Đảm bảo an sinh cho lao động nữ (Bài 1): Ồ ạt rút BHXH một lần vì lo lắng chính sách thay đổi
VHO - “Sợ không chờ được đến 60 tuổi để lĩnh lương hưu”, “Nếu năm sau nghỉ sợ không được rút 100% chế độ BHXH một lần”… là những lí do mà hàng loạt lao động nữ tuổi trung niên đã hoặc đang chuẩn bị rút BHXH một lần. Việc không hiểu biết đầy đủ về chính sách an sinh xã hội đã tạo ra làn sóng rút BHXH một lần diễn ra ở hầu hết các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước.
Công nhân nữ không thể làm việc đến 60 tuổi để lĩnh lương hưu
Vào một buổi tối, chúng tôi gọi điện cho chị Nguyễn Thị Nhâm (42 tuổi, quê ở Nghệ An) trong tâm trạng thấp thỏm, không biết chị đã nghỉ việc để rút BHXH một lần như ý định khi gặp chúng tôi 2 tháng trước tại khu nhà ở cho công nhân tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh (Hà Nội).
Chị Nguyễn Thị Nhâm (quê Nghệ An) đang suy nghĩ về việc nghỉ việc để rút BHXH một lần
Sau tiếng chuông reo, đầu dây bên kia chị Nhâm bắt máy. Sau vài câu hỏi thăm, chúng tôi cảm thấy vui vì chị Nhâm cho biết vẫn đang làm việc, chưa quyết định rút BHXH một lần mà đang cân nhắc. Chị chưa rút BHXH 1 lần ngày nào có nghĩa là đến ngày ấy chị vẫn đang được bảo vệ bởi hệ thống an sinh xã hội của Nhà nước.
Đến nay, chị Nhâm làm việc tại Công ty Canon Việt Nam được 14 năm, thời gian đóng BHXH cũng được 14 năm. Công việc hằng ngày của chị ở bộ phận lắp ráp máy in, nhưng gần đây công ty ít việc nên thời gian nghỉ tới 70%. Chồng chị mất sớm, toàn bộ cuộc sống của 3 mẹ con phụ thuộc vào thu nhập 6,5 triệu đồng/tháng của chị. Chị ở trong khu nhà ở dành cho công nhân với giá thuê 40.000 – 50.000 đồng/tháng để có thể tiết kiệm, tích cóp 2 – 3 triệu đồng để gửi về quê cho ông bà nuôi 2 con của chị ăn học.
Chị cho biết, nguyên nhân chị muốn rút BHXH một lần vì chị làm ở công ty đã lâu và ở độ tuổi 42, năng suất lao động không bằng lớp trẻ vào sau. Mặc dù điều kiện môi trường khá tốt như bữa ăn ca đảm bảo dinh dưỡng, phong phú, vệ sinh, nhưng công việc khá vất vả, nói là làm 8 tiếng/ngày, nhưng thực tế thời gian ra khỏi nhà là hơn 9 tiếng. “Nếu làm việc đến 55 tuổi được về hưu, khi đó thời gian đóng BHXH của tôi cũng được hơn 25 năm thì tôi còn cố gắng. Tuy nhiên luật quy định 60 tuổi mới được về hưu thì lúc đó tôi không thể làm việc được, đằng đẵng chờ gần 20 năm nữa mới được lĩnh lương hưu nên tôi muốn xin nghỉ việc và lĩnh BHXH một lần”, chị Nhâm chia sẻ.
Một nguyên nhân khác khiến chị Nhâm muốn nghỉ việc trong năm 2023 là vì chị “nghe nói” nếu năm sau nghỉ thì chị sẽ không được lĩnh 100% BHXH một lần mà chỉ được lĩnh 50% do chính sách thay đổi. Nhưng ngoài quy định này đang được Chính phủ đề xuất thì chị Nhâm không hề biết có rất nhiều chính sách khác đảm bảo cho quyền lợi của người tham gia BHXH lúc về già – không còn đủ sức lao động cũng đang được thay đổi nhằm mang lại quyền lợi cho chị và lao động khác. “Tôi thấy các chị em ở công ty lứa tuổi trung niên đã nghỉ nhiều lắm rồi, phải tới 70%. Còn tôi cũng đang suy nghĩ vì có người bảo làm tiếp, có người lại bảo nghỉ để hưởng BHXH một lần”, chị Nhâm chia sẻ.
Theo nữ công nhân này, nếu chị không chốt sổ mà chờ đến tuổi nghỉ hưu 60 tuổi để lĩnh là một thời gian chờ đợi quá dài, nếu lĩnh sớm thì chị sẽ bị trừ phần trăm lương hưu do nghỉ trước tuổi. Nếu đi làm ở công ty khác thì công việc chân tay như chị thì lương khởi điểm chỉ khoảng 5 triệu/tháng, thấp hơn lương hiện tại, do đó mức đóng BHXH cũng thấp, và sau này lương hưu cũng thấp… Điều này cho thấy chị đã có tìm hiểu và suy nghĩ, cân nhắc khi nghỉ việc. Nhưng do thiếu thông tin về quyền lợi của mình nên chị chọn cách lĩnh BHXH một lần mà không biết đến những chính sách khác có thể mang lại lợi ích cho chị về lâu dài.
Chị Trần Thị Thuý (ngoài cùng bên trái) sau khi nghỉ việc lựa chọn đóng BHXH tự nguyện thay vì rút BHXH một lần
Cùng chung phòng với chị Nhâm là chị Trần Thị Thuý (28 tuổi, quê ở Yên Bái). Khi liên lạc lại, chị cho hay đã nghỉ việc ở khu công nghiệp và trở về nhà. Hiện chị chưa xin việc làm ở đâu, nhưng cách chị lựa chọn là đóng BHXH tự nguyện thay vì lĩnh BHXH một lần. “Cách đây 6 – 7 năm, tôi đã lĩnh BHXH 1 lần, số tiền không được bao nhiêu. Vì thế, lần này tôi tham gia BHXH tự nguyện để khi về già có lương hưu”, chị Thuý kể.
Nhiều chính sách nhằm giữ chân lao động nữ trong hệ thống BHXH
Câu chuyện lĩnh BHXH một lần không phải là đơn lẻ mà thành “làn sóng” trên cả nước, đặc biệt là sau khi Bộ LĐ,TB&XH đề xuất phương án chỉ cho người lao động lĩnh 50% số tiền BHXH 1 lần nhằm giữ chân họ trong hệ thống an sinh xã hội.
Trong một chuyến công tác tại Quảng Nam, chúng tôi tình cờ gặp chị Phạm Thị Nở (sinh năm 1989, xã Tiên An, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) đang làm thủ tục rút BHXH 1 lần tại BHXH huyện Tiên Phước. Chia sẻ với chúng tôi, chị Nở cho thay, chị đã đóng BHXH được 5 năm 6 tháng. Do việc ít nên chị xin nghỉ để lĩnh BHXH một lần giống như rất nhiều công nhân trong công ty. Chị Nở cho hay, nếu tìm được việc mới sẽ đóng BHXH lại chứ không tham gia BHXH tự nguyện bởi chị đã tham gia BH nhân thọ ở mức phí 18 triệu/năm. “Tôi đã đóng BH nhân thọ được 2 năm và đóng trong vòng 15 năm”, chị Nở thông tin, và tất nhiên chị cũng không biết có đủ tiền để theo BHNT trong những năm tới hay không.
Chị Phạm Thị Nở làm thủ tục rút BHXH một lần tại BHXH huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam)
Theo số liệu của BHXH Việt Nam, chỉ tính riêng tháng 8.2023, ngành BHXH đã giải quyết cho hơn 114 nghìn người hưởng trợ cấp một lần, trong đó có 97.767 người nghỉ việc hưởng BHXH một lần. Trong giai đoạn 2016 - 2022, cả nước có hơn 4,9 triệu lượt người lao động hưởng BHXH 1 lần; trong đó, nữ giới rút BHXH một lần nhiều hơn nam giới, chiếm 55%. Các nghiên cứu của Tổ chức lao động thế giới (ILO) chỉ ra rằng, khi kinh tế gia đình gặp khó khăn, nữ giới thường phải “hy sinh” để rút BHXH một lần, để có một số tiền để chi trả cuộc sống trước mắt. Bên cạnh đó có nhiều lao động nữ, dù không có khó khăn về kinh tế, chưa có kế hoạch dùng đến tiền nhưng họ vẫn lựa chọn rút BHXH 1 lần vì lo sợ chính sách thay đổi.
Thực tế, liên quan đến rút BHXH 1 lần, Dự án Luật BHXH (sửa đổi) Bộ LĐ,TB&XH xây dựng không chỉ đề cập đến phương án rút BHXH mà còn bổ sung nhiều nội dung khác nhằm mục tiêu gia tăng quyền, lợi ích để giữ chân người lao động trong hệ thống an sinh xã hội.
Cụ thể, tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung đã trình bày Tờ trình Dự án Luật BHXH (sửa đổi). Trong đó, để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã giảm điều kiện hưởng lương hưu (giảm từ 20 năm xuống 15 năm); hưởng trợ cấp hằng tháng trong trường hợp có thời gian đóng BHXH mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; hưởng BHYT do ngân sách Nhà nước bảo đảm trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng; hưởng BHYT do Quỹ BHXH đóng, thời gian hưởng BHYT tối đa bằng thời gian đóng BHXH của người lao động. Ngoài ra, người lao động trong thời gian bị mất việc chưa có việc làm còn được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt.
Nhiều chính sách sẽ được sửa đổi nhằm thu hút người lao động và lao động nữ tham gia BHXH. Ảnh: H.Nguyễn
Về phương án rút BHXH một lần được giải quyết tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất, thì thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.
Như vậy, dù chính sách có thay đổi thì việc ở lại hệ thống an sinh xã hội sẽ có nhiều lợi ích hơn là rút BHXH một lần. Tuy nhiên, theo lãnh đạo cơ quan BHXH các địa phương, trong bối cảnh các đơn hàng giảm, các công ty giảm việc làm thì việc giữ chân công nhân, người lao động, trong đó có lao động nữ trong hệ thống BHXH là rất khó khăn.
Dễ dàng nhận thấy sự lo sợ thay đổi chính sách một phần đến từ sự hiểu biết chưa đầy đủ, còn phiến diện của một bộ phận người lao động, cũng như từ hiệu ứng đám đông. Do đó, các doanh nghiệp, chính quyền địa phương, BHXH địa phương cần có những buổi tuyên truyền, toạ đàm một cách chính thức nhằm giải đáp những vướng mắc của người lao động, trong đó có lao động nữ để họ yên tâm làm việc, đảm bảo cuộc sống khi về hưu; đồng thời giữ ổn định quỹ an sinh xã hội.
QUỲNH HOA