Trăn trở với nghề gốm Phước Tích

VHO- Di tích quốc gia làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) đã từng rất hưng thịnh với nghề gốm truyền thống hơn 500 năm. Gần hai thập kỷ trở lại đây, chính quyền địa phương và các ngành đã nỗ lực phục hồi và phát triển nghề thủ công truyền thống gốm Phước Tích, song vẫn còn nhiều khó khăn, trăn trở…

Trăn trở với nghề gốm Phước Tích - Anh 1

Nghệ nhân Lương Thanh Hiền hướng dẫn du khách trải nghiệm cách làm gốm

 Từ đầu năm đến nay, mỗi ngày lò gốm của ông Lương Thanh Hiền (51 tuổi) tại làng cổ Phước Tích đón hàng trăm khách đến tham quan, mua sắm và trải nghiệm cách thức làm gốm. Từ năm 2006, ông Hiền là một trong 4 người dân của làng cổ được UBND huyện Phong Điền đưa đi học thêm các kỹ thuật làm gốm ở Bát Tràng (Hà Nội) để hỗ trợ công cuộc phục hồi và phát triển nghề gốm ở Phước Tích. Sau đó, nhờ chính sách của địa phương, ông Hiền đã mở lại lò gốm Phước Tích nhằm bảo tồn, giữ nghề cho đến nay. Đây cũng là địa điểm không thể bỏ qua của du khách mỗi dịp ghé thăm mảnh đất Cố đô.

Nỗi lo nhân lực

Đã phục hồi được nghề gốm, nhưng để phát triển bền vững, lan tỏa sâu rộng thì còn nhiều khó khăn, trăn trở. Ông Hiền chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất ở Phước Tích chính là nguồn nhân lực. Hiện nay lò gốm của tôi đã có thể sản xuất đa dạng các mặt hàng, từ sản phẩm lưu niệm, quà tặng cho đến những mặt hàng gia dụng đáp ứng thị hiếu của khách, các cơ sở kinh doanh. Mới đây có doanh nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai đã đặt hàng chúng tôi gần 10.000 sản phẩm om (nồi đất) để kinh doanh, điều đó cho thấy sản phẩm gốm Phước Tích vẫn còn được nhiều người ưa chuộng. Thế nhưng, để đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách thì nguồn nhân lực làm gốm đang còn thiếu trầm trọng, tôi mong rằng chính quyền địa phương sẽ có những chính sách, giải pháp để tìm người phát triển nghề”.

Ông Hiền cho biết, sẵn sàng chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm về nghề gốm cho các thế hệ sau để cùng chung tay giữ nghề. Không nhất thiết phải là người ở Phước Tích mà có thể là từ các địa phương lân cận nhưng có niềm đam mê với gốm. Hiện lò gốm của ông Hiền đang nhận 4 bạn trẻ ở Thừa Thiên Huế và Quảng Trị để truyền nghề. Cho tới giờ, cả làng chỉ còn vỏn vẹn 20 người biết làm gốm, trong đó có 4 nghệ nhân nắm giữ các kinh nghiệm về gốm Phước Tích. Câu chuyện về nguồn nhân lực cho nghề gốm truyền thống ở làng cổ Phước Tích cũng là sự trăn trở của các nhà chuyên môn, đơn vị quản lý. Số lượng nhân khẩu ở làng Phước Tích rất ít, phần đông người trẻ đi làm ăn xa nên khát vọng phát triển nghề gắn với phát triển du lịch thực sự không đơn giản.

Trăn trở với nghề gốm Phước Tích - Anh 2

Những sản phẩm gốm (chưa nung) ở xưởng gốm Phước Tích

Cần những giải pháp, chính sách dài hơi

Gốm Phước Tích đã được giới thiệu nhiều tại các kỳ Festival Nghề truyền thống Huế (diễn ra vào năm lẻ), được quảng diễn trong các chương trình lễ hội Hương xưa làng cổ, được nhiều người dân và du khách biết đến. Tuy nhiên, để phát triển nghề gắn với hoạt động du lịch bền vững còn cần nhiều giải pháp, chính sách, sự chung tay từ chính quyền đến các ngành chuyên môn, cộng đồng và các doanh nghiệp…

Tại Hội thảo Nghiên cứu, phục hồi nghề thủ công truyền thống gốm Phước Tích gắn với phát triển du lịch bền vững vừa được Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) phối hợp với các đơn vị tổ chức, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng: Muốn di sản văn hóa làng cổ Phước Tích có được vị trí vững chắc trong đời sống xã hội đương đại, cần cơ chế chính sách và kế hoạch huy động sức mạnh của cộng đồng cư dân Phước Tích với tư cách là chủ thể sáng tạo, chủ sở hữu, người thực hành, người thụ hưởng đồng thời cũng là người trực tiếp tham gia bảo tồn di sản văn hóa làng cổ nói chung và nghề gốm nói riêng… Việc bảo tồn nghề thủ công truyền thống chỉ đạt được kết quả cao nhất khi việc thực hành và truyền dạy phải có khả năng tạo ra sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương.

Theo ông Bài, cần tiếp cận nghề gốm truyền thống ở Phước Tích với tư cách là di sản văn hóa làng, đồng thời lại là thành tố, tiềm năng cho việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa địa phương (nghề thủ công và du lịch). Phục hồi và phát triển nghề gốm truyền thống Phước Tích cần được xem xét trong bối cảnh của 2 chương trình quốc gia quan trọng và “Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao” và “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045”. Làng cổ Phước Tích được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia từ năm 2009, với đặc trưng là hệ thống quỹ kiến trúc nhà rường cổ cùng với không gian cảnh quan độc đáo. “Sở hữu” nghề gốm nổi tiếng hơn 500 năm tuổi là cơ hội để địa phương kết nối và phát triển du lịch cộng đồng, hướng đến phát triển bền vững.

Ông Hoàng Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết: “Đồ án quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ Phước Tích, tỷ lệ 1/500 do Viện Bảo tồn Di tích (Bộ VHTTDL) thực hiện đã được phê duyệt. Chúng tôi cũng xác định phát triển du lich cộng đồng ở làng cổ Phước Tích với hệ thống nhà rường cổ và nghề gốm truyền thống là hướng đi phù hợp, cần có sự kết nối và chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân mới thực sự bền vững. Thời gian qua, địa phương đã chỉ đạo và kết hợp phát triển thêm các dịch vụ văn hóa trải nghiệm tại làng cổ, song thực tế những người trẻ đam mê làm du lịch cộng đồng cũng như nhân lực tham gia nghề gốm truyền thống còn quá ít”.

“Huyện sẽ tiếp tục quan tâm, có những định hướng triển khai dài hơi để gìn giữ và phát triển nghề gốm truyền thống. Xem xét có những chính sách để đào tạo và hỗ trợ cho con em ở Phước Tích hoặc cả những người yêu gốm Phước Tích có thể tham gia học và tạo nguồn nhân lực của nghề”, ông Hoàng Văn Thái khẳng định. 

SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc