Nỗi bất an ở ngôi trường vùng cao xứ Thanh
VHO - Thời gian qua, sau các đợt mưa lớn kéo dài đã hình thành nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng tại khu vực núi Pha Kham (xã Sơn Hà, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa). Cuộc sống của hơn 600 người dân dưới chân núi này đang rất bất an bởi đất đá trên núi Pha Kham có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Cuối tháng 10.2024, UBND tỉnh Thanh Hóa lập phương án di dời hơn 600 nhân khẩu nằm trong khu vực bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đến nay, người dân trong vùng sạt lở vẫn chưa được di dời đến nơi ở mới, trong khi mùa mưa lũ năm nay lại đang đến gần...
Mất hơn ba giờ đồng hồ trên những cung đường dốc cao, quanh co, khúc khuỷu, chúng tôi đến Trường THCS Sơn Hà của huyện miền núi rẻo cao Quan Sơn.
Trường nằm lọt thỏm dưới vực taluy dương, phía sau là ngọn núi Pha Kham đã sạt lở nghiêm trọng. Theo học ở đây phần lớn con em đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong căn phòng hiệu bộ còn nhiều dấu vết từ trận sạt lở ngày 23.9.2024 để lại, ông Nguyễn Viết Năm, Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Hà (xã Sơn Hà, huyện Quan Sơn) kể lại: Sau những ngày mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng hoàn lưu từ cơn bão số 3, đêm 23.9, ngọn núi Pha Kham nằm ngay phía sau lưng ngôi trường bất ngờ bị sạt trượt. Hàng trăm khối đất, đá trôi xuống từ sườn dốc, cuốn hơn 30m tường rào, bể chứa nước và cả dãy nhà với tám phòng vệ sinh của nhà trường. May mắn vụ sạt lở không gây thiệt hại về người, nhưng trường đã phải cho học sinh nghỉ học nhiều ngày sau, đến khi thời tiết ổn định trở lại.
Ông Năm cũng cho biết, vụ sạt lở vào ngày 23.9.2024 gần như đã được dự báo vì hơn hai năm trước, trong mùa mưa năm 2022, sạt lở cũng diễn ra tại sườn núi tiếp giáp Trường Tiểu học Sơn Hà.
Hàng trăm khối đất đá đã làm hư hại nhiều phòng học và các công trình phụ trợ của nhà trường. Năm 2021, sạt lở cũng đã xảy ra, đất đá làm thủng tường, chảy đổ vào nhà văn hóa trong khuôn viên công sở xã Sơn Hà. Khi chúng tôi đến, Trường THCS Sơn Hà vẫn còn ngổn ngang dấu tích của vụ sạt lở năm trước để lại.
Tại khu bán trú, hàng trăm mét khối bùn đá vẫn đang vùi lấp phần nền. Lơ lửng ngay trên đầu là vùng sạt hàm ếch từ chân núi dựng thẳng lên tận đỉnh núi, cùng các vết nứt kéo dài theo cung sạt, nguy cơ đổ sập xuống khu dân cư bất cứ lúc nào.
“Lo lắng của nhà trường vẫn luôn hiện hữu bởi hằng ngày có hàng trăm học sinh học ở dưới mái trường này. Mỗi khi trời mưa to, gió lớn là chúng tôi rất lo lắng, bất an vì không biết ngọn núi ở phía sau có bị sập và sạt lở tiếp hay không. Rất mong các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương sớm vào cuộc, có giải pháp khắc phục tình trạng này để giáo viên, học sinh nhà trường và những hộ dân nơi đây ổn định cuộc sống, yên tâm công tác và học tập”, thầy Năm đề nghị.
Ngoài vị trí sạt lở nói trên, phần mái dốc và taluy chân núi Pha Kham hiện đang xuất hiện nhiều vết nứt, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của 28 cán bộ, công chức, người lao động của UBND xã Sơn Hà; 60 cán bộ, giáo viên và 511 học sinh; 8 hộ dân với 35 nhân khẩu và các công trình, tài sản liên quan trong khu vực.
Một phụ huynh có con em đang học tại Trường THCS Sơn Hà cho biết, “năm ngoái (2024) đã xảy ra một trận sạt lở nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp tới nhà trường, nơi con tôi đang theo học. Năm nay, mùa mưa bão lại sắp đến, thiên tai ngày càng khó lường, nên nhiều phụ huynh mong muốn các cấp, ngành quan tâm, di chuyển trường đến nơi khác để thầy cô cũng như các cháu có môi trường học tập được an toàn”.
Ông Lương Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Sơn Hà cho biết: Hiện có hơn 600 người sinh sống, học tập, công tác ở dưới chân núi Pha Kham đang bị ảnh hưởng và đe dọa trực tiếp tới tính mạng, tài sản bởi sạt lở.
“Vào mùa mưa bão, chúng tôi thường đánh dấu cọc tre, rồi cắm tại các vị trí có nguy cơ cao sạt lở và phân công lực lượng theo dõi chặt chẽ; đồng thời xây dựng phương án để chủ động, sẵn sàng ứng cứu người và tài sản khi có sự cố xảy ra. Tuy nhiên, những giải pháp ấy cũng chỉ mang tính tạm thời; còn về lâu dài, cần phải di chuyển toàn bộ các trường học, công sở xã và các hộ dân thuộc diện nguy cơ cao đến nơi an toàn”, ông Cương nói.
Trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng cuối tháng 9.2024, ngày 23.10.2024, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở núi Pha Kham tại bản Hạ, xã Sơn Hà.
Đồng thời giao UBND huyện Quan Sơn tổ chức khảo sát, đánh giá cụ thể về nguyên nhân, phạm vi, quy mô, mức độ sạt lở, hư hỏng cơ sở hạ tầng do sạt lở gây ra.
Trên cơ sở đó, xác định giải pháp xử lý phù hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bố trí kinh phí để đầu tư và triển khai thực hiện, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật và ổn định lâu dài.
Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở KH&ĐT và các đơn vị liên quan tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hỗ trợ kinh phí cho UBND huyện Quan Sơn thực hiện theo đúng quy định của pháp luật...
Ngay sau đó, UBND huyện Quan Sơn đã ban hành phương án ứng phó tình huống khẩn cấp sạt lở núi Pha Kham.
Tuy nhiên, đến nay dự án mang tính cấp thiết, ảnh hưởng đến hàng trăm nhân khẩu nhưng vẫn chưa được triển khai.
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quan Sơn cho biết, đến nay UBND tỉnh vẫn chưa thể di dời công sở, trường học và các hộ gia đình ở chân núi Pha Kham đến nơi an toàn như dự kiến vì chưa có chủ trương lập dự án, cấp vốn đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ việc di dời.