15 năm Cù Lao Chàm – Hội An trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới:
Điểm sáng trong bảo tồn biển, bảo vệ môi trường
VHO - Tối 23.5, tại xã đảo Tân Hiệp, UBND thành phố Hội An long trọng kỷ niệm 15 năm ngày UNESCO công nhận Cù Lao Chàm – Hội An là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (26.5.2009 – 26.5.2024).
Ngày 26.5.2009, tại đảo Jeju Hàn Quốc, Ủy ban điều phối quốc tế chương trình Con người và Sinh quyển của UNESCO đã chính thức công nhận Cù Lao Chàm – Hội An là khu dự trữ sinh quyển thế giới (DTSQTG) với những giá trị độc đáo, riêng có trong hệ thống 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam.
15 năm đã qua, từ một xã đảo Tân Hiệp thiếu thốn mọi mặt từ cơ sở vật chất, tài nguyên trên rừng, dưới biển bị khai thác không kiểm soát, rác thải khắp mọi nơi trên đảo, mỗi năm phải tiếp nhận hàng cứu trợ vào cuối năm thì đến nay, Cù Lao Chàm đã chuyển mình toàn diện, không những thoát nghèo thành công mà còn vươn lên dẫn đầu cả tỉnh về mức thu nhập, công tác bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học đạt được nhiều thành tựu và trở thành viên ngọc quý tỏa sáng trong hành trình của du khách thập phương.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, sự thay đổi đó bắt đầu khi có Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm ra đời vào năm 2005 và đặc biệt là Khu dự trữ Sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An năm 2009 với sứ mệnh bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn trong mối liên kết giữa rừng và biển, giữa đảo với đất liền, giữa lục địa với đại dương và thiêng liêng nhất chính là giữa con người với thiên nhiên.
Các giá trị đặc trưng, nổi trội của Khu DTSQTG Cù Lao Chàm đó là: Khu Bảo tồn Biển Cù Lao Chàm; Di sản văn hóa Phố cổ Hội An; rừng đặc dụng Cù Lao Chàm nơi lưu giữ nguồn gen quí hiếm của hệ sinh thái rừng thường xanh nhiệt đới; Rừng dừa nước và hệ thống cồn bãi tự nhiên tại vùng cửa sông Thu Bồn, nơi ươm dưỡng nguồn giống của nhiều loài thủy sinh có vòng đời gắn liền với quần đảo Cù Lao Chàm và cả thượng nguồn của dòng Thu Bồn; Các làng nghề truyền thống cùng với những giá trị nổi trội về văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với mảnh đất và con người Hội An.
Danh hiệu Khu sinh quyển đã thôi thúc chính quyền và người dân nỗ lực hết mình để bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên sinh vật cả trên rừng, dưới biển và từng bước chuyển đổi sinh kế người dân từ khai thác thủy sản bấp bênh sang dịch vụ du lịch sinh thái một cách bền vững.
Từ chỗ người dân bắt rùa, thu trứng rùa để ăn thì đến nay toàn dân đã chung tay, góp sức trong công cuộc bảo vệ và tái phục hồi loài bò sát cổ cực kỳ quí hiếm này của thế giới.
San hô trước đây bị khai thác để làm cảnh, làm vật liệu xây dựng thì đến nay được nâng niu và bảo vệ một cách tuyệt vời bởi chính người dân xã đảo trong sự hỗ trợ của khu bảo tồn, các nhà khoa học và chính quyền thành phố Hội An.
Cua đá từ chỗ bị khai thác bừa bãi thì đến nay nguồn lợi này đã được quản lý, khai thác, bảo tồn một cách hiệu quả, văn minh với sự vào cuộc của nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân địa phương.
Cùng với đó, các sản phẩm khác trong khu sinh quyển cũng được định hướng ổn định về chất lượng, hướng tới thân thiện với môi trường và được gắn nhãn hiệu chứng nhận Khu sinh quyển.
Các mô hình này đã tạo được sự gắn kết giữa người sản xuất, người tiêu dùng, nhà quản lý trong việc sử dụng tài nguyên, tạo được niềm tin với UNESCO và cộng đồng quốc tế.
15 năm qua, Cù Lao Chàm là một điểm sáng trong công tác bảo tồn biển, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, là nơi đầu tiên của cả nước và gần 600 Khu sinh quyển trên thế giới thành công mô hình Nói không với túi nylon. Gắn liền với chương trình nói không với ống hút nhựa, chai nước nhựa, các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Cù Lao Chàm còn là một trong những khu vực đầu tiên trên cả nước thực hiện việc kiểm toán rác thải trong khu dân cư, chợ, các nơi công cộng và cả trên các tàu thuyền khai thác thủy sản; chương trình đong đầy (refillable), phục hồi tài nguyên (MRF) để làm ra các sản phẩm từ rác thải như nước rửa chén, nước lau sàn nhà, phân bón hữu cơ và nhiều sản phẩm hữu dụng, thân thiện với môi trường và an toàn cho con người.
Những việc làm đầy ý nghĩa như “xách giỏ đi chợ”; các em nhỏ trên đảo tận dụng giấy, báo, lá cây để làm bao bì thay thế cho túi nilon; việc khai thác cua đá, tôm hùm và các nguồn lợi khác một cách văn minh, có kiểm soát; người dân luôn yêu quí và nỗ lực bảo vệ các loài động thực vật quí hiếm.
Tất cả những việc làm trên cùng với sự thân thiện, mến khách của người dân miền biển đã tạo nên một Cù Lao Chàm rất riêng, rất đặc trưng mà không phải nơi nào cũng thực hiện được.
Theo kế hoạch, các hoạt động kỷ niệm 15 năm Cù Lao Chàm- Hội An được UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới sẽ diễn ra xuyên suốt trong tháng 5-6.2024 với chủ đề “Xanh mãi Cù Lao Chàm”.
Các hoạt động trải nghiệm như triển lãm tranh ảnh về đa dạng sinh học, các điểm check-in hấp dẫn, hoạt động trò chơi với chủ đề : Hãy là du khách có trách nhiệm.
Trong quá trình triển khai thực hiện khuyến khích các hoạt động sử dụng sản phẩm thân thiện, sản phẩm tái chế, hạn chế sử dụng túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Đây cũng là một trong số hoạt động hưởng ứng “Năm phục hồi Đa dạng sinh học Quốc gia - Quảng Nam 2024”. Góp phần tăng cường các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học; các hoạt động trải nghiệm du lịch thân thiện với môi trường, thu hút du khách đến với Cù Lao Chàm, phục hồi du lịch và phát triển kinh tế xã hội địa phương.