Viết tiếp bài Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ-Tĩnh:

“Giải cứu” được không?

VŨ TOÀN

VHO - Nguyên nhân dự án “Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ-Tĩnh” khiến nhiều người xót xa khi xây rồi bỏ đó là vấn đề đầy day dứt buộc chúng tôi đi tìm câu trả lời.

“Giải cứu” được không? - ảnh 1
Hy vọng, cổng tam quan sẽ hiện lên trước đường vào “Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ-Tĩnh”...

 Với những tài liệu hiện có, phản ánh nguyên nhân chính là do dự án “cập kênh” và “đội vốn”.

Dự án “cập kênh” và “đội vốn”

Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình “Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ-Tĩnh” do bà Đinh Thị Lệ Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ký ngày 28.10.2015, dài 5 trang.

Quyết định có nội dung thi công và các giải pháp kỹ thuật khá chi tiết trên diện tích đất sử dụng 6.393m2, diện tích xây dựng 2.154m2. Từ khu nhà hành chính kiêm biểu diễn và sưu tầm; nghiên cứu bảo tồn; lưu trữ di sản dân ca có tới 14 hạng mục của 14 tổ hợp phòng ốc với các chức năng khác nhau trong công trình 5 tầng đến khối hành chính và phòng khán giả 500 chỗ ngồi đến phòng trực kỹ thuật, phòng dịch vụ văn hóa, phòng để xe của người tàn tật, phòng Y tế, kho trang phục đạo cụ đến các tầng 1-2-3-4-5, được thi công theo kiến trúc bài bản của thiết kế dự án. Theo đó, khối không gian ngoài trời với hồ nước, các nhà diễn xướng 01-02-03 đến cổng từ đường phố Nguyễn Du vào trung tâm cũng hết sức chi tiết. Chi tiết đến nhà bảo vệ, trạm biến áp, hàng rào, sân đường nội bộ…

Tổng mức đầu tư dự án là 69 tỉ đồng, chi cho các hạng mục: Chi phí xây dựng. Thiết bị. Chi phí quản lý dự án. Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng. Chi phí đền bù giải phóng mặt bằng. Chi phí khác. Và, chi phí dự phòng. Thế nhưng quyết định này không hề đề cập đến chi phí cho trang thiết bị làm việc và chuyên dùng của trung tâm. Đó là, hệ thống âm thanh, ánh sáng và máy chiếu; thiết bị biểu diễn nghệ thuật; 500 ghế ngồi; các phòng trang điểm; màn hình led; phòng tập múa và phòng tập nhạc… Đây chính là chỗ “cập kênh” không đáng có đối với một dự án như “Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ-Tĩnh”.

Vậy, câu hỏi đầu tiên của chúng tôi đi tìm là: Sự thiếu hụt chi phí cho phần nội thất này có lớn không, có làm ảnh hưởng đến sự hoàn thiện công trình để đưa vào sử dụng không? Tại công văn số 675/SVHTT-KHTC về việc xử lý cơ sở nhà ở, đất để đầu tư hoàn thành Dự án “Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ-Tĩnh”, ngày 14.3.2024 do Giám đốc Sở VHTT Nghệ An Trần Thị Mỹ Hạnh ký, gửi UBND tỉnh Nghệ An, nêu rõ: Các hạng mục đã thực hiện, gồm nhà hành chính kiêm biểu diễn và sưu tầm, nghiên cứu bảo tồn, lưu giữ di sản dân ca; cấp điện và chiếu sáng ngoài trời; hệ thống cấp điện, đường dây và trạm biến áp; hệ thống PCCC. Các hạng mục chưa được thực hiện: Khối không gian ngoài trời (hồ nước, nhà diễn xướng số 01- 02-03; Cổng tam quan). Các hạng mục phụ trợ (nhà bảo vệ, nhà trạm biến áp; san nền; cấp thoát nước; cổng và hàng rào, sân đường nội bộ). Trang thiết thị làm việc và chuyên dùng (hệ thống âm thanh, ánh sáng, máy chiếu, thiết bị sân khấu, thiết bị biểu diễn nghệ thuật, ghế ngồi của khán giả, bàn ghế làm việc, tủ…).

Công văn còn này đề cập tới những khó khăn về nguồn vốn của dự án chỉ đủ để thực hiện các hạng mục: Nhà biểu diễn kiêm nhà hành chính; hệ thống cấp điện và chiếu sáng ngoài trời; đường dây và trạm biến áp; hệ thống PCCC. Còn các hạng mục như khối không gian ngoài trời; bộ phận phụ trợ; thiết bị làm việc và chuyên dùng chưa thực hiện được vì thiếu nguồn vốn và vượt tổng mức đầu tư. Vượt tổng mức đầu tư đồng nghĩa với việc dự án bị “đội” giá. Trong Tờ trình số 1925 của Sở VHTT Nghệ An gửi UBND tỉnh, Sở KH&ĐT, Sở Tài chính, ngày 29.6.2023, nói rõ nội dung “đội” vốn này: “Khi triển khai thi công công trình đã xảy một số trường hợp bất khả kháng, không thể thực hiện theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt nên dẫn đến phát sinh khối lượng ngoài hợp đồng. Cụ thể: Khi tiến hành ép cọc bê tông cốt thép đại trà gặp phải cấu tạo địa chất có lớp đất cát bão hoà nước. Tổng chiều dày hai lớp khoảng 9,5m nên phải sử dụng biệp pháp khoan dẫn nước để ép cọc”…

Sự “đội” vốn kiểu này là một trong hai nguyên nhân khiến dự án đang “đắp chiếu”, hư hỏng xuống cấp đến xót xa; gây lãng phí nguồn đầu tư khi không phát huy được giá trị của công trình giàu ý nghĩa về văn hóa. Trên thực tế này, năm 2023 Sở VHTT Nghệ An đã hai lần kiến nghị và đề xuất, trình UBND tỉnh về sự cần thiết phải điều chỉnh chủ trương đầu tư. Lý do, dự án do UBND phê duyệt ngày 28.10.2015 có hạng mục về quy mô đầu tư của dự án. Tuy nhiên, tại quyết định số 68/QĐ- HĐND ngày 26.10.2013 của HĐND tỉnh về việc cho phép thành lập dự án đầu tư trung tâm này không có nội dung về quy mô đầu tư dự án. Kiến nghị của Sở VHTT Nghệ An còn nêu việc cần bổ sung một số hạng mục khác để hoàn thành dự án đồng bộ nhằm phát huy hiệu quả sử dụng dự án. Đây là hai lý do để thấy việc bổ sung nội dung quy mô đầu tư trong chủ trương đầu tư dự án là cần thiết lúc này. Để đáp ứng chủ trương quy mô đầu tư được Sở VHTT trình UBND tỉnh để xem xét, cho chủ trương bán cơ sở nhà đất tại số 74 đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Vinh, 1.252,9m2 (cơ sở cũ của Sở VHTT Nghệ An) và cơ sở nhà đất của Trung tâm nghệ thuật truyền thống tại số 53 đường Duy Tân, TP Vinh để tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 của dự án.

“Giải cứu” được không? - ảnh 2
... và nhà biểu diễn nghệ thuật Ví, Giặm không còn trơ trọi như thế này

“Giải cứu”…

Theo ông Đặng Thanh Tùng, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của UBND tỉnh Nghệ an, tại hội nghị tiếp xúc cử tri tại TP Vinh, năm 2023, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý đã nghe một số phản ánh của cử tri về dự án dang dở này. Các cử tri đều nóng lòng trước một công trình văn hóa đặc sắc của tỉnh nhà bị bỏ hoang. Họ mong tỉnh có biện pháp xử lý để đưa công trình vào sử dụng càng sớm càng tốt. Ngay sau đó, Bí thư Tỉnh ủy đã có một số chỉ đạo “nóng” đối với các cơ quan chức năng để họ vào cuộc, xem xét hướng xử lý.

Từ những công văn, tờ trình của Sở VHTT Nghệ An, ngày 17.6.2024, Sở Tài chính Nghệ An có công văn số 2408/STC-NST gửi UBND tỉnh. Ý kiến của Sở Tài chính cho hay, phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất cũ của Sở VHTT và Trung tâm nghệ thuật truyền thống đã được UBND tỉnh phê duyệt phương án thu hồi và giao hai đơn vị này lập hồ sơ thu hồi theo quy định để trình cấp có thẩm quyền quyết định. Tiếp đó, căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất được duyệt, Sở Tài chính sẽ tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý đúng quy định. Sở Tài chính cũng đề nghị Sở VHTT rà soát lại các hạng mục cần thiết và khái toán tổng mức đầu tư, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình cấp có thẩm quyền. Trong lúc đó, Sở VHTT cho biết, tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 121 tỉ đồng (giai đoạn 1 là 69 tỉ đồng; giai đoạn 2 là 52 tỉ đồng).

Nhận xét về những khởi động “giải cứu” này, ông Tùng nói: “UBND tỉnh sẽ giao Sở KH&ĐT chủ trì bàn thảo, tổng hợp ý kiến của các Sở Xây dựng, Tài chính, VHTT, kể cả Sở TN&MT trước khi cấp số tiền cho giai đoạn 2. Thậm chí, cơ quan chuyên môn sẽ xem xét những giải trình đối với một số hạng mục phát sinh gây “đội” vốn của dự án (nếu cần thiết). Chủ trương nhất quán của UBND tỉnh là sẽ cấp thêm tiền cho giai đoạn 2 theo đúng quy định, quy trình để “Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ-Tĩnh” đi vào hoạt động nhằm phát huy di sản tiềm năng với ý nghĩa đang lan tỏa của dân ca Ví, Giặm Nghệ-Tĩnh không chỉ ở trong nước”. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc