Nữ đạo diễn Greta Gerwig tiết lộ câu chuyện mẹ con đầy cảm động trong "Lady Bird: Tuổi nổi loạn"
VH- Những ngày gần đây, Lady Bird: Tuổi nổi loạn (Tựa gốc: Lady bird) nổi lên như một làn gió mới, chiếm trọn tình cảm của cả giới phê bình lẫn những người yêu phim.
Với Lady Bird: Tuổi nổi loạn, Greta Gerwig được xem là một trong những ứng viên sáng giá cho tượng vàng Oscar 2018
Cho đến tháng 02 năm 2018, bộ phim không chỉ xuất sắc giành cú đúp ở 2 hạng mục quan trọng của thể loại hài hước/ ca vũ nhạc là Phim điện ảnh xuất sắc nhất và Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất – Saoirse Ronan tại lễ trao giải Quả Cầu Vàng, mà còn “chễm chệ” lọt Top 25 những bộ phim hay nhất mọi thời đại trên chuyên trang phê bình Rotten Tomatoes.
Bên cạnh những khen ngợi về diễn xuất của hai nữ diễn viên Saoirse Ronan và Laurie Metcalf, sự chỉ đạo xuất sắc của Greta Gerwig cũng là một trong những yếu tố chính làm nên thành công của bộ phim. Là một nữ nghệ sĩ đa năng của dòng phim độc lập, với khả năng biên kịch và diễn xuất được đánh giá cao, nhưng phải mãi tới Lady Bird: Tuổi nổi loạn Greta Gerwig mới sở hữu bộ phim đầu tay với vai trò đạo diễn. Không chỉ đem đến những giây phút lắng đọng sâu sắc, Lady Bird: Tuổi nổi loạn được ví như một tác phẩm về nữ quyền khi tác phẩm được làm ra bởi một người phụ nữ, kể câu chuyện của một cô gái trẻ và nổi bật lên tình cảm giữa người mẹ và cô con gái, thứ tình cảm thiêng liêng và đầy xao xuyến.
“Sacramento là nơi tôi lớn lên và tôi yêu thành phố này. Vì thế, động lực đầu tiên để tôi thực hiện bộ phim này chính là viết một bức tình thư gửi tặng cho mảnh đất mà mãi tới khi rời đi tôi mới nhận ra nó quan trọng với bản thân như thế nào.”, Greta Gerwig hồi tưởng.
Nhìn một cách tổng thể, Lady Bird: Tuổi nổi loạn có thể được ví như một bộ phim bán tự truyện của Greta Gerwig bởi nữ đạo diễn trẻ đã dùng nguồn cảm hứng từ chính cuộc đời mình để viết nên câu chuyện tuổi 17 của Christine McPherson (Saoirse Ronan). Toàn bộ phim là một bức tranh về cuộc sống với những biến động trong tâm lý của cô gái trẻ sống ở vùng ngoại ô Sacramento vào cuối thế kỷ 21. Điểm đặc biệt là câu chuyện của cô nữ sinh Christine McPherson có rất nhiều điểm tương đồng với thời niên thiếu của nữ đạo diễn 34 tuổi này.
Tình mẫu tử giữa Lady Bird và bà mẹ y tá Marion trong phim hiện lên rất tự nhiên, gần gũi, và không bị giáo điều.
Greta Gerwig sinh ra tại Sacramento, California và mang trong mình ba dòng máu là Đức, Ailen, và Anh. Gerwig được nuôi dạy như là một người theo Thần giáo tự nhiên (Unitarian Universalist), cô cũng từng theo học tại một trường học Công giáo với phần lớn là nữ sinh. Với sở thích khiêu vũ sớm, cô đã định học văn bằng nhạc kịch tại New York. Cô tốt nghiệp trường Barnard College ở New York, nơi mà cô đã học tiếng Anh và triết học. Ban đầu dự định trở thành một nhà viết kịch, nhưng sau khi gặp đạo diễn trẻ Joe Swanberg, cô đã vụt sáng từ một bộ phim độc lập.
Chân thành và sâu lắng, đó chính là cách Greta Gerwig đưa câu chuyện đời mình vào thẳng trái tim của khán giả thông qua cô nàng ngổ ngáo Lady Bird tới từ vùng đất Sacramento.
Ý tưởng khơi nguồn cho bộ phim của Greta Gerwig còn bắt nguồn từ quyết định viết một cái gì đó đơn giản và cá nhân. Tình cảm giữa mẹ và con gái chính là “câu chuyện tình yêu” của Lady Bird: Tuổi nổi loạn. Nữ đạo diễn trẻ cho rằng: “Hầu hết mọi cô gái mà tôi biết đều có một mối quan hệ cực kỳ phức tạp với mẹ của mình trong những năm tháng trưởng thành, và tôi mong muốn có thể làm ra một bộ phim để phản ánh điều đó với những khoảnh khắc mà người xem có thể cảm thấy đồng cảm với cả hai nhân vật trong cuộc tranh luận. Tôi không muốn phán xét một trong hai người ai đúng, ai sai. Tôi chỉ muốn phản ánh được sự đau đớn của cả hai người khi không thể tiến lại gần nhau hơn, dù rằng họ thực sự rất yêu thương và quan tâm tới nhau. Đối với tôi, đó mới chính là câu chuyện tình yêu xúc động nhất. Tình cảm giữa mẹ và con gái luôn là một trong những thứ tình cảm sâu sắc nhất”.
Poster chính thức của bộ phim
Chính vì lẽ đó, bản thảo đầu tiên có độ dài lên đến 350 trang của bộ phim được đặt tên Mothers and Daughters (Tạm dịch: Mẹ và con gái). Mất 2 năm để Greta Gerwig “cắt tỉa” bản thảo xuống còn 200 trang và đổi tên thành Lady Bird: Tuổi nổi loạn. Cô từng chia sẻ rằng: “Viết lách chiếm rất nhiều thời gian của tôi. Tôi thực sự không biết nó sẽ kéo dài trong bao lâu, có thể là nhiều năm. Tôi thường có xu hướng viết rất nhiều, rất nhiều rồi mới gọt giũa, cắt xén dần để tìm ra những gì tinh tuý nhất.”
Từng viết rất nhiều kịch bản trước đó, nhưng lần này, Greta Gerwig và Lady Bird: Tuổi nổi loạn tìm đến nhau như một mối duyên khi cô quyết định đây sẽ là bộ phim đầu tiên mà mình đạo diễn: “Sau khi hoàn tất kịch bản này, tôi biết rằng mình sẽ đảm nhận cương vị đạo diễn của bộ phim. Và tôi cũng biết rằng đó là điều mà tôi đã dự định ngay từ lúc bắt đầu những câu chữ đầu tiên, chỉ là tôi cố gắng không nghĩ quá nhiều về điều đó để bản thân không cảm thấy quá áp lực”.
Và cũng chính bởi những câu chuyện gần gũi, nhẹ nhàng mà sâu sắc, Lady Bird: Tuổi nổi loạn cứ thế chiếm trọn trái tim người hâm mộ. Bộ phim khiến mỗi chúng ta như thấy chính mình trong đó với những ngây thơ tuổi học trò, những thay đổi tâm lý ương ngạnh tuổi mới lớn, những hành động ngây dại, những bài học đắt giá mà phải qua rất nhiều trải nghiệm ta mới nhận ra được điều đó. Viết nên kịch bản, làm ra bộ phim nhưng chính Greta Gerwig cũng cảm thấy bồi hồi, suy ngẫm đặc biệt là về tình cảm gia đình khi xem nó: “Họ đã gợi nhắc cho tôi về cha mẹ của mình – những người sẵn sàng mở rộng cánh cửa để đón chào bất cứ người nào cần giúp đỡ. Điều đó khiến tôi thực sự xúc động. Họ dạy tôi rằng không phải chỉ có gen mới là thứ tạo nên một gia đình, chính tình yêu đã làm nên điều đó, và tôi cần phải chia sẻ với mọi người tất cả những gì mình có thể theo cách của mình.”
(P.V)