Tháp Chăm Khương Mỹ bị "muối hóa", rêu mốc sau nửa năm trùng tu: Không thể xem thường hiện tượng rêu mốc tại tháp

VHO- Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản gửi Ban Quản lý Đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam, theo đó sau khi khảo sát, kiểm tra thực tế, Sở nhận thấy đã xuất hiện hiện tượng muối hóa, rêu mốc tại các vị trí mới được trùng tu, tu bổ ở tháp Bắc và tháp Giữa của di tích.

Tháp Chăm Khương Mỹ bị

 Đơn vị thi công tiến hành vệ sinh bề mặt, chùi rửa những vị trí bị rêu muối tại tháp Chăm Khương Mỹ

 Nhằm đảm bảo tốt công tác quản lý và phát huy giá trị di tích quốc gia tháp Chăm Khương Mỹ, Sở VHTTDL đề nghị Ban Quản lý Đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam (chủ đầu tư dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi tháp Bắc, tháp Giữa thuộc di tích tháp Chăm Khương Mỹ) tổ chức kiểm tra đánh giá và có phương án xử lý, khắc phục kịp thời vấn đề nêu trên và có văn bản báo cáo gửi về Sở VHTTDL trước ngày 24.5.

Như Văn Hóa thông tin, chỉ sau nửa năm kết thúc dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi tháp Bắc và tháp Giữa thuộc Khu di tích quốc gia tháp Chăm Khương Mỹ, tại các khu vực tháp nói trên xuất hiện những vết loang lổ màu trắng như bị “muối hóa” tại một số mảnh tường gạch mới trùng tu. Nhiều nhất là khu vực tháp Giữa, xuất hiện từ phía ngoài cửa tháp cho đến lòng tháp. Ngoài ra còn xuất hiện tình trạng rêu xanh, mốc tại một số mảng tường ở hai tháp trên. Những ngày qua, Viện Khoa học công nghệ, đơn vị thi công dự án đã tiến hành khảo sát, dọn vệ sinh bề mặt gạch tháp mới tu bổ, lấy mẫu gạch mới trùng tu và gạch gốc tại tháp Khương Mỹ về kiểm tra hàm lượng muối, nghiên cứu phân tích tìm nguyên nhân hiện tượng xuất hiện vệt trắng trên bềmặt gạch cũcũng như gạch mới được phục hồi, trùng tu. Đơn vị này cho biết sẽ công bố rộng rãi nguyên nhân cũng như giải pháp khắc phục sau khi có kết quả phân tích mẫu gạch nghiên cứu.

Theo ý kiến của một số chuyên gia có kinh nghiệm trùng tu tháp Chăm, tháp Khương Mỹ thực hiện trùng tu phục hồi khối xây mặt ngoài tường tháp bằng gạch Chăm phục chế sử dụng phương pháp mài chập với chất kết dính là dầu rái. Cũng có khả năng, hiện tượng xuất hiện lớp bột trắng trên bề mặt gạch cũng có thể là do dầu rái dùng trong quá trình trùng tu chưa khô gặp nước mưa sẽ phản ứng tạo thành lớp màng trắng trên bề mặt gạch. Chưa kể, do độ ẩm từ đất thẩm thấu ngược lên khối tường gạch, độ ẩm do nước mưa từ trên thấm xuống, lâu ngày tích tụ trong lòng khối xây tường, khi thoát ra ngoài mặt tường, nước bay hơi cũng có thể tạo ra hiện tượng bột trắng có muối sinh ra do các khoáng chất phản ứng với nước đọng lại.

Do đó, muốn xác định được nguyên nhân hiện tượng này có phải là hàm lượng muối trong gạch thì cần phân tích mẫu gạch mới, cũ để phân tích, đánh giá chính xác. Trước một số ý kiến cho rằng việc xuất hiện rêu xanh, rêu mốc ở các công trình tháp là bình thường, ông Phan Văn Cẩm, Giám đốc Ban quản lý di tích và danh thắng tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện tượng xuất hiện rêu bề gạch sau trùng tu vẫn xảy ra ở nhiều tháp khác mới trùng tu, kể cả các đền tháp tại Mỹ Sơn, phần lớn nguyên nhân do thấm nước, độ ẩm từ bên trong.... Tuy nhiên, tại tháp Khương Mỹ rêu mốc, rêu xanh xuất hiện nhiều còn có nguyên nhân mạch nước ngầm tầng nông dưới chân tháp vì hơi nước thoát lên dẫn đến rêu mốc phát triển, hậu quả lâu dài là có thể phá hoại bề mặt gạch, làm mủn gạch.

Hơn 10 năm trước, các chuyên gia đến từ Nhật Bản cũng đã tiến hành tìm hiểu hiện tượng ẩm ướt tại tháp Khương Mỹ, đồng thời đưa ra nhận định dưới chân tháp Khương Mỹ có mạch nước ngầm. Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam ( nay là Ban quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam) cũng đã phối hợp với Trung tâm Nước sạch và tư vấn thủy lợi tỉnh khoan thăm dò làm rõ nguyên nhân. Kết quả, khi khoan xuống độ sâu 4 - 6m trên nền đất sét pha cát đã phát hiện mạch nước ngầm đi qua đế tháp. Năm 2012 tỉnh Quảng Nam cũng đã triển khai dự án xử lý nước ngầm nhằm giảm mực nước ngầm tầng nông chảy qua 3 kiến trúc Chăm này. 

THU HOÀI

Ý kiến bạn đọc