“Anh em” với lãng phí
VHO - Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã cho thấy hai dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức ở Hà Nam với số tiền đầu tư từ ngân sách nhà nước hàng ngàn tỉ đồng, xảy ra lãng phí lớn.

Cuộc đấu tranh chống lãng phí, cùng với cuộc đấu tranh chống tham nhũng, được dư luận rất đồng tình và đang chờ đợi những xử lý rốt ráo, đạt hiệu quả cao.
Câu hỏi đặt ra là, với số ngân sách rất lớn bỏ ra mà gây lãng phí, chủ đầu tư được nhà nước giao nhiệm vụ lại không cảm thấy xót xa hay sao? Giả sử như số tiền thuộc sở hữu của cá nhân anh, anh có để xảy ra tình trạng xây mà không sử dụng, nay xây mai đập, xây dựng nhiều năm rồi không thể sử dụng hay chăng? Chắc chắn là không.
Lãng phí của công, đối với những người gây ra lãng phí hẳn là loại “tiền chùa”, chẳng phải của ai, được chăng hay chớ, nói cho đúng là các chủ đầu tư được Nhà nước giao nhiệm vụ đã không hoàn thành nhiệm vụ, không hoàn thành nhiệm vụ vì họ không hề cảm thấy xót xa khi tài sản bị lãng phí.
Nếu là người cán bộ, công chức biết quý trọng đồng tiền do Nhà nước bỏ ra như chính tiền của mình, có lẽ không đến nỗi như vậy. “Anh em” của lãng phí chính là sự vô cảm.
“Của mình thì giữ bo bo, của người thì để cho bò nó ăn”, xử sự đối với tài sản của người khác và với của công đều như thế, là đặc thù của kẻ vô cảm. Và một “anh em” khác của lãng phí chính là tham nhũng.
Nhiều người đều biết có những chuyện “chạy dự án”, tác động chỗ nọ chỗ kia để có được dự án đầu tư. Vì sao có chuyện “chạy” dự án?
Nếu vì việc chung, đem lại lợi ích cho cộng đồng thì không có gì phải nói, đằng này là bởi người làm chủ dự án có “phần” trong đó. Có xây mới có “xơi”. Dự án làm chất lượng như thế nào, những người kiểu ấy không quan tâm, mà quan tâm là mình kiếm được bao nhiêu.
Ở đây lãng phí lại có gốc từ tham nhũng, là “anh em” của tham nhũng. Cho nên cuộc chống lãng phí trong nhiều trường hợp hẳn không thể là một “cuộc” riêng, mà tất yếu nó phải gắn với chống tham nhũng.
Lại nghĩ, chống tham nhũng hay lãng phí nên bắt đầu bằng sự đề phòng, tựa như “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Có nhiều cách để đề phòng. Một trụ sở cơ quan nếu không thực sự cần thiết thì không xây thêm, nay trùng tu mai sửa chữa.
Những trang thiết bị, máy móc có quá nhiều so với nhu cầu thì không sắm. Phải xét duyệt kỹ lưỡng ở sự cần thiết của dự án. Trong khi dự án bước vào thực hiện, phải tuân thủ nghiêm quy định về công khai, minh bạch, từ khâu đấu thầu đến quá trình thi công, tư vấn giám sát.
Tránh tình trạng phải đem ra kiểm tra xử lý thì sự việc đã rồi, đã hư hao khá nhiều. Giả như một dự án bệnh viện sau nhiều năm “đắp chiếu” mới được phát hiện, xử lý, thì có thu hồi được số tiền thất thoát cũng chỉ mới là một phần của sự lãng phí.
Các hạng mục lâu năm không sử dụng sẽ bị hư hao, xuống cấp. Đặc biệt lãng phí thời gian là cái khó đo đếm được nhưng ắt không phải nhỏ. Hệ quả của nó là người bệnh đáng được đến đây chữa trị từ nhiều năm trước thì không được chữa.
Lãng phí là “anh em” với sự vô cảm và tham nhũng, nhiều khi không thể tách rời chúng ra, bởi nhiều trường hợp chúng hòa quyện vào nhau như một.
Cuộc chống lãng phí cũng là cuộc chiến chống thói thờ ơ với tài sản của quốc dân, là chống tham nhũng, là chống lại những người làm trái với pháp luật, trái với đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, trộm nghĩ phải kiên trì và rốt ráo. Nếu không nó sẽ chực chờ quay trở lại.