Bắc Ninh: Tăng cường kiểm tra, giám sát phòng chống ngộ độc thực phẩm
VHO - Năm 2023, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh đã triển khai thực hiện đồng bộ các hoạt động giám sát nhằm phòng ngừa, giảm thiểu các sự cố về an toàn thực phẩm; sẵn sàng điều tra, xử lý kịp thời khi có ngộ độc thực phẩm và sự cố về an toàn thực phẩm xảy ra.
Trong năm, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành lấy 1.530 mẫu thực phẩm kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Các mẫu thực phẩm bao gồm: thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến, bao gói sẵn dùng liền, thực phẩm giảm cân, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, thực phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi,… và một số sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Đoàn kiểm tra, giám sát tại khu vực bếp ăn Trung tâm văn hóa Kinh Bắc - nơi tổ chức nhiều sự kiện lớn của tỉnh
Kết quả, số mẫu đạt chiếm 83,8%; mẫu không đạt chiếm 16,2%. Các mẫu không đạt chủ yếu: Chỉ tiêu vi sinh vật đối với sản phẩm bánh phu thê, bánh dầy, giò, chả, bún... Đặc biệt, trong năm 2023, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh đã thực hiện giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm tại 8 lễ hội, sự kiện lớn diễn ra trên địa bàn tỉnh như: Festival “Về miền quan họ - 2023”; đảm bảo an toàn thực phẩm tại các kỳ thi năm 2023, Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân 2023, tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Tết trung thu…
Trong quá trình thực hiện công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ trong lễ hội, sự kiện, Ban đã tiến hành lấy hơn 500 mẫu thực phẩm xét nghiệm nhanh nhằm ngăn chặn việc sử dụng nguồn nguyên liệu không đảm bảo an toàn thực phẩm trước khi chế biến. Kết quả, không xảy ra ngộ độc thực phẩm trong suốt thời gian diễn ra tất cả các lễ hội, sự kiện trên địa bàn tỉnh.
Xác định an toàn thực phẩm là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt, đóng góp to lớn trong việc cải thiện sức khỏe nhân dân, bảo đảm chất lượng cuộc sống, thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm luôn được Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra, hậu kiểm trong đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Ngay từ đầu năm, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh đã tập trung tham mưu Ban chỉ đạo liên ngành An toàn thực phẩm tỉnh, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo nhằm giải quyết các nhiệm vụ chuyên môn tập trung vào các dịp cao điểm trong năm. Thực hiện phối hợp với các cơ quan Trung ương và các tỉnh truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm có cảnh báo nguy cơ không đảm bảo chất lượng. Trong năm, Trưởng ban Ban quản lý an toàn thực phẩm ban hành 2 Quyết định kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm đối với 3 cơ sở trên địa bàn tỉnh có sản phẩm bị cảnh báo.
Đoàn kiểm tra Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh tiến hành test nhanh thực phẩm
Theo báo cáo, tổng số cơ sở được kiểm tra, hậu kiểm trên địa bàn toàn tỉnh là 5.518 cơ sở, số cơ sở chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm là 4.645 cơ sở (bằng 84%), số cơ sở chấp hành chưa tốt các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm là 873 cơ sở (bằng 16%), số cơ sở có vi phạm bị phạt tiền là 39 cơ sở, tổng số tiền phạt là 563.922.500 đồng, số tiền phạt trung bình/cơ sở là 14.400.000 đồng. Số cơ sở có vi phạm và đang chờ xử lý là 03 cơ sở.
So sánh với kết quả kiểm tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm trong năm 2022, nhận thấy công tác kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh đã được triển khai quyết liệt hơn, số cơ sở được kiểm tra năm 2023 gấp hơn 2,5 lần (năm 2022 là 2.201 cơ sở, năm 2023 là 5.518 cơ sở), số sản phẩm không đảm bảo chất lượng, buộc thu hồi sản phẩm là 09 sản phẩm.
Song song với kết quả đạt được, công tác kiểm tra luôn được được Ban chủ động triển khai theo đúng kế hoạch gắn liền với việc tuyên truyền các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm để người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm hiểu và làm đúng theo quy định từ đó giảm thiểu được những hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, đảm bảo được quyền lợi người tiêu dùng thực phẩm. Hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đều chấp hành nghiêm túc kế hoạch của đoàn kiểm tra và tạo điều kiện cho đoàn kiểm tra làm việc. Trong quá trình kiểm tra khi phát hiện các hành vi vi phạm của các cơ sở được các đoàn kiểm tra xử lý kịp thời, đúng quy định.
Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, để công tác đảm bảo an toàn thực phẩm nói chung, công tác thanh, kiểm tra, hậu kiểm đạt hiệu quả tích cực, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh tiếp tục phối với các Sở, Ban, ngành thực hiện thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với các sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh về việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, những vấn đề dư luận quan tâm khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật và theo sự chỉ đạo của cấp có thẩm quyền. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vi phạm quy định ghi nhãn hàng hoá, thực phẩm nhập lậu và gian lận thương mại theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, tập trung thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh, sử dụng các hoá chất liên quan đến thực phẩm, các chất phụ gia trong sản xuất, chế biến thực phẩm; việc quảng cáo, kinh doanh thực chức năng, thực phẩm bổ sung. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về ATTP tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cung cấp suất ăn sẵn công nghiệp, bếp ăn tập thể trong các trường học, doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tăng cường thực hiện tốt công tác hậu kiểm sản phẩm thực phẩm (tập trung vào nhóm thực phẩm có nguy cơ cao lưu thông trên thị trường nhằm cảnh báo mối nguy và định hướng giải pháp quản lý).
NGUYỄN HÀ; ảnh: BÍCH DIỆP