Du lịch Tây Nguyên cần hướng đến “Một hành trình – nhiều điểm đến”

VHO - "Các doanh nghiệp TP. HCM sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực du lịch các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng; sẵn sàng hỗ trợ ngành du lịch các tỉnh đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới, đặc sắc, hấp dẫn, nhằm thu hút du khách đến địa phương nhiều hơn”. Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Thị Thắng tại Hội nghị bàn giải pháp phát triển sản phẩm du lịch liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên năm 2022 diễn ra chiều 11.6 tại TP. Kon Tum (tỉnh Kon Tum).

Tham dự hội nghị có Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng; lãnh đạo UBND tỉnh, các Sở VHTTDL của 5 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng) và Sở Du lịch TP. HCM; cùng đại diện các công ty du lịch, lữ hành đến từ TP. HCM và các tỉnh Tây Nguyên.

Du lịch Tây Nguyên cần hướng đến “Một hành trình – nhiều điểm đến” - Anh 1

Quang cảnh hội nghị

Vẫn còn nhiều điểm “nghẽn” trong phát triển du lịch ở Tây Nguyên

Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết: Việc tổ chức chương trình khảo sát, giới thiệu sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Kon Tum và Hội nghị bàn về giải pháp phát triển sản phẩm du lịch, liên kết giữa TP. HCM và các tỉnh Tây Nguyên năm 2022 nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương trong thời gian qua; đồng thời bàn giải pháp thực hiện việc liên kết, hợp tác và phát triển du lịch giữa các địa phương trong thời gian tới.

Du lịch Tây Nguyên cần hướng đến “Một hành trình – nhiều điểm đến” - Anh 2

Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum  Y Ngọc phát biểu tại Hội nghị

“Thông qua hội nghị lần này, các địa phương giới thiệu điểm đến, các sản phẩm, dịch vụ du lịch hấp dẫn, độc đáo, thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch, tạo cơ hội hợp tác, liên kết phát triển, góp phần phục hồi du lịch. Đặc biệt, việc kết nối các doanh nghiệp lữ hành TP.HCM với các điểm đến của tỉnh Kon Tum nhằm xây dựng các chương trình liên kết giữa TP. HCM và tỉnh Kon Tum nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung, qua đó thu hút du khách đến khu vực nhiều hơn trong thời gian tới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, các đại biểu được lãnh đạo Sở Du lịch TP. HCM thông tin, đánh giá về công tác phối hợp giữa TP với các tỉnh Tây Nguyên trong thời gian qua; đồng thời đề xuất nội dung phối hợp trong thời gian tới.

Đại diện các doanh nghiệp lữ hành tại TP.HCM giới thiệu về 2 chương trình du lịch trọng điểm, kết nối TP. HCM và các tỉnh Tây Nguyên; gồm tuyến du lịch Lâm Đồng - Đắk Nông - Đắk Lắk và tuyến du lịch Đắk Lắk - Gia Lai - Kon Tum.

Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) cho rằng: “Hiện nay, liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh Tây Nguyên đang trong giai đoạn phục hồi sau dịch Covid-19. Để việc liên kết phát huy hiệu quả thì TP HCM và các tỉnh Tây Nguyên phải có sản phẩm, thương hiệu chung. Song song đó, mỗi tỉnh Tây Nguyên phải có các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc riêng, tạo điểm nhấn, không trùng lặp với các tỉnh khác. Trong bối cảnh du khách có nhiều sự lựa chọn thì phải lấy bản sắc, cái hiếm có của mình để phát triển, tạo sản phẩm để du khách chọn đến với mình”.

Ông Võ Anh Tài cũng bày tỏ quan điểm, việc cân bằng giữa bảo tồn và phát triển trong du lịch nói chung và với vùng Tây Nguyên nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Phải cân nhắc giữa phát triển du lịch mà vẫn bảo tồn được hệ sinh thái, bảo vệ rừng, không gian văn hóa khu vực. Có như vậy mới thu hút được khách du lịch trong và ngoài nước.

Trong khi đó, bà Trần Thị Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Hồng Ngọc Hà cho hay, hiện các đơn vị làm du lịch thiếu thông tin trầm trọng ở địa phương. Các tỉnh chưa có sản phẩm du lịch rõ ràng theo chủ đề. Trong thời gian tới, các tỉnh Tây Nguyên cần định hướng những sản phẩm theo chuyên đề, kết hợp với các công ty du lịch quảng bá sản phẩm.

Còn ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lữ hành Fiditour, thẳng thắn chỉ rõ việc rất khó khăn tìm nguồn khách để đưa lên Tây Nguyên. Nhiều người chỉ đi Tây Nguyên một lần cho biết chứ không muốn quay lại. Nguyên nhân là do du lịch vùng này thiếu điểm đến hấp dẫn, những yếu tố bản sắc dần mai một trong khi khách du lịch đòi hỏi tính nguyên bản. Bên cạnh đó, do di chuyển nhiều, đường xa làm du khách mệt mỏi.

Ông Trương Hoàng Phương, Giám đốc Công ty Du lịch Exotic Việt Nam thì cho biết, mỗi lần trở lại Tây Nguyên là một lần buồn. Những sản phẩm du lịch của vùng đất này chủ yếu là du lịch khám phá. Tuy nhiên, các sản phẩm có tiếng từ trước nhưng “chết” rất nhanh. Nguyên nhân là không được bảo tồn, bị bê tông hóa, thương mại hóa, khai thác một cách thô thiển. “Giờ tôi muốn thăm một khu tượng nhà mồ thì có không? Đến Đắk Lắk, Đà Lạt muốn thăm bản làng nguyên bản, có không? Không có. Như vậy, khách nước ngoài không bao giờ đến. Đến không có cái gì thì đến làm gì”, ông Phương nêu vấn đề.

Cần hướng đến mục tiêu “Một hành trình – nhiều điểm đến”

Tại Hội nghị, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành ở TP. HCM nêu một số đề xuất đối với các tỉnh Tây Nguyên như: hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông kết nối các điểm du lịch trong tỉnh, liên tỉnh; đầu tư, kêu gọi đầu tư hạ tầng du lịch lưu trú, dịch vụ ăn uống đạt chuẩn để phục vụ du khách; chú trọng đào tạo nhân lực du lịch, nâng cao nhận thức người dân trong hoạt động du lịch cộng đồng… Trong đó, có một số nội dung như phát huy vai trò của Hiệp hội du lịch các địa phương và doanh nghiệp các địa phương để triển khai các hoạt động liên kết hợp tác…

Nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng để du lịch Tây Nguyên phát triển và liên kết với TP.HCM hiệu quả, thời gian tới, các tỉnh cần chung tay bảo tồn những giá trị sẵn có. Bên cạnh đó, xây dựng thêm các sản phẩm du lịch như công viên rừng, công viên chuyên đề, làng du lịch, chợ đêm... cho du khách tham quan, mua sắm sản vật địa phương.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM  Phan Thị Thắng mong muốn sau hội nghị, UBND các tỉnh và Sở VHTTDL các tỉnh tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng phục vụ dịch vụ, nguồn nhân lực để tăng cường liên kết và hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp TP.HCM.

Du lịch Tây Nguyên cần hướng đến “Một hành trình – nhiều điểm đến” - Anh 3

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng mong mốn UBND, Sở VHTTDL các tỉnh tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng phục vụ dịch vụ, nguồn nhân lực để tăng cường liên kết và hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp TP.HCM

“Tại Hội nghị này, các doanh nghiệp của TP.HCM tham gia nhiều ý kiến quý báu trong việc tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương để thu hút khách. Trong thời gian tới, lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh Tây Nguyên cần có nhiều giải pháp để phát triển du lịch, đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của các địa phương. Các doanh nghiệp TP.HCM sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực du lịch các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng; sẵn sàng hỗ trợ ngành du lịch các tỉnh đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới, đặc sắc, hấp dẫn, nhằm thu hút du khách đến địa phương nhiều hơn”, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM khẳng định.

Du lịch Tây Nguyên cần hướng đến “Một hành trình – nhiều điểm đến” - Anh 4

Giám đốc Sở VHTTDL Kon Tum Nguyễn Văn Bình (trái) tặng quà lưu niệm cho Sở VHTTDL các tỉnh

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM bày tỏ mong muốn lãnh đạo các tỉnh cần có những chính sách, thông tin quy hoạch rõ ràng, nhu cầu đầu tư, danh mục kêu gọi để các doanh nghiệp TP.HCM có điều kiện tiếp cận, cùng chung tay xây dựng các sản phảm du lịch, vừa đáp ứng nhu cầu của du khách, vừa phù hợp với đặc trưng của Tây Nguyên, mang tính chất bảo tồn bản sắc văn hóa.

Du lịch Tây Nguyên cần hướng đến “Một hành trình – nhiều điểm đến” - Anh 5

Lãnh đạo TP.HCM và lãnh đạo tỉnh Kon Tum chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu dự Hội nghị

Sau Hội nghị, đại diện 5 tỉnh Tây Nguyên và TP.HCM thống nhất hợp tác phát triển du lịch tập trung vào 4 nội dung quan trọng. Thứ nhất, phối hợp triển khai các nội dung nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch thông qua các chương trình trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về quản trị các tình huống trong quản lý du lịch; thứ hai, tăng cường các hoạt động liên kết giữa các địa phương và hoạt động liên kết vùng để tạo nên các sản phẩm, chính sách chung nhằm tạo ra những sản phẩm phù hợp cho khách du lịch để trải nghiệm “Một hành trình - nhiều điểm đến”; thứ ba, phối hợp chặt chẽ trong công tác truyền thông việc tái khởi động ngành du lịch với thông điệp “Du lịch an toàn”, “An toàn trong từng trải nghiệm”, ăng cường công tác quảng bá du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng; thứ tư, tổ chức lớp chuyên đề “Quản trị rủi ro và các giải pháp khắc phục rủi ro trong du lịch” nhằm nâng cao nhận thức và định hướng phát triển du lịch cho đội ngũ cán bộ ngành và doanh nghiệp tại các tỉnh Tây Nguyên...

NGỌC HÒA

Ý kiến bạn đọc