Đà Nẵng: Tập trung dẹp bỏ tình trạng xin ăn biến tướng

NGỌC HÀ

VHO - Tình trạng lang thang, xin ăn biến tướng, bán hàng rong… không đúng nơi quy định một lần nữa được cử tri Đà Nẵng nêu ra tại Chương trình Hội đồng nhân dân với cử tri lần thứ 6 kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Thu gom, quản lý hàng nghìn đối tượng lang thang xin ăn biến tướng

Theo cử tri Đỗ Cao Chung (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng), hành vi lợi dụng trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật bán hàng rong kết hợp xin ăn; bán hàng rong không đúng nơi quy định trên các tuyến đường du lịch, tuyến phố chính xuất hiện trở lại.

Cử tri Đỗ Cao Chung đề nghị chính quyền và ngành chức năng cần phối hợp ngăn chặn, xử lý hiệu quả tình trạng lang thang, xin ăn.

Thực hiện hiệu quả mục tiêu chương trình “Năm không, ba có” trong đó có “Không có người lang thang xin ăn”, góp phần bảo đảm mỹ quan đô thị, an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.

Trả lời ý kiến của cử tri, Giám đốc Sở LĐ,TB&XH TP. Đà Nẵng Nguyễn Đăng Hoàng cho biết, công tác kiểm tra xử lý các đối tượng lang thang xin ăn, lang thang không nơi cư trú, đối tượng xin ăn biến tướng, đặc biệt là các đối tượng tâm thần xin ăn… đã đạt được nhiều kết quả.

Cụ thể, từ đầu năm 2024, Sở đã tham mưu tổ chức 4 đợt ra quân cao điểm xử lý tình trạng xin ăn biến tướng dịp Tết Dương lịch, ngày lễ 30.4, Quốc khánh 2.9, Lễ hội Quán thế âm Ngũ Hành Sơn…

“Trong quá trình thực hiện, Sở LĐ,TB&XH TP. Đà Nẵng đã thu gom 154 trường hợp đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội và bệnh viện tâm thần. Trong đó có 32 trường hợp tâm thần, 75 trường hợp xin ăn, 20 trường hợp lang thang không nơi cư trú, 27 đối tượng xin ăn biến tướng.

Đà Nẵng: Tập trung dẹp bỏ tình trạng xin ăn biến tướng - ảnh 1
Tuyên truyền, xử lý trường hợp bán hàng rong không đúng nơi quy định

Đối với người địa phương lưu trú tại TP Đà Nẵng có 40 trường hợp, ngoại tỉnh là 85 trường hợp, 29 đối tượng không xác định được địa chỉ.

Hiện nay Sở LĐ,TB&XH Đà Nẵng đang quản lý, nuôi dưỡng 350 đối tượng tâm thần; trung tâm 0506 có 350 - 430 đối tượng cai nghiện; 180 đối tượng bảo trợ xã hội, vậy là khoảng 1.000 đối tượng đang được thu gom, nuôi dưỡng.

Nếu không thu gom được mà để 1.000 đối tượng này lang thang trên 7 quận huyện thì thành phố Đà Nẵng sẽ như thế nào, môi trường du lịch sẽ ra sao, không thể có sự ổn định bình yên như thế này”, ông Nguyễn Đăng Hoàng khẳng định.

Đề xuất bổ sung thêm quy định để xử lý và xử lý tái phạm

Nêu lên những khó khăn trong xử lý, xử phạt người lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng trên địa bàn thành phố, Giám đốc Sở LĐ,TB&XH TP. Đà Nẵng cho biết tình trạng dẫn dắt trẻ em chủ yếu được thực hiện bởi người ngoại tỉnh, đi che cả biển số xe, các đối tượng này thường lẩn trốn không hợp tác.

Các đối tượng bị xử lý là các đối tượng nghèo, hoàn cảnh khó khăn nên công tác hành chính răn đe phạt theo nghị định 130 (mức xử phạt từ 10 - 15 triệu) gần như không thực hiện được.

Dù có Tổ 550 (Tổ xử lý thông tin người lang thang xin ăn) nhưng vẫn phải dựa vào lực lượng địa phương nhân lực mỏng và nhiều kiêm nhiệm.

Từ đầu năm 2024, Đà Nẵng có 2 trường hợp người ngoài hết tiền đi xin và chưa thấy phát sinh, chưa đưa vào cơ chế quản lý nên vẫn phải áp dụng hình thức vận động tuyên truyền.

Đà Nẵng: Tập trung dẹp bỏ tình trạng xin ăn biến tướng - ảnh 2
Quận Thanh Khê ra quân dẹp hàng rong, xin ăn biến tướng

Nghe báo cáo của Sở LĐ,TB&XH, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Ngô Xuân Thắng cho rằng các sở ban ngành phải quyết liệt, chủ động hơn nữa, chứ không thể nói mãi câu chuyện không xử lý được:

“Chúng ta hạn chế bán hàng rong ở một số khu vực tuyến dường trọng điểm phục vụ du lịch, nhưng câu chuyện biến tướng không chỉ tập trung vào dịp lễ tết, đặc biệt trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay thì không thể cấm việc người dân ở các địa phương khác đến mưu sinh.

Nhưng từ việc bán hàng rong chuyển sang xin ăn biến tướng thì giải quyết như thế nào? Tình trạng lang thang xin ăn gây phản cảm, trực tiếp tác động đến du khách, làm méo mó hình ảnh của thành phố thì trách nhiệm của địa phương ở đâu?” ông Ngô Xuân Thắng đặt câu hỏi.

Theo ông Ngô Xuân Thắng, dẹp nạn xin ăn biến tướng phải có sự cam kết của từng cửa hàng, từng hộ kinh doanh.

Người dân, du khách phải được cung cấp số điện thoại đường dây nóng để gọi đến Tổ xử lý, và tổ xử lý này phải thường xuyên hoạt động.

“Đối với người nước ngoài xin ăn khi hết tiền đi du tại lịch Đà Nẵng, các ngành phải đề xuất bổ sung các quy định, trình UBND TP xem xét để ban hành xử lý - đặc biệt là xử lý tái phạm, chứ không thể nói rằng hiện nay chưa có quy định nên không thể xử lý mà chỉ tuyên truyền.

Đưa ra giải pháp dẹp nạn lang thang xin ăn biến tướng, lãnh đạo Sở LĐ,TB&XH TP. Đà Nẵng cho biết thời gian tới tăng cường hoạt động của tổ 550.

Tuần tra liên tục, theo sát những tuyến giao lộ thường xuyên xuất hiện đối tượng này, quay phim chụp ảnh làm căn cứ xử phạt.

Đề nghị các địa phương chủ động lực lượng, nhất là trong các dịp lễ tết, đồng thời tuyên truyền các cơ sở kinh doanh ăn uống không tiếp tay cho xin ăn biến tướng.

UBND các xã phường tăng cường quản lý, phối hợp với tổ dân phố không để người dân trên địa bàn mình thực hiện hành vi lang thang xin ăn.