Nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Điện Hải
VHO - Thành Điện Hải là biểu tượng về lòng yêu nước của quân dân ta trên mặt trận Đà Nẵng trong buổi đầu kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha xâm lược giữa thế kỉ XIX, được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt vào ngày 25.12.2017.
Thành Điện Hải từng “thất thủ” giữa thời bình
Là tâm điểm trong cuộc giao tranh giữa quân dân ta và liên quân Pháp- Tây Ban Nha (1858-1860) nên thành Điện Hải bị tàn phá và hư hỏng là điều tất yếu. Sau khi Đà Nẵng trở thành nhượng địa (1888), người Pháp phá sạch những hạng mục trong thành để xây dựng Bệnh viện dã chiến cho quân đội Pháp năm 1895, rồi xây tiếp một Nhà nguyện ở góc Đông Nam thành vào năm 1900. Đó cũng là điều không tránh khỏi khi Đà Nẵng nằm hoàn toàn trong tay thực dân Pháp.
Điều rất đáng buồn và rất đáng trách là sau ngày giải phóng 1975, thành Điện Hải chẳng những không được bảo vệ mà còn bị xâm phạm nặng nề. Đầu tiên là Xí nghiệp Dược Trung ương 5 sử dụng thành để nuôi các loại rắn và sản xuất dược phẩm. Và cho đến cuối năm 2016 thì thành Điện Hải hầu như bị “thất thủ” hoàn toàn. Nằm chình ình giữa thành là Bảo tàng Lịch sử Đà Nẵng, xây năm 2007.
Các cơ quan nhà nước như Trung tâm thể thao người cao tuổi, Câu lạc bộ Thái Phiên được xây ngay trên nền móng tường và hào phía Bắc, 80 hộ dân làm nhà trên móng tường và hào phía Tây- nghĩa là xâm phạm vùng lõi của di tích. Khu vực bảo vệ 1 ở phía Nam là Trung tâm công nghệ phần mềm, và ở phía Đông Bắc là Trung tâm Hành chính thành phố cao 34 tầng, xây năm 2010, hoàn thành năm 2014 - nghĩa là xâm phạm vùng đệm của di tích thành Điện Hải- vùng được Luật Di sản văn hoá qui định bảo vệ.
Ngoài ra, Trung tâm Lưu trữ thành phố ở vùng đệm phía Bắc cũng đã hoàn thành mọi thủ tục, chuẩn bị khởi công xây dựng cuối năm 2016.
Điều khó có thể biện minh được là thành Điện Hải được xếp hạng Di tích quốc gia từ năm 1988, và đến năm 2001 thì Luật Di sản văn hoá ra đời, nhưng các công trình nhà nước nói trên và nhà cửa của một bộ phận người dân vẫn tiếp tục cho xây dựng. Như vậy là, đã có hiện tượng vi phạm pháp luật, cụ thể ở đây là vi phạm Luật Di sản văn hoá trong việc xây dựng các công trình nhà ở nhân dân và cơ quan nhà nước ở vùng lõi và vùng đệm của di tích thành Điện Hải.
Những nỗ lực “giải cứu” thành Điện Hải
Trước thực trạng di tích quốc gia thành Điện Hải có nguy cơ cao biến thành một phế tích, cuối năm 2016, lãnh đạo Sở Văn hoá và Thể thao Đà Nẵng đã quyết liệt tham mưu lãnh đạo thành phố nhìn nhận lại giá trị và đề nghị có chỉ đạo khẩn cấp cứu thành Điện Hải.
Cụ thể là phải dừng ngay việc triển khai dây dựng Trung tâm lưu trữ ở vùng đệm phía Bắc thành Điện Hải, và đề nghị không chấp nhận chủ trương xây bãi đỗ xe ngầm hoặc bãi đỗ xe nổi tại đây. Đồng thời, đề nghị chỉ đạo lập ngay hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và công nhận thành Điện Hải là di tích quốc gia đặc biệt vào cuối năm 2017.
Toàn cảnh Thành Điện Hải nhìn từ trên cao xuống
Tiếp đó, thành phố vận động 80 hộ dân và 3 cơ quan nhà nước di dời khỏi phần lõi và phần đệm của thành, rồi đầu tư trên 100 tỉ đồng phục hồi nguyên trạng tường cao hào sâu, đồng thời xây dựng công viên cây xanh ở phía Bắc và phía Tây của thành.
Giai đoạn 2 của dự án “bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tich quốc gia đặc biệt thành Điện Hải” gồm các hạng mục xây dựng ngay trong lòng thành, đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phê chuẩn đồ án kiến trúc, và được UBND thành phố đưa vào danh mục các công trình “động lực, trọng điểm” để đầu tư trong giai đoạn 2020 - 2025.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện này hơi chậm, bởi chưa hạ giải được Bảo tàng Lịch sử đang toạ lạc giữa mặt thành Điện Hải hiện nay (Việc hạ giải Bảo tàng này liên quan đến dự án “Cải tạo, xây dựng cơ sở 42 Bạch Đằng thành Bảo tàng Đà Nẵng, sắp được hoàn thành).
Không để lặp lại sai lầm trong quản lý di tích
Thành Điện Hải hiện nay có lịch sử tròn 200 năm xây dựng (1823-2023) và chẵn 165 năm là “nhân chứng”cho một thời kỳ lịch sử bi hùng của dân tộc, là nơi lưu giữ ký ức thời kháng chiến không chỉ cho Đà Nẵng và còn cho cả nước. Thành Điện Hải gắn liền với tinh thần quả cảm cùng biết bao máu xương của các bậc tiền nhân trong sự nghiệp chống ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc.
Việc bảo tồn thành Điện Hải nhằm góp phần phát huy truyền thống và giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ hiện nay và mai sau là vô cùng cần thiết. Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là đạo lý của chúng ta hôm nay. Một thời gian dài sau ngày giải phóng, tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng, rồi sau là thành phố Đà Nẵng chưa chú trọng đúng mức đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích văn hoá, lịch sử, để thành Điện Hải bị xâm phạm nặng nề từ vùng lõi đến vùng đệm.
Những sai lầm trong việc xem nhẹ yếu tố văn hoá và xâm phạm di tích văn hoá, lịch sử cần được rút kinh nghiệm nghiêm túc để không lặp lại, bởi lặp lại sẽ bị hậu thế chê trách, thậm chí phải trả giá như một nhà văn đã nói: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”.
Dẫu qua bao biến động thăng trầm, nhưng cuối cùng thành Điện Hải vẫn lách qua được một khe cửa hẹp để tồn tại và hiện nay được đầu tư tu bổ, phục hồi. Với sự quan tâm của lãnh đạo thành phố và với trách nhiệm của những người làm văn hoá trước đây cũng như hiện nay, chắc chắn rằng trong một ngày không xa, di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải sẽ là một điểm đến thú vị, là một địa chỉ không thể bỏ qua của người dân và du khách thập phuương.
NSND HUỲNH HÙNG
Nguyên GĐ Sở VHTT TP Đà Nẵng