Giảng dạy môn “Hà Nội học” tại các trường tại thủ đô:

Đồng bộ để mang lại hiệu quả

ĐÌNH TOÁN

VHO - Đầu năm nay, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu các cấp, ngành của thành phố nghiên cứu, có giải pháp đưa môn “Hà Nội học” vào giảng dạy trong hệ thống các trường ở Thủ đô. Đến nay, nhiều công việc đã được khởi động nhằm chuẩn bị tốt nhất cho việc triển khai dạy và học nội dung này.

Đồng bộ để mang lại hiệu quả - ảnh 1
Các nội dung về văn hóa, con người Thủ đô sẽ được đưa vào giảng dạy trong môn “Hà Nội học”. Ảnh: TRẦN HUẤN

Việc đưa “Hà Nội học” vào nhà trường được đánh giá là giải pháp hiệu quả nhằm thực hiện một số chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Chương trình 06-CTr/ TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Thủ đô thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025…

Những kết quả bước đầu

Theo đó, môn “Hà Nội học” sẽ giúp cho học sinh hiểu hơn về vùng đất, con người nơi mình đang sống; nhận diện được những giá trị văn hóa của đô thị “nghìn năm văn hiến”. Từ đó, khơi dậy lòng tự hào, khát vọng vươn lên của thế hệ trẻ để xây dựng Hà Nội tương xứng với vị thế vốn có; nâng tầm văn hóa, phát triển con người Thủ đô.

TS Bùi Quốc Hoàn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, việc đưa nội dung này vào giảng dạy tại các trường trên địa bàn thành phố là chủ trương đúng đắn của Thành ủy Hà Nội. Nhà trường hiện đang thực hiện Đề án “Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Mục tiêu chung của Đề án nhằm bồi dưỡng đội ngũ giáo viên phổ thông có kiến thức về Hà Nội trên các lĩnh vực, qua đó đảm nhiệm tốt nhiệm vụ giảng dạy môn Giáo dục địa phương trong Chương trình 2018. “Năm 2024, trường đã xuất bản học liệu, tài liệu học tập; xây dựng không gian Hà Nội học. Đặc biệt, trường cũng tổ chức bồi dưỡng kiến thức “Hà Nội học” cho giáo viên tại các trường phổ thông của Hà Nội; đảm bảo 100% giáo viên giảng dạy môn Giáo dục địa phương ở 3 cấp học (tiểu học, THCS, THPT) đều được bồi dưỡng kiến thức”, TS Bùi Quốc Hoàn thông tin.

Tại Trường Đại học Hà Nội, học phần “Hà Nội học” đã được đưa vào chương trình giảng dạy cho sinh viên ngành Ngôn ngữ từ năm 2018. Trường chú trọng cung cấp những kiến thức cơ bản và hệ thống về Hà Nội với vị thế địa lý, quá trình hình thành cộng đồng dân cư, đặc trưng tính cách con người, tiến trình lịch sử và các di sản văn hóa tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội...

Đối với cấp THPT, Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân Văn (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN) là ngôi trường đầu tiên đưa “Hà Nội học” vào nội dung giảng dạy phân môn Giáo dục địa phương theo Chương trình 2018.

Để có thể tiến hành giảng dạy môn này, đơn vị đã nhờ sự hỗ trợ từ Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Viện Việt Nam học và khoa học phát triển của ĐHQGHN. Với yêu cầu về chất lượng giảng dạy, giáo viên đứng lớp đều là những chuyên gia về Hà Nội. Không chỉ là những buổi học trên lớp, nhà trường cũng kết nối với Ban quản lý các di tích lịch sử đưa học sinh đi thực tế, trải nghiệm...

Giáo dục thế hệ trẻ Hà Nội hiểu biết, yêu mến Thủ đô

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhiều chuyên gia, giáo viên nhận định, việc giảng dạy “Hà Nội học” cũng đang gặp không ít khó khăn. Mặc dù đã có một số trường tổ chức giảng dạy môn học này nhưng số lượng chưa nhiều.

Bên cạnh đó, giáo viên cũng phải tự nghiên cứu, xây dựng nội dung bài giảng rồi tiến hành thử nghiệm để đảm bảo phù hợp, không làm nặng thêm chương trình chung. Môn học cũng có một số điểm chưa toàn diện, chưa nêu được đặc trưng nổi bật của TP và thiếu sự gắn kết với các môn học khác.

Đi cùng với đó, câu chuyện “làm gì để bài giảng khơi dậy hứng thú và sự chủ động tìm hiểu kiến thức trong học sinh” cũng là vấn đề cần bàn tới. TS Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Văn hóa - Du lịch (Trường Đại học Thủ đô Hà Nội) cho biết, để giảng dạy hiệu quả môn “Hà Nội học” có nhiều cái khó, đòi hỏi sự chủ động, sáng tạo của giáo viên thay vì chỉ căn cứ, bám sát vào học liệu, giáo trình. Nội dung bài giảng, chương trình cần được thiết kế theo hướng có tính kết nối, gắn với chương trình phổ thông; thể hiện cụ thể hóa, mối liên kết giữa các vấn đề của đất nước với địa phương. Các tiết học cần được tăng cường yếu tố trải nghiệm, sáng tạo; có thêm các giờ mà ở đó, học sinh có cơ hội trình bày ý tưởng, sản phẩm của mình khi tìm hiểu về một vấn đề nào đó của Thủ đô.

“Đối với giáo viên, thêm một yêu cầu đặt ra là sự tâm huyết, trách nhiệm; đặc biệt là phải có tình yêu mạnh mẽ với Hà Nội và khả năng truyền đạt tình cảm đó đến học sinh của mình. Để các em hiểu và yêu Hà Nội, có trách nhiệm với mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên, nhiệm vụ của các thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy nội dung này là rất nặng nề, nhưng cũng vô cùng vinh dự”, TS Lê Thị Thu Hương bày tỏ.

Bên cạnh đó, nhiều giáo viên cho rằng, cần sớm giải quyết vấn đề học liệu, nhất là mốc thời gian xuất bản bộ sách giáo khoa, tài liệu liên quan. “Hà Nội học” là môn học có tính chất liên ngành, do đó, cần có sự tham gia biên soạn sách của giới chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu sâu về các lĩnh vực của Hà Nội. Khi đã có sách giáo khoa, nhà trường cần chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, phương tiện dạy học; quan trọng nhất là tâm thế đón nhận của giáo viên và học sinh.

Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Thị Vân Anh khẳng định: “Giáo dục địa phương có nhiệm vụ gắn kết giữa cái chung và cái riêng, giúp học sinh hiểu sâu hơn về quê hương, đất nước. Qua đó, không chỉ giáo dục tình yêu Tổ quốc mà còn nêu cao tinh thần trách nhiệm của giới trẻ trong quá trình xây dựng, phát triển nơi mình đang sống. Do đó, chủ trương đưa “Hà Nội học” vào chương trình giáo dục phổ thông tại thành phố đã được cụ thể hóa trong Kế hoạch số 176/KH-UBND về thực hiện Chương trình 06. Các đơn vị cần nghiên cứu, sớm có giải pháp đưa môn học vào giảng dạy trong các trường”.

 Nghiêm túc hoàn thiện báo cáo kết quả Chương trình 06-CTr/TU

Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Thị Vân Anh (Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU) vừa đề nghị các Sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung hoàn thiện báo cáo kết quả Chương trình, nêu bật được kết quả triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở đó, nêu ra tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm; đề ra nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ tới. Mặt khác, cũng cần lưu ý tới công tác kiểm tra, giám sát, thi đua khen thưởng trong quá trình thực hiện chương trình…

Trước đó, theo báo cáo Kết quả thực hiện Chương trình 06-CTr/TU 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024 của Ban Chỉ đạo Chương trình, đến nay, các Ban, ngành, đoàn thể và các quận, huyện trên địa bàn TP đã thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được xác định tại Chương trình 06-CTr/TU gắn với thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”.

NAM ANH