Đồng quản lý để phát triển ở Cù Lao Chàm

VHO- Thôn Bãi Hương, xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm), TP Hội An, tỉnh Quảng Nam chỉ có chừng một trăm nóc nhà, gần 400 dân, ngôi làng nhỏ bình dị như bao làng chài khác ở xứ Quảng đang nổi lên là một điểm đến, mô hình kiểu mẫu về du lịch cộng đồng của Quảng Nam.

Đồng quản lý để phát triển ở Cù Lao Chàm - Anh 1

 Du khách thích thú thưởng thức những món ăn dân dã cùng với chủ nhà

Là một trong 3 thôn ở đảo Cù Lao Chàm, Bãi Hương nằm tách biệt, cách trung tâm hành chính xã Tân Hiệp gần 5 km đường bộ. Trước đây, cả làng Bãi Hương chỉ biết làm nghề biển. Vài năm lại đây, cùng với sự phát triển sôi động của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, người Bãi Hương bắt đầu chuyển đổi, có thêm kinh doanh loại hình dịch vụ, du lịch. Tiểu khu Đồng quản lý bảo tồn biển Bãi Hương là đơn vị đầu tiên được UBND tỉnh Quảng Nam trao quyền quản lý và sử dụng với khoảng hơn 19 km2 mặt nước biển.

Tại Bãi Hương, du khách có thể trải nghiệm những dịch vụ du lịch đơn thuần như lưu trú homestay, thưởng thức ẩm thực… Điều đặc biệt là tất cả mang lại cho du khách những trải nghiệm chân thật cùng với cư dân bản địa, toàn thôn chỉ có 14 homestay với gần 50 phòng, hầu như luôn hoạt động hết công suất, mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho người dân. Chủ nhà trọ Nhị Lô cho biết, nhà ông có 4 phòng, trước 2 người con ở 2 phòng, nay con cái lớn vào đất liền đi học nên gia đình sửa sang, đầu tư thêm tiện nghi làm phòng lưu trú cho khách với giá cả hợp lý tầm 500.000 đồng/đêm nên hầu như lúc nào cũng có khách thuê trọ.

Người dân Bãi Hương cho biết, du khách đến làng rất thích được thưởng thức những bữa ăn bình thường cùng với người dân địa phương theo kiểu chủ nhà ăn gì, khách ăn nấy. Đặc biệt du khách nước ngoài rất thích được cùng đi chợ, được hướng dẫn nấu các món ăn địa phương và cùng ăn chung mâm cơm với gia đình chủ nhà.

Mô hình Tiểu khu đồng quản lý bảo tồn biển Bãi Hương do người dân quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên một cách hiệu quả. Người dân được tham gia vào việc lập kế hoạch quản lý, triển khai các hoạt động truyền thông, tổ chức các dịch vụ du lịch, dọn vệ sinh, bảo vệ môi trường,… Qua đó nâng cao vai trò, trách nhiệm của người dân trong quá trình quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Mô hình ngày càng hoàn thiện, năng lực của người dân ngày càng được nâng cao, môi trường và nguồn lợi của Tiểu khu được giữ gìn, bảo vệ, môi trường, quang cảnh sạch đẹp ngày càng thu hút du khách đến tham quan, nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, thu nhập người dân được nâng cao đáng kể.

Theo Ban quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, đồng quản lý là một phương thức quản lý, trong đó nhà nước chia sẻ quyền hạn, trách nhiệm và chức năng quản lý với những người sử dụng nguồn lợi. Đây là một mô hình quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên dựa trên sự phối hợp giữa người dân và các cơ quan quản lý, hướng đến việc bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học, bảo vệ các hệ sinh thái, tài nguyên thiên nhiên, phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, phát triển kinh tế xã hội cộng đồng địa phương, đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

THU HOÀI

Ý kiến bạn đọc