Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ giáo viên: Mầm non đề nghị tăng lương, đại học băn khoăn tự chủ
VHO - Hôm nay 15.8, Bộ GD&ĐT phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức sự kiện "Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục". Nhiều trăn trở, băn khoăn về nghề, về cuộc sống của cán bộ, giáo viên đã được chia sẻ tại cuộc gặp gỡ.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trị cuộc gặp gỡ các nhà giáo
Sự kiện được tổ chức trực tuyến để tất cả các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục cả nước có thể tham dự. Điểm cầu chính được đặt tại trụ sở cơ quan Bộ GD&ĐT, kết nối với các tỉnh, thành phố qua 63 điểm cầu của các Sở GD&ĐT và hơn 400 điểm cầu của các đại học, trường đại học.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chủ trì sự kiện. Tham gia sự kiện có lãnh đạo Bộ GD&ĐT; lãnh đạo Công đoàn Giáo dục Việt Nam; lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ GD&ĐT; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố, các Sở, ngành, Công đoàn Giáo dục, các Phòng GD&ĐT địa phương.
Giáo viên mầm non và phổ thông mong muốn tăng lương, giảm tuổi nghỉ hưu
Từ nhiều điểm cầu khác nhau, giáo viên các tỉnh từ Điện Biên, Hà Tĩnh, Đăk Nông đến Tiền Giang, Hậu Giang, Cà Mau, nhiều ý kiến liên quan đến chính sách nhà giáo được đề cập như định mức, lương, phụ cấp nhà giáo; quy định tuổi nghỉ hưu nghề giáo; chính sách đặc thù cho các giáo viên mầm non; chính sách, vị trí việc làm cho nhân viên trong các nhà trường…
Chia sẻ những khó khăn của đội ngũ giáo viên, cô giáo Lý Thị Trinh Nguyên, giáo viên Trường mẫu giáo Hoạ Mi, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang chia sẻ, dù Đảng và Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm đến lương, phụ cấp cho nghề giáo với mục tiêu nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho đội ngũ giáo viên, tuy nhiên, so với mặt bằng chung của các ngành nghề, thu nhập của giáo viên còn thấp, đặc biệt là giáo viên mầm non. Trong khi đó, lao động giáo viên mầm non mang nhiều tính chất đặc thù như thời gian lao động kéo dài, trung bình ngày làm việc từ 10-12 giờ. Công việc giáo viên mầm non là vừa nuôi, vừa dạy trẻ, chú ý, chăm sóc quan tâm từng trẻ, áp lực nặng nề, nhiều khi vừa là chuyên gia dinh dưỡng, vừa là nhân viên y tế, vì có con khi đến lớp ốm đau, biếng ăn.... Bên cạnh đó, lao động của giáo viên mầm non cũng là lao động gặp nhiều nguy cơ và rủi ro do làm việc trong môi trường có nhiều trẻ nhỏ, các giáo viên phải chấp nhận việc mình thường xuyên mắc dịch bệnh như cảm sốt và có thể lây truyền cho người thân trong gia đình… Do đó, những chính sách, ưu đãi đối với giáo viên mầm non cần sớm được nâng lên từ mức 35% lên 70% giống như mức của giáo viên các trường chuyên biệt. Đây cũng là một trong những giải pháp thu hút nhân lực cho giáo dục mầm non, giúp các cô yên tâm công tác, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, giáo viên nghỉ việc như hiện nay.
Đồng quan điểm trên, cô giáo Dương Thị Thanh Hồng, giáo viên mầm non tỉnh Hà Tĩnh cũng cho rằng, thu nhập thấp, thời gian làm việc kéo dài từ 6h30 đến 18h hàng ngày, hầu như không có giờ nghỉ trưa là không tương xứng với công sức của các giáo viên mầm non. Do đó, cần có chế độ đãi ngộ nhiều hơn nữa để nâng cao đời sống cho giáo viên mầm non. Bên cạnh đó, cô Hồng cũng đề nghị Bộ trưởng có kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội giảm thời gian nghỉ hưu cho giáo viên mầm non xuống còn 55 tuổi.
Các nhà giáo chia sẻ với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT
Trăn trở với nghề và thu nhập của giáo viên, cô giáo Nguyễn Thị Duyên, giáo viên tỉnh Tiền Giang cho hay: Mỗi giáo viên khi tham gia vào lĩnh vực giáo dục đều quyết tâm đến với nghề và tận tâm cho công việc. Với những nhiệm vụ nặng nề khó khăn đội ngũ luôn cố gắng vượt qua, không ngừng trau dồi, học hỏi, để nâng cao trình độ, tổ chức các phương pháp dạy học đạt hiệu quả cao hơn nhưng với mức lương hiện nay, đội ngũ giáo viên không đủ trang trải cuộc sống. Đặc biệt, đối với những giáo viên mới ra trường, mức lương hiện tại không đủ thu hút đội ngũ trẻ, gắn bó với nghề. Do đó, cô giáo Nguyễn Thị Duyên mong rằng, trong thời gian sớm nhất, Bộ GD&ĐT sẽ có những chính sách, đãi ngộ điều chỉnh thu nhập cho đội ngũ giáo viên.
Thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn vất vả của đội ngũ giáo viên nói chung và giáo viên mầm non nói riêng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, giáo viên mầm non làm công việc nặng nhọc, chịu nhiều áp lực, tuy nhiên mức lương hiện nay chưa tương xứng. Mặc dù Đảng, Chính phủ đã quan tâm bằng các chính sách trong thời gian qua nhưng đời sống giáo viên vẫn còn nhiều khó khăn.
Bộ GD&ĐT cũng đã có những đề xuất Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành về việc tăng lương, phụ cấp, hỗ trợ đối với đội ngũ nhà giáo, trong đó, lưu ý nhất đối với giáo viên cấp mầm non và tiểu học. Tuy nhiên, với số lượng giáo viên chiếm 70% công chức, viên chức thì chính sách điều chỉnh cần có tính toán nguồn lực, có những giải pháp căn cơ để thực hiện sớm điều này vì đây cũng là một trong những bù đắp cho đội ngũ giáo viên hiện nay.
Tự chủ không phải là tự lo
Khẳng định tự chủ là chủ trương đúng để có thể huy động được các nguồn lực của toàn xã hội cho phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, nhưng cô Phạm Thị Huyền, giảng viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân vẫn lo ngại do khái niệm tự chủ mà công chúng hiểu trong tự chủ đại học hiện nay còn chưa đầy đủ, thiên về tự chủ tài chính chứ ít nghĩ tới các khía cạnh khác còn quan trọng hơn của tự chủ đó là tự chủ nhân sự, tự chủ học thuật.
Nhiều trường đại học lo ngại về quan niệm đối với vấn đề tự chủ đại học
Theo cô Huyền, nhiều trường nghĩ rằng tự chủ có nghĩa là tự lo và Nhà nước sẽ không quan tâm không đầu tư, không quản lý, trong khi đó xã hội nói chung và nhiều gia đình có người học thì cho rằng tự chủ là gắn liền với học phí sẽ tăng lên và chất lượng sẽ không đảm bảo. Chính tư duy này đã làm cho các trường ngại tự chủ, người học và gia đình cũng ngại theo học tại các trường tự chủ. như vậy thì công cuộc tự chủ hóa các trường đại học sẽ khó có thể thành công.
Chính vì thế thì, cô Hằng đề nghị Bộ GD&ĐT cần chung tay góp sức cùng với các trường đại học trong công tác truyền thông về tự chủ đại học, không nhấn mạnh về tự chủ tài chính mà cần nhấn mạnh đầu tiên là tự chủ học thuật để các trường tự chủ có thể phát triển được các chương trình đào tạo riêng biệt trên cơ sở tiếp thu các tri thức mới; chủ động thực hiện các hoạt động khoa học trao đổi học thuật liên kết nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cũng như là thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ tạo cơ hội cho người học được tham gia được trải nghiệm và có cơ hội để thực hành thực tế ngay khi còn trên ghế nhà trường, từ đó thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó là tự chủ về nhân sự, tạo cơ chế cho các trường có thể mời các chuyên gia thực tế các nhà khoa học thành danh ở nước ngoài về làm việc để chung tay nâng tầm giáo dục Đại học và nghiên cứu khoa học tại Việt Nam.
Về mặt tài chính, theo cô Huyền, với sự tự chủ này, các trường tự chủ có thể tự chủ hơn trong đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, từ xã hội cho đầu tư vào các phòng thí nghiệm, thư viện, các công trình hỗ trợ đào tạo, qua đó có thể xây dựng một không gian học thuật mang tầm quốc tế. Các trường tự chủ có thể tự động chủ động liên doanh liên kết để đa dạng hóa các dịch vụ cung cấp cho người học nhằm đáp ứng tốt hơn các nhu cầu khác nhau từ học tập chính khoá, bồi dưỡng kỹ năng,… tạo nên một hệ thống cung ứng dịch vụ giáo dục Đại học có chất lượng đẳng cấp quốc tế. Và với chất lượng cao đó thì việc thu đúng thu đủ học phí là cần thiết, khi đó người học và xã hội sẽ không còn nghi ngờ phàn nàn về học phí hay là tư duy tự chủ là tự do.
Đồng quan điểm với cô Phạm Thị Huyền, thầy Nguyễn Danh Nam, Đại học Thái Nguyên cũng cho rằng, tự chủ học thuật là vấn đề quan trọng của tự chủ đại học.
Về chia sẻ của các trường đối với vấn đề tự chủ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, vấn đề tự chủ đại học là vấn đề đang rất được quan tâm, nhưng không có ai có thể giúp cho chúng ta hình thành môi trường tự chủ bằng chính những con người trong ngôi trường đó. Chính các cán bộ, giảng viên, những người của cơ sở tự chủ phải có trách nhiệm xây nên môi trường đó. Không ai thay được nếu chúng ta tự chủ đại học mà vẫn phải trông ngóng và các quy định hoặc trông chờ các lực lượng khác mang đến cho chúng ta những giá trị nào đó. Nếu vậy, điều đó sẽ đi ngược lại chính điều quan trọng của tự chủ đại học. Do đó, có thể nói đây là một cái nhiệm vụ rất lớn và rất khó mà ngành giáo dục, Bộ giáo dục và đào tạo đang tiến hành, có nhiều yếu tố liên quan, cả tính toán nguồn lực cũng như phải phù hợp với các chiến lược.
Cho rằng vì thời gian không nhiều nên có thể có những vấn đề không thể chia sẻ hết ngay được, nhưng Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng mong rằng, từ góc độ truyền thông, cuộc gặp gỡ là dịp để phụ huynh, xã hội chia sẻ, thấu hiểu với ngành. Đây cũng là dịp 1,6 triệu nhà giáo cần nói được công việc mà mình đang làm, cần thể hiện được những gì đã cố gắng, nói thật rõ những gì đang vướng, những gì cần chia sẻ.
Về những việc Bộ GD&ĐT sẽ làm cho nhà giáo trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết: "Bộ sẽ rà soát hệ thống chế độ chính sách. Việc xây dựng Luật Nhà giáo trong thời gian tới có thể sẽ mang lại cho chúng ta những chuyển biến tích cực về thể chế. Ngoài ra, cũng sẽ tiếp tục kiến nghị và làm việc với các Bộ, ngành về việc tăng phụ cấp ưu đãi, tìm mọi cách tăng thu nhập cho giáo viên, tìm mọi cách để tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc của nhà giáo. Chăm lo cho các đối tượng đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, làm sao những đổi mới của ngành đang làm không dẫn đến làm gia tăng bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục".
HOÀNG HƯƠNG