Đền Hát Môn được công nhận là điểm du lịch của Hà Nội

HUY ANH

VHO - UBND thành phố Hà Nội vừa có quyết định công nhận điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt đền Hát Môn (thuộc xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội).

Đền Hát Môn được công nhận là điểm du lịch của Hà Nội - ảnh 1
Di tích quốc gia đặc biệt đền Hát Môn

UBND thành phố giao UBND xã Hát Môn có trách nhiệm tổ chức quản lý, khai thác, phát triển điểm du lịch theo đúng quy định của Luật Du lịch và các văn bản pháp luật liên quan.

Các sở, ngành VHTTDL, NT&PTNT, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, GTVT, KH&ĐT, TT&TT, Công an thành phố, UBND huyện Phúc Thọ, UBND xã Hát Môn có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức quản lý, khai thác và đầu tư xây dựng điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt đền Hát Môn theo đúng quy định của pháp luật và thành phố, đảm bảo phát triển bền vững, hiệu quả.

  Theo khảo sát, đánh giá, thẩm định của Sở Du lịch Hà Nội, đền Hát Môn là điểm du lịch có tài nguyên du lịch văn hóa được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, khẳng định giá trị lịch sử, tín ngưỡng tiêu biểu của quần thể di tích này tại Thủ đô. Đền Hát Môn là một trong những điểm tham quan nổi tiếng ở Hà Nội cả về văn hóa lịch sử và nghệ thuật kiến trúc.

Đến đền Hát Môn, du khách được tìm hiểu về ý nghĩa lịch sử của di tích, lai lịch Hai Bà Trưng - vị vua nữ đầu tiên trong lịch sử dân tộc đã đứng lên chống lại ách áp bức, bóc lột của nhà Đông Hán, được tìm hiểu các điển tích về Hai Bà Trưng cũng như cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Du khách được tìm hiểu các điển tích về Hai Bà Trưng thông qua các hạng mục di tích như: Nhà Ngự dội, quán Tiên, Đàn thề đá, cổng Tam quan, đền chính (nhà Đại bái, Thiêu hương, Hậu cung), gò Giấu ấn, sông Hát... Trong khuôn viên của di tích còn có nhà tưởng niệm bà Nguyễn Thị Định được xây dựng theo nguyện vọng của phụ nữ cả nước, đặc biệt là tâm nguyện của nhân dân Hát Môn làm nơi thờ cúng, tưởng nhớ vị nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, người phụ nữ tiêu biểu cho phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới.

Ngoài ra, khách du lịch còn được tìm hiểu về Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội truyền thống đền Hát Môn (vào các ngày 6.3, 4.9, 24 tháng Chạp hằng năm). Tại đền Hát Môn còn có hoạt động trải nghiệm, tham gia và nghe biểu diễn nghệ thuật truyền thống dân gian hát Trống quân của Câu lạc bộ Hát trống quân xã Hát Môn.

Sau khi được tham quan, chiêm bái Hai Bà, du khách có thể đến tham quan các di tích có giá trị khác trên địa bàn xã Hát Môn như: Di tích quốc gia Phủ quận công Nguyễn Ngọc Trì, Di tích cấp thành phố chùa Bảo Lâm và đền thờ Đức Thánh Thủy. Sau đó, du khách đến khu sinh thái trải nghiệm Đầm sen, tham gia các hoạt động trải nghiệm trò chơi, thực tế.

Giao thông vào điểm du lịch thuận tiện, đi lại dễ dàng; có chỗ đỗ xe máy và xe ô tô; có lắp đặt mạng Wifi công cộng miễn phí phục vụ du khách. Tại điểm du lịch này có 5 bài thuyết minh giới thiệu điểm du lịch bằng tiếng Việt, có hỗ trợ ngoại ngữ (tiếng Anh), tờ rơi, tập gấp, mã QR code, hướng dẫn viên du lịch. Ngoài ra còn có các dịch vụ mua sắm như cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm địa phương và đồ lễ; dịch vụ vui chơi giải trí và ăn uống phục vụ du khách.

Đền Hát Môn, còn gọi là đền Hai Bà Trưng, tọa lạc ở xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội. Di tích Đền Hát Môn đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 9.12.2013).

Theo một số tài liệu ghi lại, vùng Hát Môn là nơi Hai Bà Trưng tổ chức hội quân sĩ sau khi hội tại thành Phong Châu. Đây cũng là nơi tuẫn tiết của Hai Bà Trưng khi cuộc khởi nghĩa thất bại. Tương truyền, đền Hát Môn được khởi dựng sau khi Hai Bà Trưng hoá sinh vào cõi bất diệt.

Trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, đền Hát Môn được chọn làm nơi sinh hoạt, luyện tập của dân quân du kích địa phương. Những sự kiện lịch sử và hệ thống di tích quanh vùng sông Hát góp phần làm giàu thêm nội dung và tôn cao giá trị của đền thờ Hai Bà Trưng.

Đền Hát Môn có quy mô kiến trúc bề thế, cảnh quan đẹp, các công trình kiến trúc của đền có mối quan hệ chặt chẽ, thống nhất. Hệ thống kiến trúc được phân bố hài hoà, ăn nhập với cảnh quan thiên nhiên xung quanh. Các di vật đồ thờ trong đền không chỉ là minh chứng lịch sử của đền Hát Môn với sự phong phú về kiểu loại nghệ thuật: tượng tròn, chạm khắc mà còn thể hiện sự đa dạng về chất liệu. Ngoài việc tôn thêm vẻ đẹp cho công trình kiến trúc, nghệ thuật trang trí kiến trúc còn là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị phản ánh sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng mang đậm bản sắc của người Việt.Đến đền Hát Môn, du khách được tìm hiểu về ý nghĩa lịch sử của di tích, lai lịch Hai Bà Trưng - vị vua nữ đầu tiên trong lịch sử dân tộc đã đứng lên chống lại ách áp bức, bóc lột của nhà Đông Hán, được tìm hiểu các điển tích về Hai Bà Trưng cũng như cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Du khách được tìm hiểu các điển tích về Hai Bà Trưng thông qua các hạng mục di tích như: Nhà ngự dội, quán Tiên, đàn thề đá, cổng tam quan, đền chính (nhà đại bái, thiêu hương, hậu cung), gò Giấu Ấn, sông Hát...

Trong khuôn viên của di tích còn có nhà tưởng niệm bà Nguyễn Thị Định được xây dựng theo nguyện vọng của phụ nữ cả nước, đặc biệt là tâm nguyện của nhân dân Hát Môn làm nơi thờ cúng, tưởng nhớ vị nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, người phụ nữ tiêu biểu cho phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc