhất”, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2025).

Giao lưu với nhân chứng lịch sử và văn nghệ sĩ  “50 năm rạng rỡ mùa Xuân thống nhất” - ảnh 1
Các nhân chứng lịch sử và văn nghệ sĩ giao lưu tại chương trình

Sự kiện do Nhà Văn hóa Điện ảnh tại TP.HCM – Viện Phim Việt Nam phối hợp cùng các đơn vị trực thuộc Trường ĐH Văn hóa TP.HCM tổ chức.

Chương trình nhằm góp phần tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa, tầm vóc và giá trị lịch sử của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giành thắng lợi hoàn toàn, mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước.

Đồng thời, chương trình cũng khai thác, phổ biến giá trị lịch sử và văn hóa của tư liệu điện ảnh lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam thông qua các tác phẩm, hình ảnh, phim tài liệu, giúp công chúng, đặc biệt là đoàn viên, thanh niên, sinh viên có cơ hội tiếp cận với những tư liệu quý giá về một giai đoạn hào hùng của dân tộc.

Giao lưu với nhân chứng lịch sử và văn nghệ sĩ  “50 năm rạng rỡ mùa Xuân thống nhất” - ảnh 2
Ông Nguyễn Khắc Nhu – nguyên sĩ quan tác chiến của Trung đoàn Bộ binh 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2, chia sẻ về những thời khắc lịch sử ngày 30.4.1975

Mở đầu chương trình là phần chiếu phim tài liệu Thành phố lúc rạng đông (đạo diễn Hải Ninh và Nguyễn Khánh Dư, thực hiện năm 1975).

Tác phẩm dài 47 phút, do Xưởng phim Truyện Việt Nam sản xuất, từng đoạt Bông Sen Vàng tại LHP Việt Nam lần thứ IV (năm 1977) và Bồ Câu Vàng tại LHP Quốc tế Leipzig (CHDC Đức) lần thứ XVIII (năm 1975).

Không đi sâu vào mô tả các trận đánh, bộ phim mang dáng dấp một câu chuyện hồi tưởng dung dị nhưng đầy xúc cảm của các chiến sĩ giải phóng quân trong những ngày tiến vào miền Nam.

Phim khắc họa niềm hân hoan vô bờ của người dân Sài Gòn – Gia Định trong thời khắc lịch sử 30.4, đồng thời phản ánh sự tàn khốc của chiến tranh và hình ảnh một thành phố trẻ trung đang từng bước làm chủ vận mệnh sau ngày giải phóng.

Giao lưu với nhân chứng lịch sử và văn nghệ sĩ  “50 năm rạng rỡ mùa Xuân thống nhất” - ảnh 3
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh – nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân đoàn 4, trò chuyện với các sinh viên

Điểm nhấn tiếp theo của chương trình là phần giao lưu giữa sinh viên và các đại biểu khách mời với các nhân chứng lịch sử từng trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh và chứng kiến thời khắc giải phóng miền Nam năm 1975.

Trong đó, có Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh – nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân đoàn 4, người từng đảm nhiệm nhiệm vụ quân quản thành phố Sài Gòn sau ngày 30.4.1975

Đó là ông Nguyễn Khắc Nhu – nguyên sĩ quan tác chiến của Trung đoàn Bộ binh 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2, một trong những người áp dẫn Dương Văn Minh - Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn từ Dinh Độc Lập sang Đài Phát thanh để tuyên bố đầu hàng vào buổi trưa ngày 30.4.1975.

Chương trình còn giao lưu với bà Trương Mỹ Lệ (Tư Liêm) – nguyên Quyền Bí thư Thành Đoàn TP.HCM, cựu chiến sĩ biệt động thành, từng giữ vai trò là người tổng chỉ huy thuộc lực lượng Thành Đoàn trong nội thành trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.

Ông Hoàng Đôn Nhật Tân (Sáu Triều), nguyên Tổng biên tập báo Tuổi trẻ, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn ủy học sinh Thành Đoàn Sài Gòn – Gia Định.

Cùng tham gia chương trình còn có chuyên gia điện ảnh, văn nghệ sĩ.

Giao lưu với nhân chứng lịch sử và văn nghệ sĩ  “50 năm rạng rỡ mùa Xuân thống nhất” - ảnh 4
Đại diện Nhà Văn hóa Điện ảnh tại TP.HCM và Trường ĐH Văn hóa TP.HCM tặng hoa cám ơn các khách mời giao lưu

Tiêu biểu như PGS.TS Trần Luân Kim – nhà lý luận phê bình điện ảnh, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam; nhạc sĩ Trần Xuân Mai Trâm – tác giả nhiều ca khúc nổi bật về đề tài truyền thống cách mạng và tuổi trẻ TP.HCM, từng đạt nhiều giải thưởng lớn trong các cuộc vận động sáng tác kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam.

Tại buổi giao lưu, các nhân chứng đã chia sẻ nhiều ký ức sâu sắc về thời khắc lịch sử trọng đại, những câu chuyện cảm động trong Chiến dịch Hồ Chí Minh và những ngày đầu thành phố Sài Gòn được giải phóng.

Không khí chương trình diễn ra trang trọng, gần gũi và đầy xúc động. Các bạn sinh viên đã đặt nhiều câu hỏi cho các vị khách mời, bày tỏ sự ngưỡng mộ, lòng biết ơn và niềm tự hào về thế hệ cha anh đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.

Bên cạnh các phần giao lưu và chiếu phim, khán giả cũng được thưởng thức chương trình văn nghệ với chủ đề “50 năm tự hào Thành phố mang tên Bác”, hồm các tiết mục ca múa nhạc do sinh viên Trường ĐH Văn hóa TP.HCM dàn dựng và biểu diễn.

Giao lưu với nhân chứng lịch sử và văn nghệ sĩ  “50 năm rạng rỡ mùa Xuân thống nhất” - ảnh 5
Sinh viên chụp ảnh lưu niệm cùng các cô chú nhân chứng lịch sử và văn nghệ sĩ

Các tiết mục ca ngợi chiến thắng lịch sử mùa Xuân 1975, tinh thần cách mạng bất khuất và vẻ đẹp năng động, hiện đại của TPHCM hôm nay.

Chương trình “50 năm rạng rỡ mùa Xuân thống nhất” là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, không chỉ góp phần ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc mà còn giáo dục lòng yêu nước, khơi dậy niềm tự hào dân tộc và trách nhiệm thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.