Trải nghiệm văn hóa Khmer

VHO - Tỉnh Trà Vinh đang hướng đến cộng đồng dân tộc Khmer để xây dựng đời sống văn hóa gắn với các yếu tố bản sắc văn hóa của dân tộc, đặc biệt là xây dựng sản phẩm du lịch từ bản sắc văn hóa truyền thống. Phát huy những lợi thế về văn hóa Khmer, tỉnh Trà Vinh đã khai thác mời gọi du khách đến trải nghiệm và khám phá.

Trải nghiệm văn hóa Khmer - Anh 1

 Câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật Khmer ở xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè giao lưu với du khách

 Hiện nay, Trà Vinh có 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là Nghệ thuật Chầm riêng Chà Pây, lễ hội Ok Om Bok và Nghệ thuật Rô băm; 42 chùa Khmer được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cách mạng cấp tỉnh và di tích lịch sử văn hóa kiến trúc cấp quốc gia. Đến Làng Văn hóa du lịch Khmer Trà Vinh, du khách sẽ được trải nghiệm chuỗi liên kết khu du lịch di tích danh thắng Ao Bà Om; di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Âng; Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer; Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, thưởng thức âm nhạc từ dàn nhạc ngũ âm, múa trống Chay dăm, các điệu múa dân tộc, tham quan làng nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ, tham quan tìm hiểu và cùng nghệ nhân chế tác mặt nạ truyền thống, thưởng thức các món ăn đặc sản dân tộc Khmer...

Trải nghiệm văn hóa Khmer - Anh 2

 Đua ghe Ngo tại “Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh”

Văn hóa truyền thống và các lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer tiếp tục được bảo tồn và phát huy; phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc luôn được tôn trọng, giữ gìn và phát triển. Ông Thạch Mu Ni, Phó Trưởng ban dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết: “Hiện Trà Vinh có 30 thiết chế văn hóa, thể thao ấp được đầu tư; 1 công trình văn hóa phi vật thể và 1 lễ hội được phục dựng, bảo tồn; 1 làng truyền thống phục vụ phát triển du lịch; 1 mô hình văn hóa truyền thống được xây dựng, câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian được thành lập; 1 điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được xây dựng. Ngoài ra, còn có 112 đội dàn nhạc ngũ âm, 95 đội trống Chhay dam, 35 đội múa chằn, khỉ, trên 100 đội nhạc tân, 40 đội bóng chuyền, 8 đội ghe Ngo; 1 tờ báo và 2 nội san xuất bản bằng tiếng Khmer; 1 chương trình phát thanh và 1 chương trình truyền hình tiếng Khmer; 1 Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh... cơ bản đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thể thao của đồng bào và du khách mỗi khi đến với Trà Vinh”.

Sau hơn 2 năm thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, do Sở VHTTDL Trà Vinh làm chủ dự án, với nguồn vốn sự nghiệp phân bổ hơn 18,5 tỉ đồng đã thực hiện có hiệu quả công tác giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc.

Trải nghiệm văn hóa Khmer - Anh 3

 Câu lạc bộ múa hát ấp Bà Tây C, xã Tập Sơn, huyện Trà Cú biểu diễn mừng Lễ hội Kathina của đồng bào Khmer

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Thanh Bình cho biết, thực hiện Dự án 6 giai đoạn I từ năm 2021-2025, tỉnh Trà Vinh được phân bổ nguồn vốn gần 59 tỉ đồng. Từ nguồn vốn này, Trà Vinh đầu tư tu bổ, tôn tạo 22 di tích, khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

“Tỉnh Trà Vinh đã khảo sát, kiểm kê, tư liệu hóa di sản văn hóa; sưu tầm hiện vật, lập hồ sơ khoa học, lưu giữ di sản văn hóa dân tộc và trưng bày hình ảnh, tài liệu, hiện vật và trình diễn di sản văn hóa dân tộc Khmer, Hoa, Chăm. Mở lớp truyền dạy bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận; trùng tu, sửa chữa các hạng mục công trình di tích của dân tộc Khmer đã được công nhận; bảo tồn và phát huy lễ hội gắn với phát triển du lịch “Lễ hội Ok Om Bok tại khu di tích danh thắng Ao Bà Om”; hoàn thành lập hồ sơ khoa học đề nghị Bộ VHTTDL xét đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với Lễ hội Vu lan thắng hội (Lễ hội chùa Ông Bổn) của người Hoa tại huyện Cầu Kè, Nghệ thuật Dù Kê của người Khmer, Lễ hội Đom Lơn Néak Tà của người Khmer...”, ông Bình nói.

Không chỉ triển khai thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc trong công tác bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tỉnh Trà Vinh còn gắn với tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số qua các dự án bảo tồn gắn với phát triển du lịch, dịch vụ phục vụ du khách, cải thiện nguồn thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số. 

PHƯƠNG NGHI

Ý kiến bạn đọc