Gia Lai:

Cấp cứu thành công một bệnh nhân bị ong vò vẽ đốt

NGỌC HOÀ

VHO - Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai (tỉnh Gia Lai) vừa kịp thời cứu chữa một bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, khó thở sau khi bị 31 con ong vò vẽ đốt.

Cấp cứu thành công một bệnh nhân bị ong vò vẽ đốt - ảnh 1
Sau 5 ngày điều trị, sức khoẻ bệnh nhân N.V.C đã ổn định và được chỉ định xuất viện

Ngày 23.8, Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai cho biết, đơn vị vừa điều trị thành công cho bệnh nhân bị ong vò vẽ đốt nhiều nhát.

Theo đó, ngày 19.8, Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai tiếp nhận và cấp cứu thành công cho nam quân nhân N.V.C (42 tuổi, trú tại huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) hiện đang công tác tại Quân đoàn 3 bị ong vò vẽ đốt khoảng 31 mũi.

Tình trạng bệnh nhân khi nhập viện tại Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai: bệnh nhân tỉnh, đau đầu nhiều, đau nhức toàn thân kèm khó thở, có vết ong đốt ở chân, ngực, bụng, nhiều nhất ở phần đầu (đếm được khoảng 31 vết đốt).

Bác sĩ CKII Bùi Trường Giang, Phó Giám đốc Y khoa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai cho biết, với số lượng vết đốt nhiều như vậy, tình hình của bệnh nhân hết sức nghiêm, có nguy cơ suy thận cấp, rối loạn đông máu, hủy cơ, tổn thương đa tạng...

Ngay lập tức chỉ định bệnh nhân thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, tiến hành hội chẩn trực tiếp với GS.TS Bác sĩ Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam, Giám đốc Y khoa Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai cùng các bác sĩ Bệnh viện Quân Y 211.

Bệnh nhân được chẩn đoán phản vệ mức độ nặng, rối loạn đông máu do ong vò vẽ đốt, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực – Chống độc Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai đã đưa ra chỉ định: Hồi sức tích cực để bù dịch, bài niệu, kháng histamin, corticoid, tiêm huyết thanh chống uốn ván (SAT) và lọc máu hấp phụ để loại bỏ độc tố do ong đốt.

Sau 3 ngày điều trị, lọc máu hấp phụ quả HA230, bệnh nhân dần ổn định. Đến ngày điều trị thứ 5 bệnh nhân khỏe, ổn định, ăn được, tiêu tiểu bình thường... có chỉ định xuất viện, theo dõi ngoại trú và hẹn tái khám sau 7 ngày.

Trước đó, vào khoảng 6h 30 phút sáng 19.8, bệnh nhân N.V.C. bị ong vò vẽ đốt số lượng nhiều, chủ yếu ở lưng, đầu, bụng và chân.

Sau khi bị ong đốt bệnh nhân lơ mơ, vã mồ hôi, được xử trí 1/2 ống adrenalin (tiêm bắp) và 1 lọ methyl (tiêm tĩnh mạch) tại trạm xá Quân đoàn 3. Sau đó được chuyển đến Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai để tiếp tục điều trị.

Theo bác sĩ CK.II Bùi Trường Giang, Phó Giám đốc Y khoa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai: các ca bệnh bị ông đốt trên 10 vết sẽ có nguy cơ tổn thương gan, tổn thương thận, đe doa tính mạng.

Người dân tuyệt đối không nên chủ quan khi bị ong đốt, nếu phát hiện người gặp nạn có dấu hiệu nghiêm trọng (mệt, khó thở, choáng, ngất xỉu), cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.

Theo bác sĩ Giang, mức độ nặng do ong đốt tùy thuộc vào loại ong và số lượng vết đốt. Đối với người lớn, khi ong đốt hơn 30 nốt sẽ gây sốc phản vệ, tổn thương gan thận, nhưng với trẻ thì chỉ cần hơn 10 vết đốt có thể dẫn đến sốc, tổn thương đa cơ quan, tán huyết, suy thận cấp, thậm chí tử vong nếu không được xử trí kịp thời.

Trong các ca cấp cứu vì bị ong đốt, thường gặp nhất là ong vò vẽ, ong đất (ong bắp cày), ong bầu đốt, chứa độc tố có thể gây chết người.

“Khi nạn nhân bị ong đốt vào các vùng đầu, mặt, cổ gần các mạch máu lớn, kèm theo dấu hiệu như phù nề lan nhanh, toàn thân sốt, mệt mỏi, khó thở, có dấu hiệu dị ứng hoặc từng bị dị ứng với ong đốt, mẩn ngứa, đỏ da toàn thân, chóng mặt... người thân và những người xung quanh cần đưa nạn nhân đến ngay các cơ sở y tế uy tín gần nhất để được điều trị kịp thời”, bác sĩ CK.II Bùi Trường Giang, Phó Giám đốc Y khoa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai khuyến cáo.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc