Một "LHP thu nhỏ" trong chương trình “Điện ảnh với Phú Yên”

VHO- Trong ba ngày 15-17.11.2023 tại TP. Tuy Hòa tỉnh Phú Yên đã diễn ra chương trình “Điện ảnh với Phú Yên” do UBND tỉnh Phú Yên và Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) phối hợp tổ chức.

Một

TS. Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam phát biểu tại chương trình "Điện ảnh với Phú Yên"

 Với quy mô và nội dung như một “LHP thu nhỏ”, “Điện ảnh với Phú Yên” diễn ra với đầy ắp hoạt động và sự kiện cuốn hút, có ý nghĩa rất thiết thực đối với sự phát triển ngành công nghiệp điện ảnh trong mối gắn kết với phát triển du lịch và các ngành kinh tế - xã hội.
Chuỗi sự kiện diễn ra liên tục và cuốn hút gồm các hoạt động điện ảnh nổi bật như: Hội thảo quốc tế “Bộ chỉ số môi trường làm phim gắn với phát triển kinh tế, xã hội từ thực tế tỉnh Phú Yên”; Gala “Đến với Phú Yên, trường quay lớn”;  trình chiếu 11 bộ phim tại rạp và chiếu phim lưu động; giao lưu với các nghệ sĩ, diễn viên, nhà làm phim; triển lãm ảnh “Bối cảnh quay phim độc đáo của Phú Yên”; tham quan các điểm đến nổi tiếng và bối cảnh quay phim kỳ thú tại Phú Yên.

Một

Hai diễn viên phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh trở lại bãi Xép 

Trên 100 nghệ sĩ và các nhà làm phim trong nước, quốc tế đã đến dự chương trình. Nhiều diễn viên, nghệ sĩ và nhà làm phim tên tuổi góp mặt tại Phú Yên để tham gia chương trình điện ảnh lớn này như NSƯT Thanh Quý, NSND Lan Hương “Em bé Hà Nội”, NSƯT- đạo diễn Đặng Tất Bình, NSND Lan Hương “mẹ chồng quốc dân”, NSƯT Đỗ Kỷ, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, các đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, Phan Đăng Di, Phan Gia Nhật Linh, Đinh Tuấn Vũ, Namcito và Bảo Nhân, Aaron Toronto, Trần Bửu Lộc; các nhà sản xuất Nguyễn Trinh Hoan, Trần Thị Bích Ngọc; các diễn viên được yêu mến Huỳnh Kiến An, Đỗ Thúy Hằng, Avin Lu, Lâm Thanh Mỹ, Trọng Khang, Ngọc Xuân, Nhật Hoàng, Lan Thy...
Đặc biệt, chương trình có sự tham gia của các chuyên gia, nhà sản xuất phim quốc tế có tiếng: chuyên gia Hollywood Ming Pan - đồng sáng lập Mixel Media; ông Rahul Sudesh Bali- đại diện đoàn làm phim Ấn Độ, Giám đốc điều hành của Innovations India, phụ trách LHP Ấn Độ trên thế giới (IFFW); ông Rahat Shah Kazmi, đạo diễn đạt nhiều giải quốc tế được biết đến qua các bộ phim như "Lihaaf", "Đất nước của người mù"; ông Jared Dougherty, Cố vấn Chiến lược và Chính sách Kinh tế số sáng tạo.

Một

Gala "Điện ảnh với Phú Yên"

Khán giả Phú Yên đặc biệt yêu điện ảnh, mỗi buổi chiếu phim là một lần bùng nổ tại rạp CGV Tuy Hòa bởi hàng dài khán giả đợi vào xem. Rạp luôn không còn một chỗ trống, hào hứng từ lúc được “gặp” đoàn làm phim cho đến phút cuối phim. Từ khóa “điện ảnh” đã trở nên “hot” trên nhiều diễn đàn online tại Phú Yên.
Tại Hội thảo quốc tế “Bộ chỉ số môi trường làm phim gắn với phát triển kinh tế, xã hội từ thực tế tỉnh Phú Yên”, lần đầu tiên tại Việt Nam Bộ chỉ số thu hút đoàn làm phim - PAI (Production Attraction Index) do Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam xây dựng được công bố và nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng mạnh mẽ của các địa phương, chuyên gia điện ảnh và các nhà làm phim. PAI đánh giá sự quan tâm của các tỉnh, thành phố trong việc đón đoàn làm phim, từ đó nâng cao sức hấp dẫn của từng địa phương theo 5 tiêu chí là: Hỗ trợ tài chính; Hỗ trợ thông tin; Hỗ trợ thực địa; Hỗ trợ thủ tục pháp lý và Hạ tầng sẵn có của địa phương.

Một

Ra mắt bộ chỉ số PAI 

Trên cơ sở địa phương tự đánh giá theo tiêu chí PAI, Phú Yên đang đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số thu hút đoàn làm phim. 9 tỉnh thành trong cả nước là Tuyên Quang, Khánh Hòa, Nam Định, Đà Nẵng, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Ninh Bình, Bắc Cạn và Cần Thơ  cũng đã tham gia giới thiệu và tự đánh giá mức độ sẵn sàng đón các dự án phim đến địa phương mình. Đây chính là lời mời đáng giá nhất của mỗi địa phương gửi đến các nhà làm phim, các hãng phim Việt Nam và quốc tế, cuốn hút họ chọn quay phim tại các vùng đất tươi đẹp, hấp dẫn trên đất nước Việt Nam.
Sự kiện nổi bật là Gala “Đến với Phú Yên, trường quay lớn” truyền hình trực tiếp trên VTV8, VTV9. Khán giả đã thích thú lắng nghe câu chuyện, cảm xúc của NSƯT Thanh Quý; NSND Lan Hương (Em bé Hà Nội), nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, các diễn viên trẻ Lâm Thanh Mỹ, Trọng Khang trong phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh khi trở lại với Phú Yên. Những ấn tượng khó phai với mảnh đất có nhiều cảnh đẹp hoang sơ, hùng vĩ được chia sẻ; sự đa dạng về địa hình, cảnh quan thiên nhiên như núi rừng, cao nguyên, đồng bằng, biển đảo, sông, hồ, đầm, vịnh ở Phú Yên đã tạo nên hệ sinh thái phong phú với những nét đặc trưng độc đáo.

Một

Chương trình Hội thảo quốc tế

Điện ảnh góp phần không nhỏ trong việc quảng bá về hình ảnh của các vùng đất, giá trị văn hóa, di sản đến với công chúng và thu hút khách du lịch. Theo Giám đốc Sở VHTTDL Phú Yên Nguyễn Thị Hồng Thái, lượng du khách đến với Phú Yên tăng mạnh (từ 750.000 lượt khách năm 2014 tăng lên 1,8 triệu lượt khách năm 2019, thu 2000 tỉ đồng), gấp 2,5 lần so với trước khi Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh ra đời. Điều đó cho thấy sự tác động mạnh mẽ của điện ảnh đối với du lịch.
Nhà sản xuất Trinh Hoan, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ qua câu chuyện về hành trình sản xuất các bộ phim chất lượng được chọn chiếu trong chương trình đã cho thấy sức mạnh của điện ảnh trong việc quảng bá hình các vùng đất và thu hút khách du lịch. Đặc biệt, thông tin bộ phim “Ngày xưa có một chuyện tình” chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chuẩn bị quay tại tỉnh Phú Yên tháng 12.2023, dự kiến ra rạp năm 202 khiến khán giả rất quan tâm, mong đợi.

Một

Diễn viên, NSND Lan Hương giao lưu trong Gala 

Dịp này, website vietnamfilmproduction.vn của Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, do Công ty Luật quốc tế Baker and Mckenzie Việt Nam phối hợp xây dựng đã chính thức ra mắt. Qua đó, lần đầu tiên “hệ sinh thái” làm phim ở Việt Nam được giới thiệu bài bản để các nhà làm phim, hãng phim quốc tế và Việt Nam tìm được tiếng nói chung, tiến đến các dự án hợp tác làm phim hiệu quả.
Trên 30 bức ảnh ấn tượng về các điểm bối cảnh quay phim độc đáo của Phú Yên đã được triển lãm giới thiệu tới các đạo diễn, biên kịch và nhà sản xuất. Chùm ảnh trưng bày cho người thưởng thức thấy rõ phong cảnh Phú Yên rất dễ đưa lên màn ảnh với đa dạng thể loại, có cả tính thẩm mỹ lẫn tính đời.
Chuyến tham quan các điểm đến hút hồn du khách, các bối cảnh quay phim kỳ thú tại Phú Yên đã ghi dấu và gợi mở cho các nhà làm phim Việt Nam và nước ngoài những cảnh quay của các bộ phim họ đang ấp ủ trong tương lai không xa.

NSND Lan Hương (phim Em bé Hà Nội) chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng khi tham gia chương trình “Điện ảnh với Phú Yên”. Một vùng đất trù phú và yên bình với nhiều bối cảnh đẹp cho các bộ phim. Là một thành viên của đoàn làm phim tôi đã chứng kiến các anh chị em phải thực hiện rất nhiều thủ tục khi tiến hành quay phim tại địa phương. Bộ chỉ số PAI là một sáng kiến, góp phần xúc tiến, thu hút các đoàn làm phim tới địa phương.

Một

Khán giả Phú Yên chờ đón xem những bộ phim điện ảnh được chiếu dịp này

Nhà làm phim Ấn Độ Rahul Sudesh Bali chia sẻ: “Chúng tôi thấy được tiềm năng trở thành một trường quay lớn của Phú Yên cũng như những cam kết hỗ trợ các đoàn làm phim của tỉnh. Tôi đánh giá cao sáng kiến của VFDA trong việc chuẩn bị và đưa ra Bộ chỉ số thu hút đoàn làm phim PAI, thông tin của PAI rất hữu ích giúp hiểu thêm về những ưu đãi, hỗ trợ đoàn quay phim của các tỉnh thành của Việt Nam. Tôi nghĩ các thành phố khác của Việt Nam nên phối hợp với VFDA tham gia PAI và thực hiện những chương trình như ở Phú Yên. Như vậy điện ảnh của Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn”.
Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương kỳ vọng: “Chúng tôi tin rằng thông qua các tác phẩm điện ảnh, không gian thiên nhiên rộng lớn và văn hóa đậm chất Phú Yên sẽ lan tỏa đậm nét hơn, đa sắc màu hơn và vùng đất này sẽ trở thành một phim trường nghệ thuật sống động, để các nghệ sĩ Việt Nam và thế giới thăng hoa cảm xúc bất tận, tạo nên những tác phẩm điện ảnh vượt thời gian”.

Mở rộng cánh cửa thế giới điện ảnh: Giới thiệu Bộ chỉ số thu hút đoàn làm phim (PAI)

Điện ảnh - không chỉ là văn hóa, nghệ thuật mà còn là kinh tế và hội nhập quốc tế. Thế giới điện ảnh có khả năng tuyệt vời, giúp khám phá mọi nơi trên thế giới, đến với mọi nền văn hóa và những câu chuyện khác nhau. Với Việt Nam, một đất nước xinh đẹp với nhiều di sản thiên nhiên, di sản văn hóa, và lịch sử phong phú, ngành công nghiệp điện ảnh mang đến cơ hội đưa Việt Nam đến gần hơn với thế giới và mang thế giới đến gần hơn với Việt Nam. Nhận thấy tiềm năng này, Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam - VFDA đã xây dựng Bộ chỉ số thu hút đoàn làm phim PAI (Production Attraction Index - gọi tắt là PAI), với mong muốn mang các đoàn làm phim trong nước và quốc tế đến giới thiệu và khám phá những vẻ đẹp tiềm ẩn của đất nước, và của mỗi địa phương trong cả nước.

Một

Mục tiêu của PAI

Mục tiêu chính của PAI là đánh giá và nâng cao sức hấp dẫn của các vùng miền khác nhau của Việt Nam đối với hoạt động sản xuất phim. Thông qua PAI, VFDA mong muốn khai phá thế mạnh của ngành điện ảnh Việt Nam và giới thiệu với thế giới về vẻ đẹp cũng như những câu chuyện nằm sâu trong biên giới đất nước. PAI không chỉ là một chỉ số; đó là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa dẫn đến một thế giới đầy tiềm năng điện ảnh.

PAI đóng vai trò là cầu nối giữa chính quyền địa phương và ngành công nghiệp điện ảnh. Bằng cách đưa ra đánh giá dựa trên Bộ chỉ số PAI, chính quyền địa phương gửi lời mời các đoàn sản xuất phim chọn địa điểm Việt Nam làm bối cảnh.

Phương pháp xây dựng PAI - Ngôi sao năm cánh

Bộ chỉ số thu hút đoàn làm phim không chỉ là danh sách các điểm đến. Đây là một công cụ toàn diện cung cấp cách tiếp cận có cấu trúc để đo lường và đánh giá mức độ thân thiện của chính quyền các địa phương với các đoàn làm phim nói riêng và ngành điện ảnh và du lịch nói chung.

PAI được xây dựng trên khuôn khổ nhằm giải quyết các nhu cầu thiết yếu của sản xuất phim, bao gồm năm thành phần chính, những yếu tố này đại diện cho ngôi sao năm cánh dẫn lối các nhà làm phim đến các địa điểm quay phim còn chưa được khám phá:

1.           Hỗ trợ tài chính: Đánh giá sự sẵn có của các khoản tài trợ, trợ cấp và ưu đãi của địa phương cho các nhà làm phim.

2.           Hỗ trợ thông tin: Đo lường nỗ lực quảng bá điểm đến cho các nhà làm phim và ngành công nghiệp điện ảnh.

3.           Hỗ trợ thực địa: Đánh giá những nỗ lực của địa phương trong việc kết nối đoàn làm phim đến các bên liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình quay phim.

4.           Hỗ trợ thủ tục pháp lý: Đánh giá mức độ dễ dàng xin giấy phép và tuân thủ các yêu cầu pháp lý/

5.           Hạ tầng sẵn có: Đánh giá tính sẵn có và chất lượng của các cơ sở và nguồn lực sản xuất phim.

PAI được thiết kế thân thiện với người dùng, giúp chính quyền địa phương tìm hiểu và điều chỉnh các chính sách và hành động của mình phù hợp với nhu cầu và năng lực cụ thể của địa phương trong nỗ lực thu hút các đoàn làm phim một cách hiệu quả nhất, tạo việc làm, thúc đẩy ngành du lịch, và phát triển kinh tế địa phương. Như là một ngôi sao, PAI hướng dẫn các địa phương trở thành điểm đến hấp dẫn cho hoạt động sản xuất phim, và du lịch.

Một khởi đầu đầy hứa hẹn

Năm 2023, năm khởi đầu của chỉ số PAI, đã có 10 địa phương tham gia và chúng ta đang chứng kiến những kết quả ban đầu thú vị. Chính quyền các địa phương này đang nắm lấy cơ hội từ PAI để quảng bá tiềm năng của địa phương như một điểm đến cho các nhà làm phim trong nước và quốc tế.

HÀ THANH

Ý kiến bạn đọc