Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ ra những yếu tố ảnh hưởng đến nỗ lực phòng, chống tác hại của thuốc lá

VHO - Ngày 12.12 tại Hà Nội, Quỹ Phòng, chống tác hại, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, làm rõ những nguyên và giải pháp để Luật có hiệu quả.

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại (PCTH) của thuốc lá, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Giám đốc Quỹ PCTH của thuốc lá (Bộ Y tế) đánh giá, trong 10 năm qua, công tác PCTH của thuốc lá đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc sử dụng thuốc lá được nâng cao, giảm tỉ lệ hút thuốc lá, góp phần bảo đảm thành công bền vững cho công tác PCTH của thuốc lá và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ ra những yếu tố ảnh hưởng đến nỗ lực phòng, chống tác hại của thuốc lá - Anh 1

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại Hội nghị 

Tỉ lệ hút thuốc lá đã giảm so với 10 năm trước, cụ thể tỉ lệ hút thuốc trong nam giới trưởng thành, giảm từ 47,4% năm 2010 xuống 38,9% năm 2023. Tỉ lệ sử dụng hút thuốc lá trong nhóm tuổi từ 13 đến 15 tuổi giảm từ 2,5% (năm 2014) xuống 1,9% (năm 2022)…

“Tuy nhiên, với những gánh nặng về bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra, công tác PCTH của thuốc lá đang trở thành vấn đề y tế công cộng được ưu tiên hàng đầu trên thế giới. Sử dụng thuốc lá đang chuyển nhanh từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển, gây ra những tác hại đối với sức khỏe, kinh tế và môi trường cho các nước, trong đó có Việt Nam. Theo Tổ chức Y tế thế giới, 90% bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi, 75% bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là do sử dụng thuốc lá. Tại Việt Nam, mỗi năm có ít nhất 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá”, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh nhấn mạnh.

Việt Nam là nước thứ 47 trong tổng số 182 quốc gia đã sớm phê chuẩn Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá. Để luật hoá các cam kết khi tham gia Công ước và ngăn chặn nạn dịch thuốc lá, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá ra đời, cùng với đó là hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật ban hành kịp thời, đẩy đủ, bảo đảm tính hợp pháp, thống nhất và đồng bộ đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác PCTH thuốc lá.  Mạng lưới về PCTH thuốc lá được thành lập và duy trì trên toàn quốc và xây dựng môi trường không khói thuốc được các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể, các tỉnh, thành phố triển khai…

Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ ra những yếu tố ảnh hưởng đến nỗ lực phòng, chống tác hại của thuốc lá - Anh 2

Lãnh đạo Bộ Y tế tặng bằng khen cho các đơn vị đạt thành tích trong PCTH của thuốc lá

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, 10 năm thực hiện Luật cho thấy bên cạnh những thành công bước đầu, nhưng công tác PCTH thuốc lá vẫn còn những khó khăn, tồn tại. Trong đó, tỉ lệ hút thuốc đã giảm nhưng Việt Nam vẫn còn nằm trong nhóm các nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới, với 38,9% nam giới trên 15 tuổi tại Việt Nam hút thuốc. Tình trạng phơi nhiễm với khói thuốc còn khá phổ biến tại các nhà hàng, quán ba và một số nơi tập trung đông người.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng chỉ ra, thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp, gần thấp nhất trong khu vực ASEAN, giá các sản phẩm thuốc lá rẻ trong khi thu nhập bình quân đầu người tăng. Các sản phẩm thuốc lá được bày bán khắp nơi, tạo điều kiện dễ dàng cho người dân tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên.  Ngoài ra, trong những năm gần đây xuất hiện các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa. Với các chiêu thức quảnq cáo qua các kênh trên mạng xã hội, do đó việc sử dụng thuốc lá điện tử đang tăng nhanh đặc biệt trong lứa tuổi học sinh.

“Những khó khăn này ảnh hưởng lớn tới các nỗ lực PCTH của thuốc lá của chúng ta và là những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nguy cơ làm cho tỉ lệ hút thuốc gia tăng trở lại, nếu chúng ta không tiếp tục có các biện pháp quyết liệt và kịp thời”, bà Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Từ các giải pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả mà các quốc gia đang nỗ lực ưu tiên thực hiện như: thực hiện môi trường 100%  không khói thuốc; In cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh chiếm diện tích lớn trên bao bì sản phẩm thuốc lá; tăng thuế thuốc lá; thực thi cấm toàn diện quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá, hỗ trợ cai nghiện thuốc lá... Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các Bộ, ngành và UBND các cấp tiếp tục quan tâm và đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực PCTH của thuốc lá. Đồng thời, đề nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và sớm ban hành Nghị quyết cấm các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác để giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá…

Q.HOA

Ý kiến bạn đọc