Hệ lụy lựa chọn giới tính khi sinh:
Bài 1 - Trẻ bị phân biệt đối xử ngay chính trong gia đình
VHO - “Mẹ mày sắp sinh em trai, mày sắp ra rìa rồi” là những câu nói vô tình hoặc hữu ý mà nhiều trẻ em gái phải chịu đựng từ chính người ông, người bà hoặc người hàng xóm. Nhiều em bị ám ảnh suốt cả cuộc đời.
Nhất bên trọng, nhất bên khinh
Đến bây giờ, những câu nói “Mẹ mày sắp sinh em trai, mày sắp ra rìa rồi” vẫn được thốt ra ở nhiều gia đình. Một số người cho rằng đó chỉ là lời nói trêu đùa, cố tình trêu tức bé gái nhưng đằng sau cũng phản ánh một phần tâm lý ưa thích con trai còn hiện hữu ở mọi vùng miền, thành phần xã hội.
Chị T.K.T (32 tuổi, Quảng Ninh) cho biết, nhà có 2 chị em, chị là cả, dưới chị là em trai út. Làm chị lớn nên chị T thường xuyên được dạy phải nhường em nên có đồ chơi mới em cũng chơi trước, hay món ăn nào ngon, em cũng được ăn nhiều hơn. Những lần cãi nhau hoặc chia phần, chị luôn bị phân xử thua thiệt vì ông bà và bố thường bênh em trai, còn mẹ chỉ thường động viên vỗ về: “Con là chị con nhường em một tí”.
Mỗi lần ông bà, bố chị T. muốn bênh em trai, lại mang cái lí là “Nó là cháu đích tôn của ông bà”, “Nó mang họ Trần sau này còn nối dõi”, “Sau này nó còn thờ cúng tổ tiên”, “Sau này mày đi lấy chồng, về nhà chồng còn có con dâu chăm sóc”... Chính vì thế mà toàn bộ tài sản, đất, nhà của bố mẹ đều cho con trai hết, chị khi lấy chồng được mẹ tặng 5 chỉ vàng, thỉnh thoảng được mẹ dúi cho một ít tiền.
Chị T. chia sẻ: “Lúc còn nhỏ, sống trong nhà mà thấy buồn, tủi thân, nhiều lúc tôi nghĩ rằng mình không phải là con đẻ của bố mẹ. Nếu bố mẹ không thích con gái tại sao lại sinh tôi ra đời, rồi lại hắt hủi tôi. Nhiều lúc tôi chỉ cần 1 cái ôm cũng không có. Còn em trai thì luôn luôn được khen ngợi, được mọi người ưu ái, làm sai cũng không bị mắng, hoặc bố mắng thì bà bênh…”.
Năm tháng trôi qua, chị lớn lên và xa gia đình lên Thủ đô đi học đại học, còn em trai vẫn ở quê làm nông nghiệp. Dù trải qua những năm tháng tuổi thơ không vui ấy, nhưng chị vẫn trọn vẹn chữ hiếu với bố mẹ, biếu bố mẹ tiền để xây nhà, mời bố mẹ đi du lịch...
Hiện nay chị T có 2 cô con gái xinh đẹp và chị yêu thương con như bù đắp cho tuổi thơ thiếu thốn, bất bình đẳng của mình. May mắn thay, chồng chị cũng là người tiến bộ nên cũng không áp lực để chị sinh bằng được con trai. “Nhiều lần tôi cũng làm phép thử mong muốn của chồng, nhưng anh vẫn một mực không muốn đẻ thêm. Anh rất yêu chiều và tỏ ra tự hào về các con gái, học giỏi, ngoan ngoãn, thường cho các cháu đi chơi, mua sách truyện...”, chị T tâm sự.
Chị T. có một tuổi thơ đầy buồn tủi nhưng hiện tại lại được hưởng một cuộc sống hạnh phúc. Và chị biết, có rất nhiều người đang khổ tâm ra - vào bệnh viện để mong ngóng có “một mụn con trai” bằng phương pháp khoa học.
Bạo lực giới và phân biệt đối xử
Kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Y thực hiện với những người phụ nữ đang mang thai, cho thấy gần 35 % phụ nữ đang mang thai ở Việt Nam cũng là phải trải qua các hình thức bạo lực.
Trong rất nhiều nguyên nhân mà phụ nữ đang mang thai bị bạo lực là giới tính của đứa trẻ không đáp ứng được mong muốn của gia đình. Gia đình đang mong muốn con trai mà người vợ mang thai lần thứ 3, thứ 4 vẫn là con gái sẽ là một trong những nguyên nhân gây ra bạo lực.
Do đó các chuyên gia cho rằng có sự liên hệ rất chặt chẽ giữa bạo lực giới và sự ưa thích con trai. Người phụ nữ trong gia đình chỉ có con gái có nguy cơ bị bạo lực cao hơn phụ nữ trong gia đình đã có con trai. Thậm chí, người người vợ, người mẹ trong gia đình sinh con gái còn bị nhiếc móc, hoặc đàm tiếu là “không biết đẻ”.
Tâm lý ưa thích con trai không chỉ tác động vào người phụ nữ trong gia đình, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Chuyên gia về Giới và nhân quyền Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA) Hà Thị Quỳnh Anh cho biết, những nghiên cứu mà UNFPA đã thực hiện đã cho thấy, việc lựa chọn giới tính khi sinh ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của trẻ trong gia đình.
Ở một số quốc gia khác, các nghiên cứu cho thấy, khi mà các cặp vợ chồng không thành công trong việc lựa chọn giới tính khi sinh và sinh ra đứa trẻ không mong muốn thì trong quá trình nuôi dạy, rất có thể đứa trẻ rơi vào tình trạng bị xao nhãng, hoặc lơ là; chỉ tập trung chăm sóc cho trẻ có giới tính mà họ mong muốn.
“Hậu quả là, các em ngoài việc không được chăm sóc về mặt thể chất thì các em cũng bị ảnh hưởng rất nhiều về mặt tinh thần, bị đối xử bất bình đẳng, vì sinh ra trong một gia đình mà các em cảm thấy không được người lớn mong muốn sinh ra, không được nhận tình yêu thương của cha mẹ, ông bà.
Điều này cũng ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ, ảnh hưởng đến mối quan hệ bình đẳng, bền vững và yêu thương lẫn nhau trong một gia đình cũng như sự phát triển của toàn xã hội”, bà Quỳnh Anh nhấn mạnh.
Trong bối cảnh xã hội hiện nay, tâm lý ưa thích con trai rất mạnh mẽ và khiến cho các bậc cha mẹ tìm cách can thiệp vào giới tính của trẻ nhằm thoả lòng mong ước có được ít nhất 1 đứa con trai. Đó chính là lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Điều này là làm hạn chế số trẻ em gái được sinh ra trong gia đình, tạo điều kiện cho các bậc cha mẹ có một hoặc nhiều con trai hơn mà không vượt quá số con mà chính sách của Nhà nước khuyến khích các gia đình sinh đẻ.