Đưa cơ hội việc làm đến gần với người lao động trẻ

NGUYỄN LINH

VHO - Các phiên giao dịch việc làm lưu động không chỉ tạo môi trường kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động, mà đây cũng là cơ hội tốt để lực lượng lao động trẻ tiếp cận với thị trường lao động, được cung cấp về thông tin thị trường lao động.

Đưa cơ hội việc làm đến gần với người lao động trẻ - ảnh 1
Các doanh nghiệp tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động cho các bạn học sinh, sinh viên tại phiên giao dịch việc làm lưu động tổ chức ở các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá

Cơ hội việc làm “chờ” người lao động trẻ

Thời gian gần đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hoá  thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động nhằm kết nối doanh nghiệp và người lao động.

Đây cũng là cơ hội để lực lượng lao động trẻ tiếp cận với thị trường lao động.

Theo đó, nhằm kết nối doanh nghiệp đến tư vấn, tuyển dụng công việc phù hợp với chuyên ngành học tập của học sinh, sinh viên, mới đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Nội vụ) phối hợp với Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động.

Tham gia phiên Dịch vụ việc làm, hơn 3.000 học sinh, sinh viên nhà trường được đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hoá và các doanh nghiệp cung cấp thông tin về hoạt động, kế hoạch phát triển của đơn vị, thông tin về nhu cầu tuyển dụng vị trí việc làm, yêu cầu về trình độ nghề nghiệp, thị trường lao động trong và ngoài nước.

Đồng thời, đại diện doanh nghiệp đã trực tiếp phỏng vấn, tư vấn cho học sinh, sinh viên lựa chọn công việc phù hợp sau khi tốt nghiệp ra trường.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa cho biết, phiên giao dịch việc làm lưu động ở Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa không chỉ tạo môi trường kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động, mà đây cũng là cơ hội tốt để cho các em học sinh, sinh viên nhu cầu tuyển dụng tại các công ty, doanh nghiệp, yên tâm lựa chọn, tìm kiếm việc làm phù hợp.

Qua phiên giao dịch việc làm lưu động lần này, người lao động, trong đó có lực lương học sinh, sinh viên được cung cấp về thông tin thị trường lao động để từ đó học hỏi, trau dồi, trang bị thêm cho mình những kỹ năng và kiến thức cơ bản, khả năng thích nghi với những biến động thị trường việc làm khi ra trường, tăng thêm kinh nghiệm khi tiếp cận thị trường lao động", ông Hoàng Anh Tuấn nhận định.

Có mặt tại phiên giao dịch việc làm lưu động, em Phạm Văn Hòa, sinh viên khoa xây dựng, Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa cũng cho rằng: "Đến với phiên giao dịch việc làm lưu động, em biết mình có thể tìm kiếm thông tin việc làm tin cậy.

Em sẽ chuyên tâm học tốt, bởi qua phiên giao dịch việc làm lưu động, dễ thấy người lao động có kiến thức, kỹ năng luôn được hỗ trợ kết nối giải quyết việc làm hiệu quả. Việc nhà trường tổ chức các sàn giao dịch việc làm đã tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên sau khi ra trường tìm kiếm được công việc tại doanh nghiệp, có nhiều cơ hội làm việc hơn”.

Từ góc độ nhà tuyển dụng, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, đại diện Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển chia sẻ, hiện nay, nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất và phát triển kinh doanh, công ty luôn tìm kiếm, thu hút nguồn nhân lực trẻ, nhiệt huyết và có chuyên môn để đồng hành cùng chúng tôi trên chặng đường phát triển.

“Tại phiên giao dịch việc làm, công ty chúng tôi mong muốn giới thiệu đến các bạn sinh viên những vị trí tuyển dụng hấp dẫn, phù hợp với chuyên ngành đào tạo của nhà trường, như: kỹ thuật viên vận hành dây chuyền sản xuất, kỹ thuật viên ô tô, kỹ sư cơ khí, kỹ sư xây dựng và gần 100 lao động phổ thông làm việc trong dây chuyền sản xuất phân bón”, bà Hằng nói.

Đến gần với người lao động

Theo số liệu thống kê, tính đến hết năm 2024, toàn tỉnh Thanh Hoá có khoảng 21.140 doanh nghiệp hoạt động, với tổng số lao động trên 440.000 người, nhu cầu tuyển dụng lao động hàng năm khoảng 35.000 đến 40.000 lao động.

Cũng trong năm, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 62.350 lao động, vượt 7,5% kế hoạch năm và đạt 99,2% so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74,2%, trong đó tỷ lệ có bằng cấp, chứng chỉ đạt 29,5%...

Những kết quả ấn tượng này đã góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị xuống còn 2,65% vào cuối năm 2024, giảm 0,15% so với năm 2023.

Đồng thời, tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn cũng được kéo giảm xuống còn 5,65%, giảm 0,15% so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa, thời gian qua đơn vị đã tổ chức 17 phiên giao dịch việc làm, gồm: 7 phiên giao dịch việc làm định kỳ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm, 9 phiên lưu động tại các huyện, thị xã, thành phố và 1 ngày hội việc làm tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh thu hút gần 300 lượt doanh nghiệp, đơn vị tham gia và gần 10.300 lượt người lao động tìm kiếm cơ hội việc làm.

Qua các phiên Dịch vụ việc làm đã kết nối thành công việc làm cho hơn 1.500 lao động, bao gồm những người tìm việc trong nước, xuất khẩu lao động và học nghề.

Đồng thời, đã cung cấp thông tin về thị trường lao động, tư vấn việc làm, xuất khẩu lao động và các chính sách liên quan cho trên 60.000 lượt người lao động.

Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hoá cho biết, các phiên giao dịch việc làm lưu động cung cấp thông tin thị trường lao động, mà còn hỗ trợ người lao động trực tiếp tiếp xúc, gặp gỡ các doanh nghiệp, mang tới nhiều cơ hội việc làm không quá xa nơi cư trú.

Nếu chưa tìm được công việc phù hợp ngay, người lao động cũng có nhìn nhận, đánh giá chính xác hơn về thị trường lao động.

Chủ động trang bị những gì doanh nghiệp cần để sẵn sàng tham gia và thích nghi với thị trường lao động.

Ông Hoàng Ngọc Trung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động là một trong những giải pháp hiệu quả để kết nối cung cầu lao động, đặc biệt tại các khu công nghiệp, vùng nông thôn, nơi có nhiều lao động đang tìm kiếm cơ hội việc làm.

Phiên giao dịch việc làm không chỉ giúp người lao động tiếp cận thông tin tuyển dụng mà còn tạo điều kiện để doanh nghiệp tìm kiếm nhân lực phù hợp, góp phần giảm tỉ lệ thất nghiệp và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương.

“Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hoá tổ chức thu thập, cung cấp thông tin về nhu cầu tìm việc, học nghề, xuất khẩu lao động của người lao động qua các hình thức. Định hướng đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho người lao động khi bị mất việc làm, giúp người lao động ôn định cuộc sống”, ông Hoàng Ngọc Trung cho biết.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc