Thấy gì từ liên hoan Đờn ca tài tử ở một địa phương?
VHO- Liên hoan Đờn ca tài tử và trích đoạn cải lương tỉnh An Giang lần thứ III năm 2022 vừa tổng kết và trao thưởng vào tuần qua đã cho thấy sức sống của loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử và trích đoạn cải lương ở An Giang đang phát triển vô cùng mạnh mẽ. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn nhiều điều cần suy ngẫm…
Một số tiết mục tại Liên hoan
Liên hoan Đờn ca tài tử và trích đoạn cải lương tỉnh An Giang lần thứ III năm 2022 vừa tổng kết và trao thưởng vào tuần qua đã cho thấy sức sống của loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử và trích đoạn cải lương ở An Giang đang phát triển vô cùng mạnh mẽ. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn nhiều điều cần suy ngẫm…
TS Mai Mỹ Duyên, Trưởng Ban giám khảo Liên hoan đánh giá Liên hoan lần này có tính hấp dẫn, sinh động, đáp ứng nhu cầu của công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ đối với Đờn ca tài tử. “Trước đây chúng ta thường chỉ tổ chức liên hoan theo dạng Đờn ca tài tử thính phòng, tức là chỉ có ban nhạc trình diễn, còn liên hoan lần này kết hợp với trích đoạn cải lương, đặc biệt là những vở tuồng hay, những trích đoạn đã có sức hút với quần chúng từ trước. Chính vì thế khi chọn những màn diễn trong vở cái lương hay thì chương trình tạo tính hấp dẫn hơn. Tôi cho rằng đây là sự kết hợp tốt, bởi vì gốc của cải lương cũng từ tài tử mà ra, đặc biệt là phần âm nhạc. Và trong chương trình cũng có ca, múa để làm cho tiết mục thêm sinh động”, TS Mai Mỹ Duyên cho biết.
Theo Ban giám khảo, từ liên hoan đã phát hiện các em trẻ, có triển vọng, nếu có sự quan tâm đầu tư của địa phương, gia đình và bản thân các em, từ đây cũng cho thấy có được đội ngũ kế thừa. Bên cạnh đó, trước đây nếu như một ban tài tử lên trình diễn thì mang hơi hướng “cây nhà lá vườn”, nhưng nay đã có bàn tay đạo diễn, dàn dựng, đa số là đạo diễn không chuyên từ các nghệ nhân, tài tử, dù không chuyên nhưng họ đã tiếp tục có trách nhiệm làm nghề. Bởi như trước đây, đa số nghệ nhân sau khi được phong tặng, vì lý do này khác, có thể họ đã quá già yếu, không tiếp tục hoạt động nghề nữa, còn ở đây đội ngũ dàn dựng chương trình là các nghệ nhân được phong danh hiệu, vẫn còn lửa nghề rất nhiệt huyết.
Tuy nhiên, cũng theo TS Mai Mỹ Duyên, liên hoan vẫn còn một số hạn chế cần rút kinh nghiệm, đó là việc đưa múa minh họa vào, nếu dàn dựng không biết tiết chế thì múa sẽ át người ca, vì dàn múa thường có đông người, đạo cụ cũng nhiều, lại bông hoa to, quạt lớn… thì tất cả những thứ đó làm rối rắm và lấn át tiết mục. “Những năm trước, khi các đơn vị về ca diễn ngoài mục đích tranh tài, ai có tài năng thì khoe ra để thi thố với nhau, còn là cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, bên cạnh đó là gắn kết cái tình tri âm tri kỷ để cùng bắt tay nhau mà làm nghệ thuật phục vụ cho xã hội… Năm nay do tình hình Covid-19 nên các hoạt động này cũng không được diễn ra, từng đơn vị chỉ biết diễn xong thì về vì người ta cũng không có tiền để ở lại, thành ra cơ hội gắn kết trao đổi tâm tình, cơ hội để xem nhau biểu diễn và nâng cao nghệ thuật cũng chưa có”, TS Mai Mỹ Duyên tiếc nuối cho biết.
Một điểm nổi bật theo các chuyên gia, đó là qua liên hoan cho thấy xu thế phóng khoáng miền Tây lấn át, tác động rất nhiều trong lối chơi tài tử. Khi âm nhạc cung đình di cư vào miền Nam, đi đến một số tỉnh miền Đông, TP.HCM thì dấu ấn cung đình còn đậm nên âm nhạc tài tử lúc này còn trang trọng, chơi đờn có vẻ nho nhã, nhường nhịn, hài hòa với nhau… mang phong cách của ca Huế… Nhưng khi Đờn ca tài tử đi về miền Tây Nam Bộ, với lối sống phóng khoáng, thiên nhiên ưu đãi, con người mở lòng ra, nên chơi nhạc tài tử lúc này có sự thách thức, thi thố, tranh tài với nhau. Ai có cái hay thì khoe ra, thành ra cuộc chơi rất ngẫu hứng sáng tạo, trong biểu diễn tức thời phải nghĩ ra chữ đờn mới, chữ đờn hay để khoe nhau… hai phong cách đó đều thấy trong liên hoan An Giang.
Từ liên hoan, cho thấy sự xích lại càng lúc càng gần hơn giữa Đờn ca tài tử và nghệ thuật sân khấu cải lương. Trong khi cải lương chuyên nghiệp đang đi vào chỗ khó khăn, hạn chế trong hoạt động thì cải lương quần chúng đã phát triển, nghĩa là cải lương không chuyên nghiệp lại đang phát triển trên cơ sở những nghệ nhân và tài tử của Đờn ca tài tử. Ban giám khảo cũng cho biết có đề xuất với ngành VHTTDL địa phương tập huấn, phát huy lực lượng sáng tác ở An Giang, mời những nghệ sĩ, nhà giáo chuyên nghiệp để dạy về kỹ thuật diễn xuất, kỹ thuật giải phóng hình thể, nghiên cứu lý lịch của nhân vật như thế nào thể hiện vai diễn của mình… Cạnh đó là phải tập huấn những loại hình gắn kết với chương trình, ví dụ múa, để cho người biên đạo hiểu được nghệ thuật cải lương và sân khấu đờn ca tài tử như thế nào, để họ có những tiết mục làm tôn tạo tác phẩm lên mà không làm mất đi vị trí chính yếu của tài tử và cải lương trong một chương trình nhấn mạnh thể loại như vậy…
Ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, thành viên Ban tổ chức bày tỏ, Đờn ca tài tử được xem là loại hình nghệ thuật độc đáo của vùng đất Nam Bộ mà không nơi nào có được, bởi ngay từ trong tiếng đàn, giai điệu và lời ca qua các điệu thức trong 20 bài bản tổ, đến bài vọng cổ đều mang một nét phóng khoáng, chơn chất, đậm tình đất, tình người của con người Nam Bộ mộc mạc, giàu lòng hiếu khách. Chính từ những đặc trưng ấy đã làm cho Đờn ca tài tử Nam Bộ không chỉ thuần túy tồn tại ở vùng đất hình thành và định danh nên nó, mà còn phát triển hầu như trên toàn quốc và cả ở nhiều nước trên thế giới. Năm 2013, Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đó là niềm tự hào, vinh dự cho vùng đất Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là hoạt động văn hóa thiết thực và ý nghĩa luôn được các ngành, các cấp quan tâm.
THÙY TRANG