Dự thảo nghị định mới về mức miễn, giảm, hỗ trợ học phí, chi phí học tập
VHO - Điểm mới quan trọng trong dự thảo nghị định là chính sách miễn, giảm, hỗ trợ học phí và hỗ trợ chi phí học tập. Theo đó, đối tượng được miễn học phí bao gồm trẻ em mầm non dưới 5 tuổi tại cơ sở công lập, học sinh phổ thông công lập và các đối tượng chính sách khác.

Ngày 14.7, dự thảo nghị định quy định về chính sách học phí, miễn, giảm, hỗ trợ học phí, hỗ trợ chi phí học tập và giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (thay thế các nghị định trước đây và dự kiến áp dụng từ năm học 2025-2026) vừa được Bộ GD-ĐT gửi đến Bộ Tư pháp để thẩm định.
Về học phí giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập, dự thảo nêu rõ, khung học phí (sàn - trần) cho năm học 2025-2026 giữ ổn định bằng mức học phí năm học 2022-2023 quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, không phân biệt theo địa bàn đô thị, nông thôn, miền núi. Cụ thể, mức sàn-trần dao động từ 50.000 đồng/trẻ, học sinh/tháng đến 650.000 đồng/trẻ, học sinh/tháng tùy cấp học và mức độ tự chủ tài chính của cơ sở giáo dục.
Từ năm học 2026-2027 đến 2035-2036, mức trần học phí được điều chỉnh không quá 7.5%/năm để tính đủ chi phí vào năm học 2035-2036. Từ năm học 2036-2037 trở đi, mức trần không vượt quá tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng.
Với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập, mức trần học phí cho năm học 2025-2026 và 2026-2027 được quy định cụ thể theo từng nhóm ngành, nghề đào tạo (ví dụ, ngành khoa học xã hội nhân văn: 1.36 triệu đồng/tháng năm 2025-2026; sức khỏe: 2.38 triệu đồng/tháng năm 2025-2026)...
Từ năm học 2027-2028 trở đi, mức trần học phí được điều chỉnh phù hợp với khả năng chi trả và điều kiện kinh tế xã hội, nhưng tối đa không vượt quá tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng tại thời điểm xác định.
Đối với các chương trình đào tạo chất lượng cao hoặc chuyển giao từ nước ngoài, cơ sở giáo dục quyết định mức thu học phí cụ thể nhưng phải duy trì các chương trình đào tạo tiêu chuẩn trong mức trần học phí nhà nước quy định để đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục cho người học.
Điểm mới đặc biệt trong dự thảo này là chính sách miễn, giảm, hỗ trợ học phí và hỗ trợ chi phí học tập. Theo đó, đối tượng được miễn học phí bao gồm trẻ em mầm non dưới 5 tuổi tại cơ sở công lập, học sinh phổ thông công lập và các đối tượng chính sách khác như người có công, người khuyết tật, mồ côi cả cha lẫn mẹ, người dân tộc thiểu số từ hộ nghèo/cận nghèo, sinh viên học các chuyên ngành đặc thù; người tốt nghiệp THCS học lên trình độ trung cấp.
Đối tượng được hỗ trợ học phí gồm trẻ em mầm non dưới 5 tuổi tại cơ sở dân lập, tư thục và học sinh phổ thông dân lập, tư thục được Nhà nước hỗ trợ theo mức do HĐND cấp tỉnh quyết định.
Cũng theo dự thảo, Nhà nước dự kiến giảm 70% học phí cho học sinh, sinh viên học các ngành nghệ thuật truyền thống, đặc thù, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, và người dân tộc thiểu số (ngoài đối tượng rất ít người) thường trú tại các thôn/bản đặc biệt khó khăn; giảm 50% cho học sinh, sinh viên có cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên.
Trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên theo chương trình phổ thông thuộc diện mồ côi, khuyết tật, hộ nghèo, hoặc sống và học tại các vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ chi phí học tập 150.000 đồng/học sinh/tháng để mua sách, vở và đồ dùng học tập, trong thời gian học thực tế không quá 9 tháng/năm học và được chi trả 2 lần/năm vào đầu các học kỳ.
Nhà nước dự kiến sẽ cấp bù tiền miễn, giảm học phí cho cơ sở giáo dục công lập và cấp trực tiếp tiền miễn, giảm, hỗ trợ học phí cho người học tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục. Việc cấp kinh phí được thực hiện theo thời gian học thực tế, không quá 9 tháng/năm học (mầm non, phổ thông) và 10 tháng/năm học (nghề nghiệp, đại học), chi trả 2 lần/năm.
Theo ANH PHƯƠNG/Báo Sài Gòn Giải Phóng
Link bài viết gốc