Du lịch Ninh Bình: Chủ động ứng phó với cơn bão WIPHA gần biển Đông
VHO - Ngày 20.7, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình đã gửi văn bản số 103/SDL-QLCSLT về việc chủ động ứng phó với cơn bão WIPHA gần biển Đông, tới UBND các xã, phường; Ban quản lý các khu, điểm du lịch của tỉnh; các cơ sở kinh doanh du lịch; Hiệp hội du lịch tỉnh.

Công văn nêu, thực hiện Công điện số 3550/CĐ-BVHTTDL ngày 19.7.2025 của Bộ VHTTDL về việc tập trung ứng phó với bão số 3 năm 2025; Công điện số 2/CĐ-UBND ngày 19.7.2025 của UBND tỉnh về việc tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ; Công văn số 35/UBND-VP3 ngày 18.7.2025 của UBND tỉnh về việc chủ động ứng phó với bão gần biển Đông.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, hồi 13 giờ ngày 18.7, cơn bão WIPHA gần biển Đông có vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,3 độ Vĩ Bắc; 123,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông đảo Ludong (Philippines).
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11; di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 30km/h; dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 20-25km/h; từ ngày 20-25.7 khả năng xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng ở khu vực Bắc Bộ.
Để chủ động ứng phó với cơn bão gần biển Đông, đảm bảo an toàn cho khách du lịch và người dân, Sở Du lịch đề nghị các đơn vị tập trung triển khai một số nội dung sau:
1. Các khu, điểm, cơ sở dịch vụ du lịch:
Các khu, điểm du lịch chủ động triển khai phương án phòng chống bão, mưa lũ kịp thời, hiệu quả, đặt an toàn tính mạng du khách lên hàng đầu, tuyệt đối không chủ quan.
Khi thời tiết xấu, ngừng ngay hoạt động tham quan và thông báo kịp thời cho du khách, đơn vị lữ hành và cơ quan chức năng.
Bố trí lực lượng, phương tiện cứu hộ tại các điểm trọng yếu; công khai số điện thoại đường dây nóng; lắp đặt đầy đủ biển chỉ dẫn, cảnh báo nguy hiểm.
Tổ chức tập huấn kỹ năng sơ cứu, xử lý tình huống khẩn cấp cho nhân viên và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong mọi tình huống.
Các khách sạn, nhà hàng du lịch, các cơ sở dịch vụ khác chủ động theo dõi tình hình thời tiết, xây dựng và triển khai phương án phòng chống bão phù hợp.
Các cơ sở phải kiểm tra, gia cố hạ tầng, đảm bảo an toàn cho du khách và nhân viên; chuẩn bị nhu yếu phẩm, bố trí nhân lực trực 24/24 trong thời gian bão.
Đồng thời, cần thông tin kịp thời cho khách về tình hình thời tiết, hướng dẫn các biện pháp an toàn, công khai số điện thoại liên lạc và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để xử lý sự cố khi cần thiết.
2. Đề nghị UBND các xã, phường:
Phối hợp với các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú triển khai phương án phòng chống bão, đảm bảo an toàn cho du khách.
Theo dõi thời tiết, kịp thời chỉ đạo dừng hoạt động du lịch khi cần thiết. Hỗ trợ tuyên truyền, kiểm tra an toàn và sẵn sàng lực lượng phối hợp cứu hộ, xử lý sự cố do bão, mưa lũ gây ra.
3. Đề nghị Hiệp hội du lịch tỉnh:
Phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn hội viên chủ động phòng chống bão, đảm bảo an toàn cho du khách.
Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng phương án ứng phó, điều chỉnh hoạt động khi cần thiết. Phối hợp với Sở Du lịch và địa phương trong công tác thông tin, cứu hộ và khắc phục hậu quả sau bão.
Sở Du lịch yêu cầu Ban Quản lý các khu, điểm du lịch; các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện.
* Ngày 20.7, Sở Du lịch Ninh Bình cũng thông tin về việc hỗ trợ đoàn khách tham quan và tăng cường công tác phòng, chống bão tại Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động.
Theo đó, vào chiều 19.7, do ảnh hưởng của cơn giông bất ngờ, đoàn gồm 27 du khách tham quan tại tuyến du lịch Tam Cốc đã được Ban Quản lý Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động nhanh chóng hướng dẫn và hỗ trợ di chuyển vào khu vực an toàn để tránh mưa gió, đảm bảo an toàn và sức khỏe cho du khách.
Sáng 20.7, ngay sau khi thời tiết ổn định, đoàn khách đã tiếp tục hành trình tham quan trong không khí vui vẻ, thoải mái, nhận được sự đồng hành tận tình từ đội ngũ hướng dẫn, điều đò và lái đò.
Ban Quản lý cũng đã bố trí thêm thuyền máy hỗ trợ, giúp du khách khám phá trọn vẹn vẻ đẹp của Tam Cốc.
Song song với việc hỗ trợ du khách, Ban Quản lý đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống thiên tai: Tăng cường neo đậu và gia cố thuyền bè để đảm bảo an toàn khi thời tiết xấu.
Cắt tỉa, chằng chống cây xanh tại các tuyến đường, bến thuyền và khu vực tập trung đông người để giảm thiểu nguy cơ đổ gãy.
Đóng bao cát chống xói lở, ngập úng tại các điểm trọng yếu ven bờ.
Duy trì đội cứu hộ túc trực và hệ thống liên lạc nhanh để ứng phó kịp thời.