Quảng Ngãi:

Chú trọng chăm sóc và nâng cao sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao

NHƯ ĐỒNG

VHO - Người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Ngãi được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng, nhất là ở các thôn xa trung tâm, từng bước nâng cao sức khỏe, chất lượng sống.

Chú trọng chăm sóc và nâng cao sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao - ảnh 1
Khám sàn lọc trước tiêm chủng cho trẻ em miền núi Ba Tơ

Đến nay, chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng đồng bào DTTS ở Quảng Ngãi từng bước được đảm bảo. Mạng lưới y tế được củng cố và phát triển, các Trung tâm Y tế huyện đã được đầu tư trang thiết bị y tế chuyên dụng thông thường theo danh mục trang thiết bị của Bệnh viện hạng III và nhiều trang thiết bị y tế hiện đại khác.

Theo báo cáo tình hình triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, năm 2024 cơ sở, hạ tầng từ Trạm Y tế xã đến Trung tâm Y tế huyện từng bước được xây dựng nâng cấp và hoàn thiện. 100% các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện và tuyến xã miền núi đã triển khai phần mềm Quản lý bệnh viện, kết nối liên thông hệ thống Bảo hiểm xã hội tỉnh và Công dữ liệu Bộ Y tế.

100% các Trung tâm Y tế huyện, Trạm Y tế xã có Trạm Y tế cơ bản đã được đầu tư xây dựng kiên cố và 100% Trạm Y tế xã có bác sĩ, tỷ lệ xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia đạt 76% năm 2024, ước đến 2025 đạt <80%.

Mạng lưới y tế cơ sở (xã) và thôn bản tiếp tục củng cố, cộng tác viên dân số xã được kiện toàn và hoạt động thường xuyên.

Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi giảm xuống còn 21,4%; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin đạt trên 98%; giữ vững thành quả thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh; giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em.

Đội ngũ y tế thôn có đủ trình độ cơ bản để triển khai các chương trình y tế mục tiêu tại địa bàn, góp phần nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân vùng DTTS.

Bên cạnh đó, đã đào tạo được hơn 30 cô đỡ thôn là người DTTS cư trú ở các địa bàn xa khu trung tâm huyện, xã để kịp thời đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ.

Công tác tuyên truyền hướng dẫn cho Nhân dân về các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh, phát hiện những dấu hiệu bất thường đến ngay cơ sở y tế để khám điều trị, xóa bỏ tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, không cúng bái khi đau ốm, không tự ý sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc; giám sát dịch bệnh thường xuyên tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm, điều trị kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng và không để bệnh nhân tử vong do dịch bệnh.

Công tác truyền thông, vận động chính sách, pháp luật về dân số luật hôn nhân và gia đình; tổ chức tư vấn chuyên môn tại cộng đồng về khám sức khoẻ trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình được quan tâm thực hiện có hiệu quả.