Cần đổi mới tư duy và hoàn thiện thể chế, xây dựng tiêu chuẩn ngành In
VHO - Sáng 29.9, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) tổ chức Hội thảo Quản lý chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Hội thảo với mong muốn trang bị cho các nhà in những khái niệm cơ bản, bước đầu hình thành ý thức về các tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, ông Phạm Tuấn Vũ, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành khẳng định, hoạt động tiêu chuẩn hóa ở nước ta đã có nhiều đóng góp cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội và đời sống. Hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã và đang trở thành công cụ hữu hiệu góp phần phục vụ yêu cầu quản lý kinh tế-xã hội của đất nước qua các thời kỳ và đưa hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nói chung đi vào nề nếp.
Trên thực tế ngành in đóng góp một phần trong giá trị sản phẩm xuất khẩu và tiêu biểu nhất là bao bì đóng gói sản phẩm. Tổng giá trị sản xuất của ngành in trong các năm từ 2019-2022 đạt gần 5 tỷ USD nhưng không có số liệu thống kê giá trị xuất khẩu vì các sản phẩm xuất khẩu không được tính như một sản phẩm độc lập mà thông thường tính vào giá trị hàng hóa. Như vậy, chúng ta chỉ có thể nêu một vài ví dụ về in xuất khẩu cho các tập đoàn đa quốc gia ở các khu chế xuất như Samsung, LG…
Cũng theo ông Phạm Tuấn Vũ, cho đến nay chúng ta chưa có số liệu cụ thể về hoạt động in xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, các số liệu thống kê chưa chính thức cho thấy chỉ riêng doanh số in bao bì của các doanh nghiệp tại Việt Nam lên đến trên 2 tỷ USD và đang tăng trưởng khoảng 38% mỗi năm, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp FDI với các ấn phẩm thương mại cho thị trường Mỹ, bao bì thuốc lá, bao bì thực phẩm, bao bì nhựa các loại…
Hiện nay, các công ty in và bao bì nước ngoài mở rộng hoạt động tại Việt Nam để phục vụ cho nhu cầu của doanh nghiệp FDI và xuất khẩu. Thị trường in thương mại/bao bì nội địa đang bão hòa và có sự cạnh tranh gay gắt. Tiềm năng tăng trưởng và cơ hội chỉ có thông qua định hướng xuất khẩu trực tiếp sản phẩm.
Trao đổi tại Hội thảo
Làn sóng đầu tư trực tiếp của các nhà sản xuất hàng tiêu dùng, điện, điện tử sẽ kéo theo các nhà cung ứng trong chuỗi cung ứng của họ. Để ngành in tăng trưởng và giảm bớt áp lực cạnh tranh trên sân nhà thì thị trường in xuất khẩu là một giải pháp tốt nhất.
Vấn đề của các doanh nghiệp Việt Nam là làm sao có thể tham gia vào chuỗi cung ứng và có thể xuất khẩu trực tiếp sản phẩm in. Vốn, con người, thiết bị, điều kiện của chúng ta tương đồng với Thái Lan nhưng trình độ tổ chức sản xuất và mức độ hội nhập còn nhiều điều phải cải thiện.
Do đó, ông Phạm Tuấn Vũ cho rằng, Hội thảo nhằm trang bị cho các nhà in những khái niệm cơ bản, bước đầu hình thành ý thức về các tiêu chuẩn quốc tế, là chuỗi hoạt động nhằm đưa ngành công nghiệp in Việt Nam ngày càng phát triển.
Tại Hội thảo, ông Đoàn Đắc Trưởng, Phó Giám đốc Công ty In Tiến Bộ cho biết, quản lý chất lượng hiện nay đối với các doanh nghiệp in Việt Nam chủ yếu là sản phẩm sách, báo, tạp chí và bao bì nội địa. Các sản phẩm này chủ yếu áp dụng tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001. Các doanh nghiệp in sản phẩm xuất khẩu thì bắt buộc phải áp dụng tiêu chuẩn quốc tế và theo yêu cầu của từng khách hàng.
Việc duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế tại các doanh nghiệp in là rất khó. Tiêu chuẩn do doanh nghiệp đặt ra và làm theo để tạo ra những sản phẩm giống nhau của mỗi lần sản xuất. Bởi vậy, qua hội thảo này sẽ giúp cho các doanh nghiệp chuẩn hóa hơn các quy trình sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu khách hàng và hội nhập quốc tế”
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp trong ngành in xác định phải bước vào sân chơi mới - quản lý chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Nếu bước vào sân chơi này, ông Nguyên đề nghị các đơn vị phải tìm hiểu một cách căn cơ tất cả những yêu cầu liên quan.
Để ngành In phát triển mạnh mẽ trong năm 2024-2025, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành nhấn mạnh cần đổi mới tư duy và hoàn thiện thể chế; xây dựng tiêu chuẩn ngành In; xây dựng định hướng chiến lược của doanh nghiệp gắn chuyển đổi số; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát huy vai trò của các hiệp hội nghề.
THANH NGỌC