Sức sống mới của Ca trù Hà Nội

VHO- Từ tình trạng mai một đáng báo động, đến nay Nghệ thuật Ca trù tại Hà Nội đã có sự gia tăng đáng kể về số lượng câu lạc bộ, đào nương, kép đàn, “trẻ hóa” thế hệ kế cận thực hành và thu hút khá đông khán giả… Điều đó cho thấy sự “lội ngược dòng” của bộ môn nghệ thuật này sau 14 năm được UNESCO ghi danh.

Sức sống mới của Ca trù Hà Nội - Anh 1

 Nghệ thuật Ca trù tại Hà Nội đã “lội ngược dòng” sau khi được UNESCO ghi danh Ảnh: ITN

Phổ biến trong đời sốngvăn hóa cộng đồng

Hà Nội là một trong những cái nôi lớn của Ca trù. Từ khi UNESCO ghi danh Nghệ thuật Ca trù là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp (năm 2009) đến nay, thành phố đã triển khai nhiều hoạt động tích cực để bảo vệ và góp phần dần đưa di sản này ra khỏi tình trạng “bảo vệ khẩn cấp”.

Theo TS Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội), nếu so với thời điểm được UNESCO ghi danh, Hà Nội hiện đã vượt trội về số lượng các câu lạc bộ cũng như các đào nương, kép đàn. Từ chỗ chỉ có một vài giáo phường lay lắt, đến nay đã có hàng chục nhóm Ca trù hoạt động thường xuyên và có nhiều nghệ nhân tích cực trao truyền.

Cũng như các giai đoạn trước, nắm giữ di sản Ca trù vẫn là những nghệ nhân, nghệ sĩ đam mê và tâm huyết với nghệ thuật này. Vai trò của ca nương, kép đàn là vô cùng quan trọng, bởi họ chính là những người nắm giữ nghề, duy trì ngọn lửa Ca trù để truyền lại cho thế hệ sau. Thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho thấy, Thủ đô là địa phương có số lượng nghệ nhân được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể nhiều nhất cả nước, trong đó có Nghệ thuật trình diễn Ca trù. Qua 3 lần phong tặng (2015, 2019, 2022), số lượng nghệ nhân Ca trù là 32 người (8 Nghệ nhân nhân dân và 24 Nghệ nhân ưu tú). Họ là những hạt nhân quan trọng trong các câu lạc bộ Ca trù trên địa bàn thành phố, góp phần tích cực nhất trong việc truyền dạy cho thế hệ trẻ. Đến nay, các câu lạc bộ này cơ bản vẫn đang duy trì hoạt động, thực hành di sản đều đặn, liên tục tổ chức truyền dạy đàn hát, các làn điệu, thể cách... Thành viên các câu lạc bộ tích cực tham gia hoạt động tại cộng đồng, trình diễn giới thiệu Ca trù tới đông đảo khán giả trong và ngoài nước.

Điển hình như Câu lạc bộ Ca trù Lỗ Khê với gần 40 thành viên, trong đó có 15 nghệ nhân có thể tham gia biểu diễn thành thục. Từ năm 2018 đến nay, Câu lạc bộ đã tổ chức được hàng chục buổi sinh hoạt (21 buổi năm 2018, 19 buổi năm 2019, 16 buổi năm 2020, 9 buổi năm 2021); hơn 20 buổi biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị trên địa bàn huyện Đông Anh (5 buổi năm 2018, 12 buổi năm 2019, 4 buổi năm 2020)...

Bên cạnh việc học nghề, ca nương, kép đàn còn tổ chức xây dựng chương trình, tạo ra không gian diễn xướng Ca trù để trình diễn, quảng bá… Một số cá nhân có nhiều đóng góp tích cực và trách nhiệm đặc biệt đối với di sản này, có thể kể đến NSƯT Bạch Vân, Chủ nhiệm câu lạc bộ Ca trù Hà Nội; NSƯT Nguyễn Văn Khuê, Chủ nhiệm câu lạc bộ Ca trù Thái Hà; NNƯT Phạm Thị Huệ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long; NNƯT Vân Mai, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù UNESCO Hà Nội...

Về thế hệ kế cận tiếp nhận thực hành, truyền dạy Ca trù, sau Liên hoan tài năng trẻ Ca trù Hà Nội lần thứ 2 năm 2019, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh (nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) đã đánh giá: Hà Nội đang có lớp nhân tố mới với vốn hiểu biết và khả năng thực hành Ca trù phong phú. Sự xuất hiện của đội ngũ ca nương, kép đàn trẻ tuổi đã cho giới chuyên môn cũng như khán giả thấy được sức sống mới của loại hình nghệ thuật này trong đời sống đương đại. Ðó chính là biểu hiện về mức độ phổ biến của Ca trù trong dòng chảy văn hóa cộng đồng. Liên hoan Ca trù Hà Nội lần thứ Ba năm 2022 với sự tham gia của 13 nhóm, câu lạc bộ trên địa bàn Hà Nội, có những tiết mục được trình diễn bởi 3 thế hệ trong một gia đình đã cho thấy hoạt động thúc đẩy truyền dạy, thực hành Ca trù ở cơ sở đang phát triển mạnh mẽ.

Những năm qua, các điểm biểu diễn thường xuyên của một số câu lạc bộ Ca trù thành phố Hà Nội đã trở thành nơi chốn quen thuộc, thu hút công chúng và khách du lịch đến thưởng thức như Bích Câu đạo quán, đền Quan Đế và đình Kim Ngân. Bên cạnh đó còn có các điểm biểu diễn cộng đồng tại Cao Sơn trà quán ở ngõ Thổ Quan (Khâm Thiên, Đống Đa, trong năm 2019-2020 đã thực hiện được 20 đêm Ả đào với nhiều chủ đề khác nhau); điểm biểu diễn Đêm Ả đào tại Bụt trà quán (Gia Lâm); trong Lễ hội hoa xuân tại Khuôn viên Đại học VinUni... Điều này cho thấy sự mở rộng ảnh hưởng của Ca trù đến một bộ phận nhân dân.

Sức sống mới của Ca trù Hà Nội - Anh 2

Kiên trì bảo tồn, phát huy theo lộ trình

Dù đã đạt được không ít thành quả, nhưng khảo sát thực tế của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho thấy, do chỉ tồn tại trong trí nhớ và truyền khẩu, sự mai một của nghệ thuật Ca trù vẫn là nguy cơ rất cao, ví dụ như một số từ ngữ trong các bài cổ bị sai lệch, nếu người truyền dạy không tỉ mỉ uốn nắn thì sẽ sai lệch mãi mãi. Nguy cơ thất truyền xảy ra ở kép đàn, trống chầu bởi quá ít người theo học, và học cũng rất khó. Các nghệ nhân truyền nghề giỏi thì đã mất hoặc già yếu…

Mặt khác, những người trực tiếp theo nghề, thực hành di sản đang gặp phải nhiều nguy cơ về nhân sự và khó có khả năng sống được bằng nghề. Dù đã khởi sắc so với giai đoạn trước, song đa số người trẻ không mấy mặn mà, ít quan tâm, hứng thú khi tiếp cận và học Ca trù. Lượng khán giả yêu thích Ca trù tuy đã tăng lên so với giai đoạn 2014-2017, song do đặc thù nghệ thuật này quá uyên thâm, bác học nên số người hiểu, nghe và thích như đối với các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác vẫn là con số khiêm tốn…

Có nhiều câu lạc bộ Ca trù ra đời trong thời gian qua là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, giới nghiên cứu cũng lo ngại, nếu chỉ lấy số đông mà không nghĩ tới cách truyền dạy cũng như kỹ thuật thì đây vẫn sẽ tiếp tục là nguy cơ không nhỏ. Các trường chính thống đào tạo về nghệ thuật, âm nhạc hiện không dạy bộ môn này, do đó, có thể sẽ tạo ra các câu lạc bộ nghiệp dư và thiếu chuẩn mực về chuyên môn. Bởi vậy, bên cạnh những kết quả đạt được về tuyên truyền, quảng bá di sản, tôn vinh nghệ nhân, phát hiện và bồi dưỡng tài năng trẻ, tạo môi trường thực hành rèn luyện, giao lưu, nâng cao kỹ năng… trong những năm tới, theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Thành phố sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động bảo tồn Ca trù, xác định bảo tồn là quá trình lâu dài và cần kiên trì theo lộ trình. Trong đó, tập trung rà soát hệ thống hóa văn bản pháp quy liên quan tạo cơ sở quản lý, chỉ đạo thường xuyên và đồng bộ; đề xuất chính sách, chế độ đãi ngộ và tôn vinh các nghệ nhân hàng năm. Đồng thời, tạo điều kiện về môi trường sinh hoạt như địa điểm biểu diễn, thực hành di sản, truyền dạy thường xuyên tại không gian tại các di tích, lễ hội…

Đồng thời, tư liệu hóa tài liệu, hỗ trợ kinh phí hoạt động trình diễn và truyền dạy, tuyên truyền giá trị di sản trong cộng đồng (giới thiệu và trình diễn Ca trù tại các điểm di tích, đưa vào nội dung các tour du lịch). Phổ biến nguy cơ mai một Ca trù trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức đào tạo các đối tượng khán giả khác nhau để có thể nghe hiểu Ca trù, đưa Ca trù vào nội dung đào tạo chuyên nghiệp và sinh hoạt ngoại khóa của các trường phổ thông, đại học. Tổ chức truyền dạy, học hỏi, giao lưu kinh nghiệm thực hành Ca trù để đánh giá chất lượng thực hành di sản của các câu lạc bộ, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn. Đối với các cấp quận huyện, xã phường, cần tạo điều kiện cho các câu lạc bộ về điểm sinh hoạt thường xuyên và các hoạt động thực hành di sản diễn ra trên địa bàn.

Từ những nỗ lực trên, người yêu nghệ thuật kỳ vọng giá trị di sản văn hóa phi vật thể Ca trù của Hà Nội sẽ được bảo tồn và phát huy, góp phần quan trọng tiến tới thực hiện hồ sơ xin chuyển di sản Ca trù từ danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp sang danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

 Nội đang có lớp nhân tố mới với vốn hiểu biết và khả năng thực hành Ca trù phong phú. Sự xuất hiện của đội ngũ ca nương, kép đàn trẻ tuổi đã cho giới chuyên môn cũng như khán giả thấy được sức sống mới của loại hình nghệ thuật này trong đời sống đương đại. Ðó chính là biểu hiện về mức độ phổ biến của Ca trù trong dòng chảy văn hóa cộng đồng. Liên hoan Ca trù Hà Nội lần thứ Ba năm 2022 với sự tham gia của 13 nhóm, câu lạc bộ trên địa bàn Hà Nội, có những tiết mục được trình diễn bởi 3 thế hệ trong một gia đình đã cho thấy hoạt động thúc đẩy truyền dạy, thực hành Ca trù ở cơ sở đang phát triển mạnh mẽ.

(GS.TSKH TÔ NGỌC THANH)

 

 TRUNG NGHĨA

Ý kiến bạn đọc