Để “hành lang” điện ảnh cởi mở hơn...

VHO- Xung quanh “lùm xùm” của bộ phim Đất rừng phương Nam, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã thẳng thắn, việc thưởng thức hay phê phán một tác phẩm điện ảnh cần xuất phát từ thái độ công tâm, khoa học. Từng ngồi “ghế nóng” Hội đồng thẩm định và phân loại phim, cảm nhận đủ mọi hỉ, nộ, ái, ố, lần này, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã không ngần ngại bày tỏ, bà thực sự nể trọng sự cầu thị, lắng nghe của Hội đồng và Cục Điện ảnh trước phản ứng từ một bộ phận công chúng.

Để “hành lang” điện ảnh cởi mở hơn... - Anh 1

 Cảnh trong phim “Đất rừng phương Nam”

 “Điện ảnh càng hội nhập, sự cẩn trọng trong thẩm định, phân loại phim của Hội đồng càng phải tăng lên. Bởi, dù có cởi mở đến mấy thì xã hội nào cũng cần nguyên tắc và rào cản bằng luật định…”, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã lưu ý.

Khó khăn thường trực của “ghế nóng”

Bối cảnh mỗi năm số lượng phim ngày càng gia tăng đã gây áp lực tới Hội đồng (chỉ vỏn vẹn 11 người), nếu mỗi thành viên không “căng mình” thì rất dễ xảy ra sai sót. Từ trải nghiệm thực tế trong thời gian ngồi “ghế nóng”, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã bộc bạch: “Tôi rời ghế Hội đồng thẩm định, phân loại phim đã nhiều năm. Hoàn cảnh của tôi làm việc khi ấy so với hôm nay đã rất khác. Luật Điện ảnh 2022, nhiều Nghị định, Thông tư hướng dẫn ra đời và có tác động lớn đến hoạt động của Hội đồng. Dù không còn là người trong cuộc nhưng tôi cảm nhận được cái nhìn của Hội đồng cởi mở và thông thoáng hơn trước rất nhiều…”.

Thêm một lần áp lực đặt ra từ dư luận và cả một bộ phận giới chuyên môn về vai trò, trách nhiệm trong thẩm định, phân loại của Hội đồng với phim Đất rừng phương Nam, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã dường như quá thấu hiểu: “Khó khăn trong công việc của Hội đồng là luôn thường trực, dù ở bất kỳ giai đoạn nào. Để có hàng trăm phim ra rạp mỗi năm, Hội đồng phải xem ít nhất gấp đôi số phim như thế, phải tinh tường để ngăn chặn những sản phẩm độc hại hoặc vô bổ, thậm chí vi phạm pháp luật Việt Nam hoặc quan hệ bang giao. Điện ảnh càng hội nhập, sự cẩn trọng trong xét duyệt của Hội đồng càng phải tăng lên, vì dù cởi mở đến mấy, xã hội nào cũng có những nguyên tắc và rào cản bằng luật định để giữ gìn sự lành mạnh của sinh hoạt văn hoá xã hội”, nữ biên kịch nhìn nhận.

Chia sẻ trước những áp lực mà Hội đồng đang trải qua, bà Nhã tâm sự: “Ngày trước, tôi đã có lần nói nửa đùa nửa thật rằng, lẽ ra Cục Điện ảnh nên có phần bồi dưỡng độc hại cho các thành viên Hội đồng, vì rất nhiều buổi duyệt, chúng tôi phải xem từ 2 đến 3 phim, toàn phim nhập rất dài, trong đó có nhiều phim kinh dị, bạo lực… Có những đêm sau buổi duyệt, tôi thậm chí không ăn không ngủ được vì bị ức chế thần kinh cao độ”.

Cũng theo nữ biên kịch, mọi tác phẩm nghệ thuật khi được “trình làng” gây xôn xao dư luận đều là tín hiệu tốt, cho thấy tác phẩm “có gì đó để nói”. Đất rừng phương Nam là một ví dụ. Tranh luận nghề nghiệp đối với tác phẩm là hết sức quý giá đối với đội ngũ sáng tạo. Thế nhưng, cách góp ý theo kiểu mạt sát, “chụp mũ” là thái độ cảm thụ nghệ thuật không có thiện tâm, không công bằng, khách quan và không có tinh thần khoa học. Đây cũng là góc nhìn mà nhiều chuyên gia điện ảnh, các nhà quản lý đã chia sẻ cùng Văn Hóa trong câu chuyện nhìn nhận về trách nhiệm của Hội đồng thẩm định, phân loại phim.

Cụ thể, với trường hợp Đất rừng phương Nam, từ góc nhìn nhiều kinh nghiệm của mình, theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, những suy luận từ các chi tiết rất nhỏ đã bị thổi phồng lên, dẫn dụ cộng đồng mạng đến những hiểu biết phiến diện. Thậm chí, có cả những người chưa từng xem phim nhưng cũng “a dua” theo, tạo nên làn sóng phản ứng tiêu cực đối với một tác phẩm nghệ thuật. Việc thưởng thức hay phê phán một bộ phim nói riêng và tác phẩm nghệ thuật nói chung nên xuất phát từ thái độ công tâm. Bạn có thể chê “nó”, nhưng hãy bắt đầu từ sự hiểu biết của người làm khoa học đúng nghĩa.

GS.TS Trần Thanh Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thẩm định và phân loại phim truyện, phim kết hợp nhiều loại hình cũng đã có chia sẻ từ góc nhìn này: “Đồng ý quan điểm rằng, trong các tác phẩm nghệ thuật - một lĩnh vực vô cùng nhạy cảm - không được đánh tráo lịch sử, không được xuyên tạc lịch sử. Khẳng định và tuyên truyền mạnh mẽ quan điểm ấy là cần thiết, nhưng khi đánh giá một sản phẩm nghệ thuật, nên chăng rất cần sự tỉnh táo, thấu đáo, khách quan, công bằng…”.

Chất liệu lịch sử luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận, nhưng đồng thời cũng là chủ đề nhạy cảm và gây tranh cãi, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Với Đất rừng phương Nam, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã không ngần ngại nói rằng, bà đồng ý với thông điệp của Hội đồng và Cục Điện ảnh khi khẳng định đã làm hết trách nhiệm trong thẩm định, phân loại phim. “Tôi nể trọng sự cầu thị của Cục Điện ảnh và Hội đồng khi đã cùng ngồi lại, lắng nghe dư luận và thảo luận trước những ý kiến trái chiều từ một bộ phận công chúng. Mặc dù tôi thấy trong đó có những ý kiến quy chụp, suy luận, lệch sang hướng chính trị hóa những lỗi nhỏ. Nhà sản xuất đã đề xuất chỉnh sửa, tôi nghĩ đó là một hành xử đúng mức…”, theo bà Nhã.

Để “hành lang” điện ảnh cởi mở hơn... - Anh 2

 Cảnh trong phim “Thành phố ngủ gật”

Để có một hành langvừa an toàn, vừa cởi mở

Theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, đã từng có thực tế: Chỉ một chi tiết trong tác phẩm cũng trở thành “thảm họa” cho tác giả, tác phẩm, xuất phát từ những suy luận phi văn nghệ. Nhìn nhận một cách trọn vẹn thì câu chuyện Đất rừng phương Nam không chỉ giới hạn ở một bộ phim, mà rộng ra là quan điểm về cách thức làm phim lịch sử, sáng tạo nghệ thuật và phát triển thị trường nghệ thuật.

Một chuyên gia đầu ngành điện ảnh từng chia sẻ với Văn Hóa, làm phim trong cơ chế thị trường bao giờ cũng là cuộc phiêu lưu. Không có tiền, trong không ít trường hợp, có thể làm thơ, thậm chí thơ rất hay; nhưng không có tiền thì chắc chắn không thể làm điện ảnh. Có phim nhưng không có khán giả thì cũng không thể có nền công nghiệp văn hóa - điện ảnh. Đất rừng phương Nam hội tụ đủ yếu tố của một sản phẩm công nghiệp văn hóa mà điện ảnh Việt Nam hướng tới trong nhiều năm qua.

Đạo diễn Lương Đình Dũng, cha đẻ nhiều tác phẩm điện ảnh như Cha cõng con, 578 Phát đạn của kẻ điên, Thành phố ngủ gật… chia sẻ, bản thân anh có nhiều trải nghiệm để cảm nhận rõ ràng những nỗ lực, cách nhìn cởi mở và đổi mới của Hội đồng thẩm định, phân loại phim trong những năm gần đây. “Tôi thấy Hội đồng đã tạo sự thông thoáng đủ để các nhà làm phim sáng tạo. Thậm chí, việc tạo điều kiện như hiện tại còn cởi mở hơn rất nhiều quốc gia có nền điện ảnh phát triển…”, Lương Đình Dũng nói.

Với bộ phim Thành phố ngủ gật, Lương Đình Dũng trước đó còn “đăng đàn” tuyên bố rằng anh bất ngờ khi phim được Hội đồng thẩm định, phân loại thông qua. “Thành phố ngủ gật thực ra là cuộc chơi của những người yêu thích điện ảnh từ Hàn Quốc, Thái Lan, Lithuania, với kinh phí đầu tư chỉ gần 700 triệu đồng và mục tiêu hướng đến là chiếu 1, 2 buổi cho những người thích phim “lạ”. Bởi thế ngay từ đầu, chúng tôi xác định sáng tạo thoải mái hơn và thậm chí còn đoán chắc rằng phim sẽ “mắc” ở phần thẩm định, kiểm duyệt. Nhưng cuối cùng, Thành phố ngủ gật lại được Cục Điện ảnh cấp phép cho ra rạp, đó là điều khiến tôi ngạc nhiên, trân trọng và cũng cho thấy Hội đồng hiện nay đã có cách nhìn rất thông thoáng, cởi mở, thúc đẩy sự sáng tạo cho các nhà làm phim”, đạo diễn Thành phố ngủ gật bộc bạch.

Ông Dũng nhấn mạnh thêm, ở bất cứ đâu cũng cần cơ chế kiểm soát, bởi phim ảnh là món ăn tinh thần nhưng có thể gây ảnh hưởng rất lớn. “Phê bình phim hiện nay còn yếu, thậm chí như cái “chợ”, nhiều lúc khiến nhà làm phim nản lòng. Thậm chí có những bài viết, phê bình về phim một cách bừa bãi, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho các nhà làm phim. Trong bối cảnh đó, chúng tôi trông chờ sự bảo vệ, tạo điều kiện phát triển từ cơ quan quản lý, các hội chuyên ngành điện ảnh, cùng với đó là sự công tâm, trách nhiệm từ phía Hội đồng”, đạo diễn Lương Đình Dũng bộc bạch.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cũng cho rằng, xã hội càng phát triển, sự hội nhập của điện ảnh Việt Nam càng sâu rộng thì việc các cơ quan quản lý ngành luôn quan tâm, điều chỉnh, nâng cao năng lực của các cấp “gác cửa” là điều tất yếu. Bà Nhã bày tỏ mong muốn, sự sâu sát của các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng đối với điện ảnh sẽ tiếp tục được tăng cường hơn nữa để hoạt động nghề nghiệp của điện ảnh cũng như đơn vị giám sát có được hành lang vừa an toàn hơn, lại vừa cởi mở hơn. 

 Để có hàng trăm phim ra rạp mỗi năm, Hội đồng thẩm định và phân loại phim phải xem ít nhất gấp đôi số phim như thế, phải tinh tường để ngăn chặn những sản phẩm độc hại hoặc vô bổ, thậm chí vi phạm pháp luật Việt Nam hoặc quan hệ bang giao. Điện ảnh càng hội nhập, sự cẩn trọng trong xét duyệt của Hội đồng càng phải tăng lên, vì dù cởi mở đến mấy, xã hội nào cũng có những nguyên tắc và rào cản bằng luật định để giữ gìn sự lành mạnh của sinh hoạt văn hóa xã hội.

(Nhà biên kịch TRỊNH THANH NHÃ)

PHƯƠNG ANH

Ý kiến bạn đọc