Gỡ “nút thắt” đất đai trong hành trình xóa nhà tạm ở huyện vùng cao xứ Thanh

NGUYỄN LINH

VHO - Triển khai Chỉ thị 22/CT-TU đã mang lại hy vọng an cư cho hàng ngàn hộ nghèo, hộ chính sách tại huyện miền núi Quan Hóa (Thanh Hóa). Tuy nhiên, hành trình xóa nhà tạm, nhà dột nát vẫn còn gian nan khi vướng mắc lớn nhất nằm ở chính… mảnh đất dưới nền nhà.

“Có đất mới có nhà”

Giữa tháng 5, khi mưa lớn bắt đầu trút xuống vùng cao Quan Hóa, căn nhà gỗ tạm bợ của ông Hà Văn Hà (bản Mí, xã Phú Xuân) lộ rõ sự xuống cấp. Những mảng vách đã rệu rã, mái dột khắp nơi.

Gia đình ông thuộc diện hộ nghèo nhiều năm, nhưng vì đất ở do ông bà để lại chưa tách sổ, nên ban đầu không đủ điều kiện nhận hỗ trợ theo Chỉ thị số 22/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Gỡ “nút thắt” đất đai trong hành trình xóa nhà tạm ở huyện vùng cao xứ Thanh - ảnh 1
Hành trình xóa nhà tạm, nhà dột nát ở huyện vùng cao Quan Hoá vẫn còn gian nan

“Nhà thì dột nát, nhưng muốn làm lại cũng không được, vì đất không có giấy tờ. Cứ nghĩ sẽ lỡ mất cơ hội”, ông Hà nhớ lại. May mắn thay, nhờ chính quyền địa phương xác nhận mảnh đất không có tranh chấp, nằm trong quy hoạch đất ở, gia đình ông đã được hỗ trợ xây mới một căn nhà cấp 4 kiên cố.

“Giờ mưa to cũng không lo dột. Từ khi có nhà mới, đêm ngủ không còn phải canh chừng sạt lở hay gió lùa nữa”, ông Hà xúc động nói.

Câu chuyện của gia đình ông Hà chỉ là một trong hàng trăm trường hợp tại xã Phú Xuân nói riêng và huyện Quan Hóa nói chung, đang nỗ lực bám víu từng cơ hội để thoát khỏi cảnh sống tạm bợ.

Theo rà soát, toàn huyện Quan Hóa hiện có 1.343 hộ nghèo, hộ chính sách và hộ còn khó khăn về nhà ở thuộc diện được hỗ trợ theo Chỉ thị 22. Trong đó, 1.124 hộ xây mới, 219 hộ sửa chữa nhà. Đến đầu tháng 5.2025, đã có 623 hộ được hỗ trợ, tổng kinh phí hơn 38 tỉ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn 720 hộ chưa nhận được kinh phí hỗ trợ, với nhu cầu lên tới khoảng 43 tỉ đồng.

Riêng xã Phú Xuân, địa phương đặc biệt khó khăn, nhờ lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án, đã có 140 hộ dân được hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở. Tuy nhiên, một rào cản lớn đang chặn lại bước tiến an cư: vướng mắc đất đai.

Ông Cao Hồng Được, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân, thẳng thắn thừa nhận: “Nhiều hộ dân không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sống trên đất nông, lâm nghiệp hoặc đất chưa tách sổ. Một số hộ còn ở trong vùng có nguy cơ sạt lở, ngập úng nên không đủ điều kiện hỗ trợ dù nhà ở rất tạm bợ.”

Điều này khiến nhiều hộ dù có trong danh sách được hỗ trợ vẫn không thể khởi công xây dựng.

Thiếu đất – khó khăn “bó chân” cuộc vận động

Cách xã Phú Xuân hơn 10 km, thị trấn Hồi Xuân cũng đang lâm vào tình cảnh tương tự. 14 hộ dân nằm trong diện di dời do ngập úng và sạt lở, nhưng đến nay mới chỉ có 5 hộ được bố trí đất và xây dựng nhà mới, còn lại 9 hộ chưa có quỹ đất tái định cư.

Gỡ “nút thắt” đất đai trong hành trình xóa nhà tạm ở huyện vùng cao xứ Thanh - ảnh 2
Còn nhiều vướng mắc về thủ tục đất đai

“Địa phương không còn đất sạch để phân bổ, trong khi hộ dân lại không có điều kiện tự mua đất. Chúng tôi đang rất cần sự hỗ trợ từ các cấp để tháo gỡ vướng mắc này”, ông Hà Văn Tụy, Chủ tịch UBND thị trấn Hồi Xuân cho biết.

Vấn đề không chỉ là “đất ở có hợp pháp hay không”, mà là… có đất hay không. Nhiều hộ dân thuộc diện phải di dời khẩn cấp theo Quyết định số 4845/QĐ-UBND ngày 1.12.2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, nhưng không thể thực hiện tái định cư vì thiếu quỹ đất, không đủ khả năng mua đất mới, hoặc vướng vào vùng quy hoạch.

Trước thực tế ấy, chính quyền xã Phú Xuân đã kêu gọi người dân có đất dư thừa chia sẻ cho bà con là người thân trong họ tộc. Tuy nhiên, như ông Được nói: “Hiệu quả chưa cao. Tâm lý người dân vẫn e ngại, lo mất đất hoặc vướng thủ tục pháp lý khi sang nhượng.”

Ông Đỗ Phi Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Quan Hóa cho biết: “Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tìm kiếm giải pháp tháo gỡ. Một mặt vận động dòng họ chia sẻ đất ở, mặt khác kiến nghị tỉnh rà soát quỹ đất nông, lâm nghiệp phù hợp để chuyển đổi, bổ sung vào quy hoạch đất ở, phục vụ các khu tái định cư tập trung.”

Ông Hùng cũng nhấn mạnh thêm, Quan Hóa là huyện miền núi, địa hình chia cắt, thường xuyên xảy ra thiên tai. Việc bố trí đất ở an toàn, không chỉ giúp người dân có nhà mà còn là yếu tố sống còn trong việc ứng phó với lũ quét, sạt lở, những hiểm họa đã cướp đi nhiều sinh mạng và tài sản tại địa phương này trong quá khứ.

Ngày 4.3.2025, Ban Chỉ đạo cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ chính sách, hộ còn khó khăn toàn tỉnh đã tổ chức hội nghị giao ban đánh giá tiến độ thực hiện chương trình “xóa nhà tạm, nhà dột nát”.

Tại đây, Quan Hóa không phải trường hợp cá biệt. Hầu hết các huyện miền núi như Mường Lát, Quan Sơn, Bá Thước… đều gặp vướng mắc tương tự, chủ yếu liên quan đến đất ở nằm trên hành lang giao thông, công trình đê điều, đất rừng, đất nông lâm trường…

Hội nghị yêu cầu các sở ngành, địa phương khẩn trương rà soát, đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp, đẩy nhanh quy hoạch quỹ đất tái định cư. Đồng thời, tăng cường phối hợp trong việc xác nhận, hợp pháp hóa quyền sử dụng đất với những trường hợp có cơ sở pháp lý nhưng thiếu thủ tục giấy tờ.

“Không để ai bị bỏ lại phía sau”, thông điệp nhân văn ấy chỉ có thể trở thành hiện thực nếu các rào cản pháp lý được tháo gỡ. Bởi không ai có thể xây dựng một mái ấm… trên vùng đất vô định.

Giữa núi rừng Quan Hóa, những căn nhà cấp 4 mới xây, sơn trắng, lợp mái tôn đỏ như chồi non mọc lên sau mùa bão. Nhưng vẫn còn hàng trăm mái nhà tạm, nơi ánh mắt của người già, tiếng khóc của trẻ nhỏ vẫn thấp thỏm trước mỗi đợt mưa lũ. Mỗi hộ nghèo có được một căn nhà là một cuộc đời đổi thay, điều ấy chỉ thành hiện thực khi bài toán đất đai không còn là “nút thắt”.