“Sống treo” trong vùng bảo vệ di tích Huế

VHO- Thừa Thiên Huế với hệ thống di tích dày đặc, trong đó có hệ thống di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO vinh danh. Hơn 20 năm qua, công tác khoanh vùng bảo vệ di tích được triển khai nhưng cũng đã lộ rõ những bất cập, gây khó khăn cho cộng đồng dân cư cũng như quy hoạch, phát triển của địa phương.

“Sống treo” trong vùng bảo vệ di tích Huế - Anh 1

Di tích An Lăng nằm giữa khu dân cư rộng lớn, trong đó khu vực 1 có nhiều nhà dân đã sinh sống hơn 40 năm nhưng không thể sửa chữa, xây dựng

Đó là vấn đề mà ngành văn hóa và đơn vị quản lý Quần thể Di tích Cố đô Huế đã kiến nghị, góp ý đến đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nhằm hướng đến công tác sửa đổi Luật Di sản văn hóa sắp tới.

Quá nhiều hộ dân đang phải “sống treo”

Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (Trung tâm) đang trực tiếp quản lý 43 điểm di tích đã được xếp hạng, trong đó có 32 điểm di tích cấp quốc gia, cấp quốc gia đặc biệt và 11 điểm di tích cấp tỉnh. Hiện nay đã có 29 điểm đã được tổ chức cắm mốc khu vực bảo vệ I, khu vực bảo vệ II. Ngoài ra, đơn vị cũng đã kiểm kê, phân loại thêm 18 di tích để tiến tới xây dựng hồ sơ khoanh vùng bảo vệ và cắm mốc di tích xin xếp hạng di tích các cấp.

Trong quá trình khoanh vùng bảo vệ di tích cũng đã xuất hiện những tồn đọng, bất cập gây ảnh hưởng đến việc phát huy giá trị di sản. Cụ thể, khu vực bảo vệ di tích đều có nhiều dân cư sinh sống đã lâu đời, nhà cửa đều đã được xây dựng từ 40 - 70 năm trước, xuống cấp nghiêm trọng; nhân khẩu trong gia đình tăng theo thời gian nhưng không thể sửa chữa, xây mới do liên quan đến các quy định của Luật Di sản văn hóa. Người dân ở trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích, cho dù có được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không thì việc xây dựng, sửa chữa công trình, nhà ở vẫn là một vấn đề bất cập.

Trong khi đó, đặc thù của các di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế là những công trình di tích thường hình thành dựa trên yếu tố phong thủy (núi non hoặc xây bình phong và dòng sông, hoặc hồ,...), nên nếu khoanh vùng bảo vệ thường là rất rộng. Điều này dẫn đến những vướng mắc cho người dân sống trong khoanh vùng bảo vệ di tích như không được đảm bảo các quyền về sở hữu đất đai, không được xây dựng mới, khó khăn trong sửa chữa nhà cửa vì ảnh hưởng đến yếu tố di tích… Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm cho biết, có ngày đơn vị nhận được hàng chục công văn, đơn thư về vấn đề xác nhận khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích để trả lời cho UBND TP Huế trong việc cấp phép xây dựng nhà cửa của người dân. Rất nhiều trường hợp không thể sửa chữa nhà ở trong khi nhà đã ở 40-50 năm nay, như hàng chục hộ dân ở khu di tích lăng vua Dục Đức, tức An Lăng (Văn Hóa đã có bài phản ánh - PV), rất khổ cho người dân.

“Chúng tôi kiến nghị cần làm rõ về vấn đề liên quan đến sở hữu đất đai trong khu vực di tích, khu vực I, khu vực II cần được ứng xử như thế nào. Không chỉ với Huế mà nhiều di sản thế giới có khu vực II rất rộng lớn, sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư kể cả những hộ dân đã có “sổ đỏ”. Theo tôi, cần quản lý theo quy hoạch, trong khu vực khoanh vùng II cần có tương tác, có hoạt động, đảm bảo cho đời sống của cộng đồng dân cư. Tương tự, ở khu vực I, khi nhà nước chưa bố trí được kinh phí giải tỏa đền bù thì cần cho phép dân cư được làm gì, ở mức độ nào…”, ông Hoàng Việt Trung nêu ý kiến.

 

“Sống treo” trong vùng bảo vệ di tích Huế - Anh 2

Một  nhà dân ở khu vực 1 di tích An Lăng bị xuống cấp, hư hại đang mong mỏi được di dời để an cư

Cần tháo gỡ như thế nào?

Bên cạnh Quần thể Di tích Cố đô Huế là di tích cấp quốc gia đặc biệt và là Di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO vinh danh, Thừa Thiên Huế còn có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt: hệ thống đường Trường Sơn (Hồ Chí Minh) đoạn đi qua địa bàn tỉnh và hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế; cùng 89 di tích cấp quốc gia và 94 di tích cấp tỉnh.

Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế, từ khi Luật Di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi bổ sung một số điều năm 2009 được ban hành cùng với các văn bản hướng dẫn, công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa tại địa phương cơ bản đã đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, các quy định hiện hành vẫn còn một số bất cập, đặc biệt là những bất cập liên quan đến việc khoanh vùng bảo vệ di tích.

Những hồ sơ di sản văn hóa thế giới được UNESCO vinh danh và những di tích đã được các cấp có thẩm quyền xếp hạng trước năm 2001, được lập và khoanh vùng khu vực bảo vệ theo quy định của Pháp lệnh số 14 ngày 4.4.1984 của Hội đồng Nhà nước về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng, tức là sẽ có 3 khu vực khoanh vùng bảo vệ. Đến khi Luật Di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009 có hiệu lực thi hành, đã quy định khu vực bảo vệ di tích gồm 2 khu vực; hồ sơ di sản văn hóa thế giới và những di tích đã được xếp hạng phải tiến hành lập lại hồ sơ khoanh vùng bảo vệ để đảm bảo phù hợp với quy định mới. Tuy vậy, đến nay vẫn chưa có quy định hướng dẫn cụ thể, trong khi đó khu vực khoanh vùng bảo vệ đã khoanh vùng gần hết toàn bộ diện tích đất đai tại khu vực (bao gồm đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đất giao thông; đất công trình công cộng; các khu vực không còn lưu giữ các yếu tố gốc gắn với di tích…). Điều này dẫn đến những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý đất đai, xây dựng và nhiều lĩnh vực liên quan khác cũng như làm ảnh hưởng đến nhu cầu dân sinh chính đáng của cộng đồng dân cư địa phương, nhất là sau hơn 20 năm áp dụng Luật Di sản văn hóa.

Lãnh đạo Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế cũng kiến nghị, Luật Di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung sắp tới cần xem xét có quy định hướng dẫn, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các địa phương trong việc tiến hành điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích theo hướng vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, vừa gắn với phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Đối với Quần thể di tích Cố đô Huế, có thể xem xét đưa các khu vực có đất giao thông; đất công trình công cộng; các khu vực không còn lưu giữ các yếu tố gốc gắn với di tích… ra khỏi khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích để đáp ứng nhu cầu dân sinh chính đáng của cộng đồng dân cư cũng như phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Xem xét nâng mức đầu tư cho di sản văn hóa đã được UNESCO đưa vào danh mục di sản văn hóa thế giới, di tích quốc gia đặc biệt để bảo tồn sự toàn vẹn di sản và phát huy giá trị phục vụ công tác đối ngoại văn hóa của Việt Nam.

Một thực tế khác, công tác phát huy giá trị tại di sản Huế cũng đang gặp khó do vướng các quy định về sử dụng đất di tích, tài sản công… Đại diện Trung tâm kiến nghị Luật Di sản văn hóa sửa đổi cần bổ sung các chính sách, quy định về hoạt động xã hội hóa, hợp tác công tư trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản. “Tương tự như vậy, trong Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) cũng cần có điều quy định riêng đối với đất di sản; Luật quản lý sử dụng tài sản công cần nêu rõ về việc xử lý với đất di sản (được làm gì, không được làm gì) và cấp nào có thẩm quyền. Vấn đề này, nhiều luật đang chồng chéo nhau”, ông Hoàng Việt Trung nêu. 

 Chúng tôi kiến nghị cần làm rõ về vấn đề liên quan đến sở hữu đất đai trong khu vực di tích, khu vực I, khu vực II cần được ứng xử như thế nào. Không chỉ với Huế mà nhiều di sản thế giới có khu vực II rất rộng lớn, sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư kể cả những hộ dân đã có “sổ đỏ”. Theo tôi, cần quản lý theo quy hoạch, trong khu vực khoanh vùng II cần có tương tác, có hoạt động, đảm bảo cho đời sống của cộng đồng dân cư.

(Ông HOÀNG VIỆT TRUNG, Giám đốc Trung tâm)

SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc