Áp lực đến từ giá điện tăng

THẾ TUẤN

VHO - Cho dù Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, việc tăng giá điện thêm 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành sẽ không gây áp lực đến lạm phát năm nay, song khó có thể tránh được việc “té nước theo mưa” của nhiều mặt hàng, từ đó ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân.

 Áp lực đến từ giá điện tăng - ảnh 1
Ảnh minh họa Ảnh: B.LÂM

 Cụ thể, EVN đã chính thức điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân, với mức mới là 2.103,11 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT) từ ngày 11.10. Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt cũng được điều chỉnh tăng ngay sau đó.

“Tối hậu thư” khi điện tăng giá

Ngày 17.10, có mặt tại khu vực tập trung nhiều trường đại học tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), chúng tôi đã ghi nhận nhiều bức xúc đến từ sinh viên thuê nhà trọ khi mà cho dù chưa đến thời điểm chốt giá điện tháng 10, nhưng nhiều chủ nhà trọ đã thông báo sẽ tăng giá điện lên mức 20-30% so với tháng trước. Nhiều sinh viên cho biết, rất bất ngờ khi chủ nhà trọ cho biết sẽ tăng giá điện ngay trong tháng 10 từ 4000 đồng lên 5000 đồng/số (kWh), với lời giải thích là do nhà nước tăng giá.

Không chỉ giới sinh viên lo lắng mà nhiều người lao động thuê nhà trọ cũng cùng chung tâm trạng. Một công nhân cho biết, đã thuê một phòng trong căn hộ mini từ cuối năm 2023; khi đó hợp đồng được ký giá điện 4.000 đồng/kWh. Đó đã là mức giá cao. Tuy nhiên, mới đây chủ nhà đã ra “tối hậu thư” là 5.000 đồng/ kWh, có nghĩa là tăng tới 25% so với mức cũ. “Tiền điện tăng chóng mặt như vậy rất có thể sẽ khiến các loại hàng hóa tăng theo. Người lao động thu nhập thấp như chúng tôi chắc chắn sẽ khó khăn hơn, lại phải tiếp tục thắt lưng buộc bụng”, người này nói. Trên các diễn đàn mạng xã hội, trong những ngày này “nóng” nhất chính là việc giá điện tăng. Số ý kiến cho rằng mức tăng đó “chấp nhận được” không nhiều, còn lại đa số bày tỏ lo lắng, phản ứng. Đó là sinh viên, phần đông người lao động có mức thu nhập trung bình hoặc thấp. Một số ý kiến còn bày tỏ sự hoài nghi khi cho rằng EVN tăng giá điện do nắm độc quyền và cũng là để thu thêm tiền bù lỗ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

Về phía EVN, đối với người tiêu dùng, EVN khẳng định lần tăng giá điện này chỉ ảnh hưởng “vừa phải” tới nhóm khách hàng phổ biến. Theo đó, 17,41 triệu hộ sử dụng điện từ 200 KWh/tháng trở xuống (tương đương 61,35% tổng số hộ) chỉ phải chi trả tiền điện tăng thêm trung bình 13.800 đồng/hộ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không đơn giản như vậy khi mà giá điện tăng kéo theo giá của nhiều mặt hàng khác, khi mà người sản xuất cũng như các doanh nghiệp chịu nhiều tác động.

Cần hài hòa giữa nhiều yếu tố

Việc tăng giá điện của EVN diễn ra chỉ sau đúng một ngày kết quả kiểm tra chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện năm vừa qua của tập đoàn này được công bố, với khoản lỗ 21.821,56 tỉ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác). Như vậy, khoản lỗ lũy kế của EVN tiếp tục tăng lên mức kỷ lục hơn 42.500 tỉ đồng.

Trong 18 năm (giai đoạn 2007-2024), giá bán lẻ điện đã có 14 lần tăng liên tiếp và tăng gần 2,5 lần từ 842 đồng/kWh lên 2.103,11 đồng/kWh. Trong đó, mức điều chỉnh giá điện cao nhất là năm 2011 với tỷ lệ điều chỉnh khoảng 17,4% (ngày 1.3.2011 giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1.058 đồng/kWh lên 1.242 đồng/kWh). Lần tăng giá bán lẻ điện bình quân gần nhất là ngày 11.10 vừa qua, từ 2.006,79 đồng/kWh lên 2.103,11 đồng/kWh (chưa gồm VAT), tương đương tăng 4,8%, cũng là lần điều chỉnh tăng giá lần thứ 3 kể từ năm 2023. Cho dù đại diện lãnh đạo EVN đã không ít lần giải thích cơ sở để tăng giá bán lẻ điện (trong đó có việc áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng và xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng nhận được sự đồng thuận của xã hội.

EVN cũng cho rằng, giá thành sản xuất điện thời gian qua chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố đầu vào về sản lượng điện phát, giá than, dầu, khí, tỷ giá ngoại tệ… nên khi có biến động lớn sẽ tác động lớn đến giá thành khâu phát điện (chiếm 83% giá thành) cũng như giá thành điện thương phẩm. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính), việc tăng giá điện là để EVN có nguồn tiền thanh toán cho các nhà máy điện và phản ánh biến động của chi phí đầu vào. Ông Độ cho rằng, mức tăng 4,8% không quá lớn nhưng cũng không nhỏ. Còn theo ông Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), với mức tăng giá điện 4,8% chưa thể dẫn tới lạm phát nhưng mức tăng giá điện phải cân đối hài hòa giữa nhiều yếu tố an sinh xã hội, đời sống nhân dân và nền kinh tế.

Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách - VEPR lại cho rằng, khi giá điện tăng sẽ kéo theo áp lực về lạm phát. Ông Việt cũng nhấn mạnh tới việc cần triển khai những giải pháp tổng thể để chia sẻ gánh nặng với doanh nghiệp, người dân (sử dụng điện). Đồng thời cần phải có sự công khai minh bạch hóa hơn thị trường điện (nhất là thị trường bán điện đầu cuối). Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cốt lõi là EVN phải minh bạch, công khai chi phí sản xuất điện và cách tính giá bán điện. Có như vậy, người dân sẽ hiểu và đồng ý mức điều chỉnh giá điện. Câu hỏi đặt ra là: Vậy cơ chế nào để ngành điện thoát tình trạng thua lỗ rồi dồn gánh nặng lên giá điện và người tiêu dùng? Cũng cần nhắc lại, ba lần tăng giá điện (lần lượt 3% và 4,5% vào tháng 5 và tháng 11.2023 cùng lần tăng mới nhất với mức 4,8%), đã đẩy giá điện từ 1.920,3 đồng lên 2.103,11 đồng/KWh.

Như vậy, giá điện trong hơn một năm đã tăng ba lần giữa bối cảnh nền kinh tế còn chưa hết di chứng nặng nề của đại dịch Covid-19, trong khi lại phải đối mặt với thách thức đến từ suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp chưa phục hồi đơn hàng hoặc có phục hồi nhưng chi phí sản xuất cao; nhất là với những lĩnh vực sản xuất chịu tác động tiêu cực bởi tăng giá điện do nhu cầu sử dụng điện rất cao như sắt, thép, xi-măng... Doanh nghiệp sẽ chật vật hơn nhiều và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn sẽ ra sao? Và cũng không thể quên rằng họ là đối tượng phải chịu gánh nặng của giá điện tăng, từ đó tác động tới hàng hóa, dịch vụ khác, từ miếng thịt, con cá, mớ rau... 

 Theo EVN, khách hàng sinh hoạt sử dụng điện ở mức từ 200kWh/tháng trở xuống có 17,4 triệu hộ (31%), mỗi tháng sẽ tăng thêm 13.800 đồng. Mức sử dụng điện trên 200 - 300kWh/tháng, sẽ có chi phí tăng thêm bình quân 32.000 đồng/tháng. Với hộ sử dụng điện từ 300 - 400kWh/tháng, mức tăng thêm là 47.000 đồng. Các hộ sử dụng từ 400kWh trở lên có mức tăng thêm là hơn 62.000 đồng.

Còn với khách hàng kinh doanh dịch vụ (547.000 khách hàng), mỗi hộ trả thêm bình quân là 247.000 đồng. Với hộ sản xuất là 1,921 triệu khách hàng, mức tăng này sẽ làm tiền điện tăng lên 499.000 đồng/tháng; khách hàng xí nghiệp là 691.000 khách hàng, tăng thêm 91.000 đồng.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc