Bạn trẻ Hội An với hành trình trở thành “công dân toàn cầu”

KHÁNH CHI

VHO - Là nội dung buổi tọa đàm vừa diễn ra tại TP Hội An (Quảng Nam) vào cuối tuần qua với sự tham gia của nhiều chuyên gia, khách mời trong lĩnh vực giáo dục và các bạn thanh, thiếu niên trên địa bàn TP.

Bạn trẻ Hội An với hành trình trở thành “công dân toàn cầu” - ảnh 1
Các bạn trẻ hưởng ứng sự kiện Hội An gia nhập mạng lưới các Thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO

“Từ Hội An ra thế giới: Hành trình trở thành công dân toàn cầu” do Thành đoàn Hội An & Hoianlife tổ chức, phối hợp cùng Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình Hội An; UN-Habitat; Zeeko, Viện Công nghệ giáo dục (CGD) cùng với sự hỗ trợ của Công ty TNHH Giáo dục Sáng tạo Wemaster, Công ty TNHH Giáo dục quốc tế iYES…

Theo ông Trần Quốc Vương, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam TP Hội An, sau khi tham gia mạng lưới các Thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO, vai trò của việc đổi mới sáng tạo, trang bị tư duy công dân toàn cầu cho thế hệ trẻ Hội An đang trở thành yêu cầu cấp thiết. Để thực hiện thành công những sáng kiến đã đăng ký với UNESCO thì sự tham gia đóng góp của thế hệ trẻ là điều quan trọng, bởi tiềm năng tiếp cận nhanh nguồn tri thức và ươm mầm sáng tạo tương lai. Chính vì thế, Hội An đã lồng ghép chương trình này vào việc triển khai thực hiện các nội dung cốt lõi của Thành phố sáng tạo.

Công dân toàn cầu, nói một cách đơn giản và dễ hiểu, là những người sống và làm việc ở một hay nhiều quốc gia khác nhau, công việc họ làm là những hoạt động mang lại lợi ích cho cộng đồng ở các khía cạnh mà Liên Hợp Quốc đã đề xuất. Họ là những người có nền tảng kiến thức rất tốt về đất nước, về tri thức bản địa, đồng thời có hiểu biết và hội nhập với sự chuyển động của thế giới, được trang bị những ký năng cần thiết như giao tiếp, ngôn ngữ và ý thức toàn cầu.

Vậy giới trẻ Việt Nam cần làm gì để có thể có được "tấm hộ chiếu đi khắp hành tinh" ấy? Câu trả lời là cần thông qua học tập và trải nghiệm…

Tại Tọa đàm, ông Hồ Thanh Bình, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Giáo dục (CGD) chủ trì chuyên đề “Tổng quan về công dân toàn cầu”, hướng đến những nội dung, thông tin cần thiết để hiểu đúng và đủ về nội hàm của Giáo dục công dân toàn cầu, từ đó có sự chuẩn bị về lộ trình trang bị tư duy cho tổ chức, cá nhân và điều kiện cần trong bối cảnh kỷ nguyên số.

Phần tham luận với chủ đề “Vai trò tiên phong của thanh niên trong tiến trình đổi mới sáng tạo của địa phương” do ông Kiều Việt Cường, cán bộ Chương trình và Quản lý dự án của UN-Habitat chủ trì, đã đưa ra những thông tin cần thiết về vai trò tiên phong của thanh niên trong tiến trình đổi mới sáng tạo, nhấn mạnh đây là điều kiện đủ trong tiến trình đổi mới sáng tạo của mỗi địa phương.

Cùng với đó, các chuyên gia cũng chia sẻ giải pháp đào tạo tư duy công dân toàn cầu và năng lực đổi mới sáng tạo cho thanh thiếu niên theo cách tiếp cận của PSHE (giáo dục cá nhân, xã hội, y tế và kinh tế). Các đại biểu tham gia trải nghiệm thực hành Lớp học Công dân toàn cầu - Nhà lãnh đạo tài ba (Magical Leaders); Hướng dẫn trải nghiệm một buổi học - thực hành trong chương trình Mini MBA - Nhà lãnh đạo tài ba (Magical Leaders)…

“Tọa đàm đã góp phần làm rõ các khái niệm công dân toàn cầu, đưa ra những giải pháp cụ thể, từng bước giúp thế hệ thanh, thiếu niên Hội An trở thành công dân toàn cầu, góp phần thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo và đào tạo, phát triển các câu lạc bộ nhà lãnh đạo trẻ tại địa phương, phát huy bản sắc của một Thành phố di sản, Thành phố sáng tạo và phát triển bền vững”, ông Trần Quốc Vương cho biết.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc