Thủ tướng nêu 6 mong muốn với ngành Y tế
VHO - Chiều 24.2, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, động viên đội ngũ cán bộ, y bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai và dự lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955 – 27.2.2025) tại Bệnh viện; thăm Học viện Quân y và Bệnh viện 103.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Bệnh viện Bạch Mai là niềm tự hào của ngành y học Việt Nam, xứng đáng là Bệnh viện hạng đặc biệt đầu tiên; luôn là một "pháo đài" trong chiến tranh và hòa bình, trong chiến tranh là "pháo đài" góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, trong thời bình là "pháo đài" góp phần quan trọng vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân.
Sau khi điểm lại lịch sử vẻ vang của Ngày Thầy thuốc Việt Nam, trong đó có vai trò rất quan trọng của Bệnh viện Bạch Mai, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt chúc mừng những thành tích đáng tự hào mà các thế hệ giáo sư, bác sĩ, thầy thuốc, nhân viên y tế, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành y tế nói chung và Bệnh viện Bạch Mai nói riêng đã đạt được trong thời gian qua, đóng góp quan trọng vào những thành tựu chung của cả nước.
Mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng, rất đáng tự hào, nhưng chúng ta còn nhiều việc phải làm để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và kỳ vọng của nhân dân, cũng như khẳng định năng lực y tế nước nhà trong kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc.
Thủ tướng bày tỏ, chúng ta mong muốn các cơ sở khám chữa bệnh sáng, xanh, sạch, đẹp hơn; năng lực khám chữa bệnh tốt hơn kể cả tại các thành phố lớn hay vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo; giá khám chữa bệnh, thuốc chữa bệnh, sinh phẩm, vật tư y tế phù hợp với thu nhập người dân hơn; thủ tục hành chính thuận lợi hơn…
Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo toàn ngành y tế, trong đó có Bệnh viện Bạch Mai tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Trước hết, quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Quốc hội, nhất là Nghị quyết số 20 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; trong đó đã xác định rõ: Nghề y là một nghề đặc biệt; nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt.
Đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo vệ tính mạng, chăm sóc sức khỏe người dân, mỗi người dân phải được khám chữa bệnh hằng năm, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo; vừa phát triển y tế cộng đồng, y tế cơ sở, vừa phát triển y tế chuyên sâu, các bệnh viện chuyên sâu để cứu chữa người bệnh mắc các bệnh hiểm nghèo, các ca đặc biệt…
Cùng với đó, khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật để tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong mua sắm, đấu thầu, đàm phán giá thuốc, bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh, theo tinh thần bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ tại các cơ sở y tế, thúc đẩy hoạt động mua sắm tập trung ở cả cấp quốc gia và địa phương nhằm tiếp tục hạ giá thuốc, duy trì mức giá thuốc hợp lý, làm sao để người dân, người bệnh được hưởng lợi.
Khẩn trương đề xuất ban hành chính sách đặc thù đối với nhân viên y tế. Đổi mới chính sách tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ; khuyến khích cán bộ làm việc ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…
Nâng cao năng lực, hiệu quả y tế dự phòng và y tế cơ sở. Phát triển mạnh công nghiệp dược, sản xuất trang thiết bị y tế, năng lực tự bảo đảm thuốc, trang thiết bị vật tư y tế của quốc gia. Tăng cường đào tạo nhân lực y tế, nhất là nhân lực chất lượng cao theo hướng "Sâu y lý - giàu y đức - giỏi y thuật". Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số gắn với hội nhập quốc tế ngành y tế.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế, ngành y tế đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giao quyền nhiều hơn cho địa phương trong quản lý, vận hành các bệnh viện trên địa bàn, phát huy mạnh mẽ vai trò của người dân là trung tâm, chủ thể; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí, phiền hà cho người dân, giảm tham nhũng vặt…
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tập trung chỉ đạo hoàn thành các dự án Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 đưa vào hoạt động trong năm 2025; yêu cầu 2 Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức chủ động chuẩn bị nhân lực và các điều kiện cần thiết để triển khai ngay công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân khi cơ sở 2 hoàn thành vào cuối năm nay.
Thủ tướng nêu 6 mong muốn với ngành Y tế, Bệnh viện Bạch Mai: Điều trị hiệu quả cho người bệnh; tích cực đào tạo nhân lực chất lượng cao cho toàn ngành; nghiên cứu chuyên sâu giỏi, nhất là các bệnh hiểm nghèo, các loại bệnh phổ biến ở Việt Nam, các bệnh nhiệt đới; không ngừng đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh chuyển đổi số trong khám chữa bệnh và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân; tận tụy và không gây phiền hà cho người bệnh, người nhà bệnh nhân theo đúng tinh thần "Thầy thuốc như Mẹ hiền".