Cảnh báo khi mùa mưa lũ ngày càng dữ dội

THẾ TUẤN

VHO - Thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, từ ngày 14-17.6, miền Bắc tiếp tục có đợt mưa diện rộng, cường suất cao. Điều đó càng khiến nỗi lo ngập úng, sạt lở tăng lên tại đô thị cũng như các tỉnh miền núi.

 Cảnh báo khi mùa mưa lũ ngày càng dữ dội - ảnh 1

 Cứ mưa to, Hà Nội chịu cảnh ngập lụt. Ảnh: B.LÂM

 Trong đêm mùng 4 rạng sáng 5.6, mưa to khiến nhiều tuyến phố khu vực nội thành Hà Nội ngập trong biển nước. Ngập úng xảy ra trong giờ cao điểm buổi sáng khiến giao thông tại nhiều nơi hỗn loạn. Tại đường Yên Xá, đoạn ngập sâu nhất khoảng 50cm, nhiều xe bị chết máy. Một số con ngõ thuộc đường Mỹ Đình (Nam Từ Liêm) cũng bị ngập sâu 30cm.

Còn tại Hải Phòng, trận mưa đêm ngày 8 vắt sang ngày 9.6 khiến nhiều nơi ngập cả mét, việc di chuyển gần như tê liệt. Các tuyến phố trung tâm như Lê Hồng Phong, Cầu Đất, Tô Hiệu, Trung Lực… nước ngập tràn vào nhà gây xáo trộn cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Đó là tình hình ngập lụt do mưa ở hai thành phố lớn nhất phía Bắc. Trong khi đó, mưa lớn cũng gây ngập lụt khu vực miền núi. Cùng ngày 9.6, mưa lớn gây ngập úng cục bộ trên một số tuyến đường thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên). Nhưng nặng nề hơn là tỉnh Hà Giang. Trận mưa lớn tại tỉnh này từ đêm 9 đến sáng 10.6 được coi là lớn nhất trong vòng 30 năm qua. Ba nạn nhân tử vong, gồm hai bố con bị lũ cuốn tại thôn Tân Thượng (xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì); một người chết do sạt lở đất tại thôn Pao Mã Phìn (xã Tả Ván, huyện Quản Bạ). Hơn 1.400 ngôi nhà bị thiệt hại, hàng trăm ôtô, máy móc bị ngập nước.

Mưa lũ khiến trên 278 ha hoa màu ở tỉnh Hà Giang bị thiệt hại, trên 28 ha ao nuôi cá, hơn 1.000 con gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi.

Vì sao các đô thị dễ bị ngập nước?

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, tình trạng úng ngập cục bộ ở Hà Nội mỗi khi mưa to đã diễn ra hơn 10 năm qua. Nguyên nhân đầu tiên là do việc quy hoạch tổng thể thiếu tầm nhìn, làm theo kiểu “rách đâu vá đấy”.

“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc Hà Nội bị ngập úng. Trong đó, có việc tốc độ bê tông hóa quá mạnh, mật độ nhà cao tầng dày đặc. Trong khi đó, không gian xanh và diện tích các hồ nước ngày càng bị thu hẹp lại. Việc Hà Nội cho lấp bớt một số hồ, kênh, mương cũng đã ảnh hưởng tới việc thoát nước”, ông Nghiêm nói. Để hạn chế, ông Nghiêm cho rằng về lâu dài Hà Nội cần điều chỉnh bổ sung dự án thoát nước, đồng thời phải xem xét lại việc giải quyết nước thải sinh hoạt tránh gây ra ách tắc cho hệ thống cống nguồn. Thành phố cần bàn thảo với các chủ đầu tư khi xây dựng, nhằm đảm bảo thiết kế hệ thống thoát nước của các dự án phải khớp với hệ thống khung của thành phố. Tránh tình trạng, giải quyết được điểm ngập này lại phát sinh điểm ngập mới.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh, tình trạng mưa là ngập không chỉ là vấn nạn của riêng Hà Nội mà ngày càng hiện hữu rõ nét ở nhiều đô thị trên cả nước, mà một trong những nguyên nhân là do trong quá trình đô thị hóa đã xảy ra tình trạng lấp ao hồ tự nhiên. Tương tự, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng cho rằng quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng đã dẫn đến nhu cầu xây dựng tăng cao, trong đó có việc san lấp ao hồ, kênh rạch dẫn đến diện tích bề mặt ngày càng được bê tông hóa; khả năng thoát nước, tiêu thoát nước tự nhiên hay khả năng thẩm thấu tự nhiên bị giảm xuống. Trong khi việc triển khai thực hiện quy hoạch và công tác lập, thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu.

Ông Nghị cũng cho rằng, ý thức của người dân (như việc tự ý lấn chiếm không gian xanh; san lấp ao hồ… để cơi nới, mở rộng công trình xây dựng) và tình trạng rác thải cũng dẫn đến cản trở dòng chảy thoát nước. Vậy, ai phải chịu trách nhiệm và đâu là giải pháp căn cơ? Theo KTS Phạm Thanh Tùng (Hội KTS Việt Nam), việc đầu tư hệ thống thoát nước ở Hà Nội những năm qua chưa hiệu quả. Việc xây dựng trạm bơm, hệ thống tiêu thoát quá chậm mà tốc độ đô thị hóa quá nhanh tất yếu xảy ra tình trạng hệ thống thoát nước dù được cải tạo, nâng cấp vẫn không kịp đáp ứng. Trong khi đó, GS Nguyễn Văn Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho rằng tình trạng ngập úng thường xuyên ở nội thành là thiếu sót trong công tác quy hoạch. Việc tập trung phát triển đô thị nhưng không chú trọng quy hoạch cấp thoát nước khiến tình hình úng ngập sau hàng chục năm vẫn chưa được cải thiện.

Hạn chế tối đa nguy hiểm trượt lở đất ở miền núi

Nếu như ngập lội trong đô thị gây “phiền phức” cho sinh hoạt của người dân, thì ngập lụt tại miền núi còn nguy hiểm gấp bội do dẫn tới trượt lở đất. Về vụ việc xảy ra tại Hà Giang mới đây, theo ông Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN&MT) tỉnh miền núi này được xác định là tỉnh có mức độ nguy cơ trượt lở đất đá rất cao, đặc biệt là trong mùa mưa. Nếu tính theo đơn vị hành chính cấp xã thì trong số 195 xã, phường của tỉnh Hà Giang có 84 xã nguy cơ trượt lở đất đá rất cao; 76 xã nguy cơ trượt lở đất đá cao và 35 xã được xác định có nguy cơ trượt lở đất đá trung bình.

Ông Hòa cho biết, trong điều kiện mưa lớn kéo dài đất đá bị ngậm nước quá nhiều dẫn đến trương nở bão hòa nước, làm tăng lực gây trượt. Đặc biệt, những khu vực bị cắt xẻ taluy gây mất chân mái dốc và làm tăng độ dốc sườn, mất ổn định mái dốc sườn. Những khu vực này khi gặp mưa lớn nhiều giờ sẽ gây trượt lở mạnh. Trượt ở những khu vực này thường có nguy cơ gây rủi ro cao về tính mạng, nhà cửa... bởi tập tục xẻ taluy làm nhà, sinh sống dưới chân taluy thường là những khối trượt tiềm ẩn. Như vậy, cùng nguyên nhân tự nhiên, nguyên nhân đến từ con người cần phải được chủ động khắc phục. Chí ít phải gắn biển cảnh báo tại các khu vực có nguy cơ trượt lở cao; cạnh đó phải gấp rút bạt thoải taluy, hạ bậc, làm kè, gia cố bê tông, làm rãnh thoát nước mặt, nước ngầm ở những vách taluy cao và dốc nhằm chống trượt có thể xảy ra.

Về lâu dài, chính quyền cần di chuyển người dân ở các khu vực có nguy cơ cao đến những nơi an toàn. Không thể để người dân sống trong lo âu tại những khu vực nguy cơ sạt trượt mỗi khi mùa mưa đến. 

 Khả năng xuất hiện bão, mưa lũ dồn dập vào cuối năm 2024

Ngày 13.6, đề cập nguyên nhân gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra liên tiếp như dông sét, mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất tại các địa phương, trọng tâm là các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Giang, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) Nguyễn Văn Hưởng cho biết, do ảnh hưởng của rãnh thấp có trục đi qua khu vực Bắc Bộ và đới gió Đông Nam của khối không khí biển lấn từ phía Đông vào.

Mặt khác, tháng 5 và tháng 6 là thời điểm chuyển mùa và bắt đầu mùa mưa ở Bắc Bộ với đặc trưng là các đợt mưa rào, dông vào chiều tối, đêm và sáng, trung bình lượng mưa tháng 5 và 6 đóng góp vào tổng lượng mưa năm ở Bắc Bộ khoảng 15-25%. Trong giai đoạn chuyển mùa, khí quyển thường có tính chất bất ổn định cao, cộng thêm hiện tượng El Nino đang chuyển sang pha trung tính cũng là yếu tố bất lợi có thể tạo ra các hiện tượng mưa dông mạnh kèm theo mưa đá, lốc, sét. Đây là hiện tượng bình thường, mang tính quy luật. Nhận định về thời tiết trong thời gian tới, ông Hưởng cho rằng, với việc El Nino chuyển sang trạng thái trung tính rồi chuyển dần sang trạng thái La Nina thì hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng tập trung từ tháng 7-9 tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và từ tháng 10-12 tại khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Người dân và chính quyền địa phương cần đề phòng nguy cơ mưa, bão, lũ dồn dập ở khu vực miền Trung trong thời kỳ cuối năm.

Ông Nguyễn Văn Hưởng nhấn mạnh: “Để chủ động ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, các khuyến cáo về ứng phó với từng loại hình thiên tai đã được Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đưa ra và hướng dẫn các cấp, ngành, địa phương và người dân thực hiện. Đối với góc độ người làm công tác dự báo và phòng, chống thiên tai, chúng tôi mong muốn người dân thường xuyên theo dõi và cập nhật các thông tin dự báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các dự báo thiên tai có các bản tin cảnh báo từ sớm, từ xa ban đầu, sau đó được cập nhật liên tục khi có thêm dữ liệu tính toán mới, càng gần thì bản tin càng chính xác”.

B.H