Giảm ùn tắc bằng cầu vượt... di sản

VHO- Những năm gần đây Hà Nội xuất hiện “hội chứng” cầu vượt. Chỗ nào được xem là điểm đen về ùn tắc giao thông thì y như rằng chỗ đó có ngay cây cầu vượt. Ban đầu một, hai cái trông cảnh quan đô thị còn đỡ, nay mọc lên nhiều cầu vượt quá, thậm chí có cái sắp sửa được đưa vào “kỷ lục” về độ dài, cong khiến cho mỹ quan đô thị cực kỳ chướng mắt. “Hội chứng” này nay đã lan vào Huế khi nơi đây cũng vừa tổ chức, trao giải cuộc thi ý tưởng cầu vượt Hộ Thành Hào nối với Thượng thành.

Giảm ùn tắc bằng cầu vượt... di sản - Anh 1

 Sơ đồ hướng tuyến cầu đi bộ vượt Hộ Thành Hào nối Thượng thành. Ảnh: BTC

Ngay từ khi mới manh nha về đề xuất này, Văn Hoá đã từng nêu lên những ý kiến đầy quan ngại của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu về bảo tồn di sản và đô thị, rằng ở đấy cần phải hết sức thận trọng, tính toán cho thật kỹ kẻo không lại mang tiếng. Một chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch giao thông “mách” với phóng viên Văn Hoá, nên đặt thẳng câu hỏi trực diện với chính quyền địa phương về việc khảo sát, đánh giá mức độ ùn tắc giao thông tại điểm này, và đã có những giải pháp tối ưu nào để khắc phục, thay vì đưa ra ý tưởng làm cầu vượt di sản. Cũng theo chuyên gia này, để giải quyết một điểm nghẽn về ùn tắc giao thông, cơ quan chuyên môn cần phải tiến hành đo đếm phương tiện, khung giờ... Trên cơ sở đó cần tham vấn các nhà chuyên môn có trình độ chuyên sâu nhằm đưa ra những giải pháp tối ưu như quy hoạch lại mạng lưới giao thông trong khu vực Đại nội; hạn chế phương tiện nhất là ô tô vào giờ cao điểm; phân luồng lại giao thông một cách hợp lý, khoa học... Nếu những giải pháp ấy đều rơi vào “bế tắc” thật sự thì mới tìm kiếm những ý tưởng khác.

Nghe lời, chúng tôi đã gửi câu hỏi trên đến lãnh đạo UBND thành phố Huế. Sau một thời gian chờ đợi cũng đã nhận được câu trả lời, nhưng không thể chung chung hơn được nữa. Thành phố Huế cho biết thời gian gần đây tại khu vực Đại nội Huế, tình hình giao thông khá phức tạp với lượng phương tiện ôtô tăng cao, trong khi hạ tầng giao thông chưa được đầu tư mở rộng. Đa số các tuyến đường trong nội thành có mặt đường hẹp nên tình trạng giao thông tại các tuyến đường nội thành thường bị ùn tắc vào những giờ cao điểm, đặc biệt càng nghiêm trọng hơn đối với khu vực các cổng thành. Đáng lưu ý, hiện trạng đường Cửa Ngăn được tổ chức lưu thông một chiều vào thành, mặt đường rộng từ 6,5m đến 7,5m, cổng thành Cửa Ngăn có bề rộng xe chạy 3,3m. Tuyến đường được tổ chức giao thông một chiều cho các phương tiện đi từ hướng đường Lê Duẩn vào đường Hai Mươi Ba Tháng Tám. Với mật độ lưu lượng phương tiện lớn, đặc biệt nhiều khách tham quan du lịch đi bộ từ điểm đỗ xe du lịch Nguyễn Hoàng qua cầu Cửa Ngăn để vào tham quan Đại nội. Nhằm giảm tải trên trục đường Cửa Ngăn, UBND thành phố Huế đã tổ chức cắm biển cho phép các loại xe chở khách đến 30 chỗ lưu thông ra vào cổng thành qua cửa Quảng Đức, dừng đỗ để đón trả khách tại eo bầu Nam Thắng trong khu vực kinh thành Huế trong khung thời gian từ 8 giờ 00 đến 16 giờ 30 hằng ngày...

Còn về giải pháp thì thành phố cho hay: Trong buổi khảo sát thực tế mới đây của lãnh đạo UBND tỉnh và UBND thành phố Huế, cùng các Sở, ngành liên quan có đề xuất ý tưởng xây cầu gỗ cho người đi bộ nối từ đường Trần Huy Liệu qua Thượng thành. UBND tỉnh đã giao cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án. Nếu cầu đi bộ được hoàn thành sẽ giảm tải tình trạng tắc nghẽn giao thông tại khu vực Cửa Ngăn... Hết, ngoài ra không có thêm giải pháp nào khác.

Nhắc lại như vậy để thấy rằng, những cơ quan có trách nhiệm trong việc quy hoạch mạng lưới giao thông nội đô mà cụ thể ở đây là khu vực Đại nội Huế, đã thực sự vào cuộc một cách tích cực để nghiên cứu, đánh giá đồng thời đưa ra những kiến nghị trên cơ sở tham vấn của nhiều nhà chuyên môn trong lĩnh vực giao thông công chính nhằm tham mưu cho lãnh đạo tỉnh xem xét, quyết định phương án khoa học, hợp lý chưa? Hay vẫn chỉ nhăm nhăm tìm đến ý tưởng vượt Hộ Thành Hào bằng cây cầu vượt nối với Thượng thành. Và nếu chỉ có vậy thì ý tưởng vượt Hộ Thành Hào chưa chắc đã là giải pháp khả thi cho việc giải quyết ùn tắc giao thông tại đây, bởi nếu nó không rơi vào tình trạng “chết yểu” thì sẽ còn lâu lắm mới có thể trở thành hiện thực. 

NGUYỄN THANH SƯƠNG

Ý kiến bạn đọc