Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ - Tĩnh:

Xót xa khi xây rồi bỏ đó

VŨ TOÀN

VHO - Một cảnh tượng hết sức hoang hoại đang diễn ra tại Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ-Tĩnh (số 77, đường Nguyễn Du, TP Vinh, Nghệ An). Toàn bộ mặt sân chìm lút dưới cơ man cỏ dại.

 Và gì nữa, là những tấm trần, góc tường bong tróc; gạch nhuộm nước mưa lộ màu vàng úa; nước mưa gần ngập cả ô dàn nhạc trước sân khấu… Thật xót xa!

Xót xa khi xây rồi bỏ đó - ảnh 1

Phía trước tòa nhà Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ - Tĩnh

Sững người vì một dự án… dân ca

“Dự án… dân ca” ở đây mang hai ý nghĩa thực tế. Đó là dự án xây dựng để làm nơi bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới dân ca Ví, Giặm của tỉnh Nghệ An. Đó còn là dự án khiến người dân kêu ca, đến mức họ trực tiếp phản ánh đến cả Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An khi ông dự hội nghị tiếp xúc cử tri tại TP Vinh, năm 2023.

Còn chúng tôi cảm thấy sững sờ trước một khung cảnh không dễ tin vào mắt mình khi dự án “Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ-Tĩnh” thi công năm 2017, hoàn thành năm 2021, tổng vốn đầu tư 69 tỉ đồng (Trung ương 31,9 tỉ đồng, UBND tỉnh Nghệ An 37,1 tỉ đồng), nhưng đến nay tìm mãi không thấy cổng vào. Phía bên phải tòa nhà trung tâm 5 tầng là bờ tường căng dây “treo” tấm bạt, tấm băng rôn quảng cáo xiêu vẹo. Phía bên trái là một nhà hàng bán bia tạm bợ. Ngay lối vào trung tâm, một thanh niên đang đứng quay một chú heo trên lò than rực nóng để phục vụ buổi bia chiều.

Chúng tôi bước trên lối mòn cát bụi, hai bên cỏ ngập lút, ngập cả vùng sân phía trước và hai bên tòa nhà trung tâm. Ông bảo vệ đang nằm trên chiếc võng ngay trước cửa tòa nhà thấy người vào liền ngồi dậy hỏi han tên tuổi, công việc của chúng tôi. Vẻ mặt ông không chút hứng khởi. Ông cho biết tên là Nguyễn Anh Tuấn, nhân viên bảo vệ thuộc Công ty vệ sĩ Bảo An được Sở VHTT Nghệ An thuê. Cùng với ông còn có một bảo vệ nữa. Hai người luân phiên ca ngày, ca đêm. Ông Tuấn cho hay, công việc của ông không có gì nặng nhọc, chỉ “mở cửa ngồi trông ra, ngăn ngừa người vào phá phách chứ ở đây có hoạt động chi mô”. Ông còn bảo, công việc ở đây là “ăn rồi ngồi thế này thôi, không có ai mà nói chuyện nên cũng buồn”. Phía sau lưng ông là cửa vào nhà biểu diễn, cánh mở, cánh đóng. Chúng tôi nhìn vệt rêu xanh kéo dài phía dưới chân bức tường bên phải khung cửa rồi bước sang khu vực cánh gà bên trái. Phía cuối cánh gà là căn phòng có cánh cửa kính treo một vòng khóa dây bên ngoài.

Trong phòng bừa bộn vật liệu, ổ điện và những đèn chiếu sáng dùng để lắp trên trần nhà, đang thi công dở. Bên trong nhà biểu diễn, một số tấm lợp trần hở hoác. Ô giàn nhạc phía trước sân khấu chứa nước mưa gần tràn. Gỗ dán chân tường hai phía ô này bị rụng xuống do ngấm nước mưa. Những hàng gạch xung quanh khu vực này ố vàng và bụi bám loang lổ. Đứng trước cửa nhà biểu diễn nhìn ra hai bên, nơi xuất hiện hồ nước và nhà diễn xướng 01, 02, 03 thuộc khối không gian ngoài trời có trong dự án nhưng tất cả chỉ thấy cỏ và cỏ mọc tốt lút. Chúng tôi thêm một lần sững sờ bởi Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ-Tĩnh lại là nơi đang “phô diễn” những cảnh trí hoang hoại như thế này sao?

Xót xa khi xây rồi bỏ đó - ảnh 2

 Phía trước sân khấu biểu diễn đang xuống cấp

Câu trả lời đầu tiên

Chúng tôi đi tìm câu trả lời đầu tiên bằng cuộc gặp với một người trong cuộc. Ông là nhạc sĩ Trần Quốc Chung, Bí thư Đảng bộ bộ phận, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm nghệ thuật truyền thống Nghệ An (sau khi dự án hoàn thành, đi vào hoạt động thì hai cơ sở Trung tâm bảo tồn phát huy di sản dân ca xứ Nghệ và Đoàn ca múa nhạc Dân tộc hợp nhất lại thành Trung tâm nghệ thuật truyền thống).

 Trước thực trạng dang dở của dự án, tôi vẫn hy vọng đơn vị sớm được đầu tư tiếp để giai đoạn hai của dự án tiếp tục hoàn thiện nhằm giúp anh em diễn viên, nghệ sĩ biểu diễn phát huy vẻ đẹp và lưu giữ di sản dân ca Ví, Giặm, một báu vật nghệ thuật không dễ gì còn được lưu lại như chúng ta từng biết, từng mong muốn.

(Nhạc sĩ TRẦN QUỐC CHUNG, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm nghệ thuật truyền thống Nghệ An)

Theo ông Chung, tiền thân của Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ-Tĩnh là rạp hát Bến Thuỷ của Đoàn cải lương Bông Sen Trắng. Trải qua bao biến cố chiến tranh và thời gian đã khiến rạp hát Bến Thuỷ xuống cấp, hư hại và hoang tàn. Trước năm 2012, nhiều diễn viên, nghệ sĩ của Nhà hát Dân ca Nghệ An đã sống cảnh đời tạm bợ trong những túp nhà tạm khoảng 30m2 xung quanh rạp hát Bến Thuỷ. Năm 2016, thấu hiểu cảnh đời nghệ sĩ như thế này, UBND tỉnh đã bố trí nơi ở cho hơn 10 gia đình diễn viên, nghệ sĩ tại khu chung cư Glory tại phường Trường Thi, TP Vinh và một số nơi khác. Vậy là những ô đất ở tạm một thời cơ cực đó, nay biến thành những vạt cỏ dại đến bây giờ. Nhắc lại những ký ức buồn này với hiện trạng khó ngờ sau khi dự án xây dựng mới Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ-Tĩnh kết thúc, chúng tôi muốn biết cảm nghĩ của ông Chung.

Ông Chung nói: “Là người làm công tác nghệ thuật, tôi rất cảm kích khi UBND tỉnh và Sở VHTT triển khai dự án xây dựng mới trung tâm này. Bởi đây là nơi tổ chức biểu diễn dân ca Ví, Giặm, một thể loại nghệ thuật đặc biệt được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia (2012) và được UNESCO vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 11.2014. Nếu dự án thành công thì đây là nơi tổ chức cho các diễn viên, nghệ sĩ của Đoàn Dân ca xứ Nghệ và Đoàn ca múa nhạc Dân tộc biểu diễn cả sân khấu bên trong tòa nhà và nhà diễn xướng ngoài trời. Trung tâm còn có chức năng là nơi làm việc của hai đoàn nghệ thuật nêu trên cùng với Phòng nghiên cứu, sưu tầm và Phòng hành chính của trung tâm. Ngoài ra, đây còn là nơi chúng tôi tổ chức tập luyện các chương trình nghệ thuật thú vị khác”. Nói đoạn, ông Chung trầm ngâm: “Trước thực trạng dang dở của dự án, tôi vẫn hy vọng đơn vị sớm được đầu tư tiếp để giai đoạn hai của dự án tiếp tục hoàn thiện nhằm giúp anh em diễn viên, nghệ sĩ biểu diễn phát huy vẻ đẹp và lưu giữ di sản dân ca Ví, Giặm, một báu vật nghệ thuật không dễ gì còn được lưu lại như chúng ta từng biết, từng mong muốn”.