Nỗ lực làm sống lại các làng nghề thủ công truyền thống

ANH TUẤN

VHO - Trong dòng chảy của xã hội hiện đại, làm thế nào để thế hệ trẻ biết đến, trân trọng và giữ gìn hồn văn hóa dân tộc luôn là nỗi băn khoăn, trăn trở. Thấu hiểu điều này, Phường Bách Nghệ (phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội) là một trong những không gian sáng tạo không ngừng nỗ lực làm sống lại các làng nghề thủ công truyền thống.

Nỗ lực làm sống lại các làng nghề thủ công truyền thống - ảnh 1
Nhiều bậc phụ huynh cùng con trẻ tìm hiểu cách làm các sản phẩm thủ công truyền thống

Gìn giữ và phát triển tinh hoa làng nghề

Hà Nội thường được ví là mảnh đất “trăm nghề”. Tính đến hiện nay, Thủ đô có khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước. Mỗi làng nghề không chỉ mang một bản sắc riêng, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc mà còn là sinh kế góp phần bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần bền vững của nhân dân.

Với mong muốn đồng hành cùng người thợ thủ công để khôi phục, bảo tồn và phát triển các sản phẩm thủ công truyền thống, nghệ nhân Ngô Quý Đức đã sáng lập Phường Bách Nghệ – Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Ứng dụng sản phẩm làng nghề Việt.

Ngay từ nhỏ, nghệ nhân Ngô Quý Đức đã tiếp xúc với nhiều sản phẩm thủ công truyền thống. Cả tuổi thơ của anh gắn liền với tranh dân gian Đông Hồ, tiến sĩ giấy, tranh Hàng Trống, những chiếc hộp sơn mài… được trưng bày trong nhà ông nội.

Khi có cơ hội được chứng kiến tận mắt sự tỉ mỉ, tâm huyết của người thợ thủ công trong từng công đoạn, anh càng nhận thấy bản thân có sự kết nối sâu sắc với các làng nghề truyền thống. Không dừng lại ở việc tìm hiểu, anh Đức còn khao khát lớn hơn là đưa những sản phẩm này thoát khỏi nguy cơ bị bỏ lại phía sau.

Tại Phường Bách Nghệ, anh Đức cùng các thành viên của mình kết hợp với nhiều nghệ nhân làng nghề lưu giữ, lan toả giá trị tinh hoa của làng nghề Việt Nam. Bên cạnh đó, còn nghiên cứu, phát triển, sáng tạo, cải tiến mẫu mã, công năng nhiều sản phẩm thủ công để phù hợp với đời sống hiện đại. “Các nghệ nhân có tay nghề tốt nhưng lại chỉ chú trọng chuyên môn, thiếu đi tư duy thiết kế sản phẩm. Muốn sản phẩm truyền thống được nhiều người biết đến và sử dụng hơn, chỉ còn cách cải tiến mẫu mã”, nghệ nhân Ngô Quý Đức nói.

Phường Bách Nghệ được chia thành hai không gian chính. Tầng 1 là không gian kết nối cộng đồng, nơi diễn ra các buổi workshop trải nghiệm, tìm hiểu và tự tay làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như: đèn ông sao, vẽ con quay, mặt nạ giấy bồi, làm sơn mài khảm trứng, đèn kéo quân,… Với mức giá giao động từ 10.000 đồng đến 200.000 đồng, du khách được trực tiếp tạo ra sản phẩm theo ý tưởng của riêng mình. Thỉnh thoảng, tại mỗi buổi workhshop, sẽ có sự góp mặt của nhiều nghệ nhân làng nghề, để hướng dẫn, trao đổi.

Nỗ lực làm sống lại các làng nghề thủ công truyền thống - ảnh 2
Phường Bách Nghệ thu hút nhiều bạn trẻ đến tham gia trải nghiệm

Tuỳ theo từng thời điểm nhất định, Phường Bách Nghệ cũng sẽ dành không gian tầng 2 để trưng bày triển lãm theo chuyên đề về nghề thủ công truyền thống.

Đặc biệt, Phường Bách Nghệ còn bày bán những sản phẩm mang đậm dấu ấn truyền thống, không chỉ do chính thành viên của trung tâm tạo ra mà còn có sự phối hợp của nghệ nhân các làng nghề. 

Làm sống dậy văn hoá Tết Trung thu

Tết Trung thu tại Việt Nam đã trở thành một trong những tết truyền thống lớn nhất trong năm. Hiện tại, Phường Bách Nghệ đang tổ chức chuyên đề trưng bày những sản phẩm đồ chơi Trung thu truyền thống và các workshop với đa dạng hoạt động thú vị, hấp dẫn.

Tại đây, du khách sẽ được thoả mãn mọi giác quan, tận mắt thấy những món đồ chơi trung thu truyền thống do chính tay nghệ nhân làm ra; lắng nghe các câu chuyện đầy ý nghĩa về Tết Trung thu; tự tay làm ra các sản phẩm truyền thống như: mặt nạ giấy bồi, đèn ông sao, đèn kéo quân… rực tỡ sắc màu.

Tuỳ theo từng sản phẩm, thời gian hoàn thành cũng khác nhau. Với những món đồ chơi ít phức tạp và cầu kỳ như đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ giấy bồi,… chỉ cần có hướng dẫn, làm mẫu vài lần thì du khách có thể thành thạo. Tuy nhiên, với những sản phẩm đòi hỏi độ tỉ mỉ cao như ông tiến sĩ giấy, du khách sẽ mất nhiều thời gian hơn để hoàn thiện.

Nỗ lực làm sống lại các làng nghề thủ công truyền thống - ảnh 3
Phường Bách Nghệ - Không gian trải nghiệm nghề thủ công

“Tuy nhiên, việc tốn hàng giờ, thâm chí phải vài ngày để làm ra một món đồ chơi Trung thu truyền thống, mọi người mới thấy được nỗi vất vả, sự tỉ mẩn, cầu kỳ của các nghệ nhân. Từ đó, trân trọng hơn tay nghề của những thợ thủ công làng nghề”, anh Lê Quý Đức khẳng định.

Từ đầu tháng 7, lượng khách lớn đổ về Phường Bách Nghệ khá lớn, trải đều các ngày trong tuần. Đến tham quan và trải nghiệm không chỉ có đông đảo bạn trẻ mà còn có các đoàn khách từ các trường học, thậm chí, nhiều du khách nước ngoài cũng tò mò muốn tìm hiểu.       

Nỗ lực làm sống lại các làng nghề thủ công truyền thống - ảnh 4
Không gian trưng bày triển lãm chuyên đề Tết Trung thu

Chị Nguyễn Ngọc Quỳnh (31 tuổi, giáo viên mần non tại Hà Nội) bày tỏ: “Thông qua hoạt động trải nghiệm tại Phường Bách Nghệ, mình mong muốn các bạn nhỏ sẽ được cảm nhận nhiều hơn về màu sắc, chất liệu tự nhiên tạo nên những sản phẩm đồ chơi trong ngày Tết Trung thu. Quan trọng hơn, các bạn được trải nghiệm một sân chơi bổ ích, giúp các em hiểu biết thêm về nét văn hoá truyền thống xưa, từ đó, thêm yêu văn hoá Việt Nam.”

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc