Cần có hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn để giảm tỉ lệ người hút thuốc lá
VHO - Một trong những căn nguyên gây bệnh ung thư, bệnh lý tim mạch, bệnh lý hô hấp… đều liên quan đến hút thuốc lá. Cùng với đó xu hướng tử vong do các bệnh này gây ra ngày càng tăng. Vì vậy, Việt Nam cần có cần hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn nhằm giảm tỉ lệ người hút thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử để bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.
Ngày 29.9, tại Bệnh viện Bạch Mai đã diễn ra chương trình Hưởng ứng ngày tim mạch thế giới – khàm sàng lọc bệnh tim mạch, thận, chuyển hóa cho 1000 người dân. Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, bệnh viện Bạch Mai cùng công ty AstraZeneca Việt Nam đã tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và phòng ngừa các bệnh lý nguy hiểm về tim mạch và thận mạn cho người dân.
Theo các nghiên cứu, tim mạch là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, cũng như tại Việt Nam; chiếm khoảng 17.9 triệu ca tử vong mỗi năm, tương đương 32% tổng số tử vong trên thế giới.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2019, tử vong do bệnh tim mạch chiếm tới 39,5%, trong đó đứng đầu là bệnh mạch máu não (55,4%) và bệnh mạch vành (32%). Những bệnh lý này gây nên những gánh nặng về sức khỏe, chất lượng cuộc sống và chi phí điều trị cho người bệnh cũng như người chăm sóc.
Tại Việt Nam, xu hướng tử vong do bệnh tim mạch đang ngày càng tăng, tử vong do tim mạch hơn cả tử vong do ung thư, COPD và đái tháo đường cộng lại. Tại nước ta, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong. Trong đó tử vong do bệnh mạch máu não chiếm tỉ lệ lớn nhất, với tỉ suất tử vong tăng từ 127,3/100.000 dân (năm 2000) lên 164,9/100.000 dân hiện nay.
Tại chương trình, Ths.Ds Nguyễn Hữu Tú, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, qua chương trình hưởng ứng Ngày tim mạch thế giới, chúng tôi muốn đưa ra những thông điệp mạnh mẽ tới cộng đồng về phòng chống thuốc lá. Đặc biệt là thuốc lá điện tử - một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu của các bệnh mạn tính.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung vận động tham mưu việc thực thi chặt chẽ luật phòng chống tác hại thuốc lá cũng như việc cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử tại Việt Nam”, ông Nguyễn Hữu Tú cho hay.
Thông tin về tác hại của thuốc lá, PGS.TS.BS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, hút huốc lá có thể gây ra rất nhiều bệnh lý nguy hiểm đối với sức khỏe, gây ra nhiều loại ung thư khác nhau, như ung thư vòm mũi họng, ung thư phổi- phế quản, ung thư các dạ dày, đại tràng; ung thư hệ tiết niệu, sinh dục…
Bên cạnh đó, hút thuốc còn gây ra một căn nguyên rất nguy hiểm nhưng ít được để ý, đó là hút thuốc lá có thể gây ra các bệnh lý về tim mạch nguy hiểm như đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, các cơn đau thắt ngực không ổn định; kèm theo rất nhiều các biến chứng hết sức nghiêm trọng ảnh hưởng tới sức khỏe của người hút thuốc và những người xung quanh.
Ngoài ra, hút thuốc lá còn gây ra các vấn đề bệnh lý về đường hô hấp, đó là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), gây ra tình trạng khó thở, suy tim, tâm phế mạn ở người bệnh. Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ tư trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Cũng theo PGS Vũ Văn Giáp, trong số các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới đó là bệnh tim thiếu máu cục bộ, đột quỵ não, bệnh ung thư và bệnh COPD, … đều có liên quan đến tình trạng hút thuốc lá gây ra. Do vậy việc phòng chống tác hại của thuốc lá, giảm tỉ lệ hút thuốc lá trong cộng đồng, cho người dân sẽ đóng vai trò rất quan trọng làm giảm gánh nặng bệnh tật do thuốc lá gây ra.
“Câu chuyện là chúng ta phòng ngày hôm nay thì 10-20 năm sau chúng ta sẽ nhìn thấy tỉ lệ mắc các bệnh có liên quan đến hút thuốc lá sẽ giảm xuống và người dân Việt Nam có sức khỏe cả thể chất và tinh thần, không bị tử vong sớm, không bị mắc các bệnh do thuốc lá gây ra.
Tại một số quốc gia, khi triển khai các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá có hiệu quả, tăng thuế đối với thuốc lá và kiểm soát chặt chẽ việc hút thuốc lá, cũng như tuân thủ các quy định về phòng, chống tại thuốc lá giúp tỉ lệ hút thuốc trong cộng đồng giảm xuống.
Vì vậy chúng ta cần phải có những hành động mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, bảo vệ sức khỏe người dân và giảm được các gánh đậm bệnh tật có liên quan đến thuốc lá trong tương lai”, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh.