Hội An đón nhận danh hiệu DSVH phi vật thể quốc gia Tết Trung thu

VHO - Tối ngày 28.9, UBND TP Hội An, tỉnh Quảng Nam tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tết Trung thu ở Hội An.

Hội An đón nhận danh hiệu DSVH phi vật thể quốc gia Tết Trung thu - Anh 1

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương trao Bằng chứng nhận DSVH phi vật thể quốc gia Tết Trung thu Hội An

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương đã trao giấy chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội truyền thống, Tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Trung thu ở Hội An, Quảng Nam” cho đại diện lãnh đạo TP Hội An. 

Để chào mừng sự kiện này, từ chiều ngày 28.9, hàng ngàn người dân và du khách đã cùng tham gia lễ diễu hành chào mừng, rước danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tết Trung thu. 
Cùng tham gia đoàn rước là đại diện lãnh đạo thành phố, đại diện chức sắc các tôn giáo, các Tổ quản lý di tích, Ban Trị sự các Hội quán cùng người dân địa phương - đại diện chủ thể di sản - những người đang thực hành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tết Trung thu trên địa bàn thành phố Hội An và các em thiếu niên nhi đồng.

Hội An đón nhận danh hiệu DSVH phi vật thể quốc gia Tết Trung thu - Anh 2

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương tặng hoa chúc mừng cán bộ và nhân dân thành phố Hội An

Tết Trung thu ở Hội An là lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng được hình thành trên cơ sở truyền thống văn hóa bản địa, văn hóa của dân tộc, có sự giao lưu - tiếp biến văn hóa với Trung Hoa, Nhật Bản, gắn với quá trình hình thành, phát triển của đô thị - thương cảng Hội An, luôn được cộng đồng cư dân Hội An duy trì, gìn giữ, tổ chức hằng năm. Đây là lễ hội truyền thống hấp dẫn, sôi động bởi giàu giá trị văn hóa, tín ngưỡng, gắn với loại hình diễn xướng dân gian độc đáo múa Thiên Cẩu riêng có tại Hội An từ xưa đến nay.
Tết Trung thu không chỉ là di sản văn hóa thu hút sự quan tâm, thực hành của người lớn mà còn là một lễ hội lớn của trẻ em diễn ra trên địa bàn thành phố mỗi dịp rằm tháng Tám âm lịch. Qua thời gian, những tập tục, lễ nghi trong Tết Trung thu ở Hội An luôn được các thế hệ vun đắp, tô bồi yếu tố mới nhưng vẫn bảo tồn, gìn giữ được giá trị đặc trưng, độc đáo. 
Cho đến nay, Tết Trung thu ở Hội An là một trong những tập tục, lễ hội truyền thống lớn, luôn được cộng đồng cư dân Hội An nâng niu, phát huy trở thành tập quán, tín ngưỡng tốt đẹp, là “phần hồn” không thể tách rời của đô thị di sản, góp phần tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu của Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hóa thế giới.
Với những giá trị đặc trưng đó, ngày 14.2.2023, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 228 về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội truyền thống, Tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Trung thu ở Hội An, Quảng Nam”.

Hội An đón nhận danh hiệu DSVH phi vật thể quốc gia Tết Trung thu - Anh 3

Diễu hành chào mừng danh hiệu DSVH phi vật thể quốc gia Tết Trung thu

Phát biểu tại Lễ đón nhận danh hiệu DSVH phi vật thể quốc gia Tết Trung thu ở Hội An, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đây không chỉ là niềm vui to lớn của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thành phố, mà còn là niềm tự hào chung của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh. 

“Chúng ta đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tết Trung thu ở Hội An trong niềm phấn khởi, tự hào nhưng đi cùng với đó là trọng trách to lớn đặt ra cho các cấp, các ngành từ tỉnh đến TP Hội An phải quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị vốn có của di sản, giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, bảo vệ môi trường, để những giá trị đó được lan tỏa không chỉ trong cộng đồng dân cư mà còn đến với bạn bè gần xa; góp phần xây dựng con người Hội An nhân tình thuần hậu; phục vụ các mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố Hội An theo định hướng thành phố Sinh thái - Văn hóa - Du lịch đến năm 2030 mang tính đặc thù về sinh thái, di sản văn hóa, cảnh quan, môi trường, hiện đại, có bản sắc riêng; xác lập vai trò động lực trong phát triển du lịch - dịch vụ của khu vực duyên hải miền Trung và cả nước, vươn tầm khu vực châu Á, là điểm đến hấp dẫn của thế giới theo đúng tinh thần Nghị quyết của Tỉnh ủy đề ra”, ông Trần Anh Tuấn chia sẻ. 

Hội An đón nhận danh hiệu DSVH phi vật thể quốc gia Tết Trung thu - Anh 4

Biểu diễn múa Lân- múa Thiên cẩu 

Nhân sự kiện này, từ ngày 26-30.9, TP Hội An cũng tổ chức Hội Tết Trung thu Quý Mão với nhiều hoạt động sôi nổi. Đặc biệt là các hoạt động trình diễn, hội thi, triển lãm ảnh nghệ thuật múa Thiên cẩu- loại hình trình diễn dân gian đã có từ lâu đời và phát triển mạnh ở Hội An từ đầu thế kỷ XX. Đây là hoạt động tái hiện hình tượng văn hóa Thiên Cẩu nhả ra mặt trăng, báo hiệu cho một nông vụ tươi tốt, cuộc sống an lành. Gắn liền với đó là hệ thống giá trị sáng tạo trang trí hình tượng văn hóa, kỹ thuật biểu diễn, thực hành nghi thức trừ tà khí, trừ hỏa hoạn, cầu mưa thuận gió hòa, cầu tài lộc...  

Hội An đón nhận danh hiệu DSVH phi vật thể quốc gia Tết Trung thu - Anh 5

Chương trình văn nghệ “Đêm hội Trăng rằm” 

Bên cạnh đó tổ chức Hội thi  múa Lân - múa Thiên Cẩu dành cho các em thiếu nhi đến từ các trường THCS trên địa bàn thành phố, kết hợp với chương trình văn nghệ “Đêm hội Trăng rằm”. 

Tái hiện không gian “Đêm phố cổ” Hội An đầu thế kỷ XX vào đêm 14.8 âm lịch với các hoạt động văn hóa nghệ thuật thơ ca, trò chơi bài chòi, hò khoan đối đáp, sinh hoạt văn hóa truyền thống… 
Ngoài ra, các lớp dạy hát dân ca, đồng dao; trò chơi dân gian trẻ em; hướng dẫn làm và trang trí đồ chơi Trung Thu… cũng được tổ chức, nhằm tạo thêm các hoạt động tìm hiểu, khám phá văn hóa truyền thống thú vị cho các em thiếu nhi trong dịp này.

KHÁNH CHI

Ý kiến bạn đọc