Đà Nẵng lý giải về việc suối Lương cạn kiệt dòng chảy

MINH CHÂU

VHO - Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin cho báo chí, Sở TN&MT Đà Nẵng cho biết các ngành chức năng đang đề xuất phương án để “hồi sinh” suối Lương (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu).

 Đà Nẵng lý giải về việc suối Lương cạn kiệt dòng chảy - ảnh 1

 Suối Lương cạn khô hiện tại

Suối Lương có vị trí quan trọng trong đời sống người dân, thiên nhiên ở khu vực này. Với tổng chiều dài khoảng hơn 15 km, bắt nguồn từ đèo Hải Vân, chảy xuống khu vực trung tâm phường Hòa Hiệp Bắc rồi đổ ra biển.

Hằng năm, suối Lương cung cấp hàng triệu m3 nước cho người dân ở hạ lưu phục vụ sinh hoạt, sản xuất, góp phần điều tiết khí hậu của Tiểu khu 4A rừng Nam Hải Vân, đảm bảo môi trường sống cho động vật, thực vật.

Trong quyết định của Thủ tướng về phê duyệt quy hoạch TP Đà Nẵng thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050 thì khu vực suối Lương được định hướng phát triển các khu du lịch cộng đồng, sinh thái.

Tuy nhiên trước khi được quy hoạch bài bản thành khu du lịch, thì cảnh quan tự nhiên nơi đây lại đang bị tác động thô bạo khiến cho dòng suối Lương đang dần cạn kiệt.

Theo ý kiến của đa phần người dân địa phương, ngoài nguyên nhân khách quan do biến đổi khí hậu thì còn nguyên nhân chủ quan là do tác động của con người.

Với nhu cầu phục vụ kinh doanh du lịch, tại suối Lương thời gian qua đã xuất hiện hàng loạt trường hợp, hộ dân kinh doanh tự phát “chặn dòng” để tạo cảnh quan, dựng sạp, lều tạm để phục vụ du khách.

Lý giải về những nguyên nhân chính khiến dòng suối Lương đang “chết mòn”, Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Hồng An cho biết, số liệu ghi nhận tại trạm đo mưa suối Lương cho thấy từ đầu năm đến nay, lượng mưa thấp hơn nhiều lần so với trung bình nhiều năm.

Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng khô cạn tại suối Lương. Ngoài ra, tại khu vực thượng lưu suối Lương hiện có nhiều đoạn bị sạt lở và bồi lấp đất, đá gây cản trở dòng chảy; có các hoạt động ngăn suối tạo thành những ao, hồ nhỏ để phục vụ du lịch, dã ngoại gây thu hẹp dòng chảy và cản trở việc lưu thông nước; việc trồng keo lá tràm, đến thời kỳ khai thác thì thực hiện khai thác đồng loạt, chậm trồng lại rừng dẫn đến khu vực này không có tác dụng duy trì mạch nước ngầm…

Để giải quyết tình trạng của suối Lương, ông Nguyễn Hồng An cho biết giải pháp trước mắt là thực hiện phương án nạo vét đất đá bồi lấp tại khu vực thượng lưu suối Lương để khơi thông dòng chảy.

Rà soát, xử lý nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về quản lý tài nguyên nước, cát, sỏi lòng sông và bảo vệlòng, bờ, bãi sông trên địa bàn thành phố; có giải pháp thay thếcây keo lá tràm bằng các cây bản địa phù hợp.

Về lâu dài, dự án thoát nước Lưu vực 1, tuyến thoát nước chính suối Lương nằm trong nhóm những hạng mục ưu tiên đầu tư theo Phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu Sinh thái phía Tây khu vực thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, tỷ lệ 1/2000.

Đơn vịliên quan sẽ tiến hành rà soát tổng thể, lập phương án, đề xuất phê duyệt mô hình dịch vụ du lịch sinh thái cộng đồng (ăn uống, giải khát và tắm suối) đối với các hộ dân tại khu vực suối Lương phù hợp với quy hoạch thành phố. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc