Dự án tu bổ di tích quốc gia đặc biệt chùa Cầu gặp "vấn đề”: Mặt sàn di tích là cong hay thẳng (?!)

VHO- UBND thành phố Hội An (Quảng Nam) vừa tổ chức tham vấn ý kiến chuyên gia trong nước về công tác tu bổ di tích chùa Cầu đối với phương án tu bổ, phục hồi kiến trúc sàn cầu của di tích này.

Dự án tu bổ di tích quốc gia đặc biệt chùa Cầu gặp

Chùa Cầu với hình dáng cong phần lòng cầu trước thời điểm trùng tu

Sẽ tu bổ theo hướng sàn cong như phương án đã được thẩm định, phê duyệt hay tiếp tục nghiên cứu vì chưa rõ trước đây sàn cầu có kiến trúc thẳng hay cong, đang là vấn đề nhận được sự quan tâm với rất nhiều ý kiến tranh luận. 
Không vì "quen mắt" mà làm theo
Theo nhiều chuyên gia, đến nay vẫn chưa đủ tư liệu để xác định mặt sàn của di tích chùa Cầu có hình dáng cong như hiện tại hay là thẳng. Không có nhiều tư liệu mô tả kiến trúc chùa Cầu, và kết quả điều tra, nghiên cứu các tư liệu lịch sử cũng cho thấy không có cơ sở xác định sàn cầu tại thời điểm khởi dựng là cong hay thẳng. 
Di tích chùa Cầu đã ghi nhận nhiều lần hư hỏng, xuống cấp, phải can thiệp, tu sửa (năm 1653, 1763, 1817, 1865, 1915, 1917, 1962, 1986, 1996,…). Qua các lần tu sửa trước, các cấu kiện thuộc hệ khung gỗ, các vật liệu bằng gỗ, vôi, gạch, hệ mái ngói âm dương, con giống, bờ nóc, bờ chảy…, hầu hết bị thay đổi ít nhiều, chỉ riêng phần móng cầu còn giữ được gần như nguyên vẹn. Theo những tư liệu ít ỏi còn lưu lại, trong lần trùng tu vào năm 1915, kiến trúc chùa Cầu có một số thay đổi so với kiến trúc trong một số tranh, ảnh trước đó, nhưng không đề cập đến thay đổi lối đi chính giữa chùa Cầu; cốt của lối đi giữa cầu ngang bằng với đường giao thông ở hai bên cầu. Có thể mặt cầu trước lần tu bổ năm 1915 được làm ngang bằng với mặt đường, không cong vồng lên như hiện nay. Lần trùng tu vào năm 1986, mặt cầu được nâng lên, tạo dáng cong vồng. Qua khảo sát hiện trạng, đối sánh ảnh tư liệu trước khi tu bổ năm 1986 thấy có sự thay đổi, biến dạng về mặt hệ vách gỗ, và đó có thể là nguyên do khiến lối đi cho khách bộ hành phía trước được nâng lên một chút, ngang bằng với cốt sàn chùa,…
Theo ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An, phương án tu bổ phục hồi cốt sàn cong đã được gửi các ngành chức năng phê duyệt với giải pháp định hướng và thiết kế thông qua nhiều cuộc tham vấn chuyên gia, và có văn bản thỏa thuận của cấp thẩm quyền. Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại buổi tọa đàm lại không đồng tình với quan điểm tu bổ chùa Cầu theo hướng sàn cầu cong như phương án đã đề xuất, thẩm định. Các phương án tu bổ đều phải dựa trên quan điểm, giải pháp nhằm bảo tồn tối đa các yếu tố gốc, mọi sự can thiệp phải trên cơ sở khoa học, đồng thời phải tiệm cận bản gốc, không vì “quen mắt” lâu nay mà làm theo. 
Theo ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, nguyên tắc trùng tu là khi hạ giải nếu thấy những sửa chữa ban đầu bị sai thì phải làm lại. Việc nghiên cứu tư liệu lịch sử chùa Cầu chưa kỹ càng, thiếu thuyết phục, không đầy đủ để lý giải cho câu chuyện sàn cầu cong hay thẳng. Do đó, phải tôn trọng yếu tố gốc, không thể nhìn nhận chủ quan, cảm tính. Chùa Cầu dù qua nhiều lần tu bổ và có thể thay đổi một vài chi tiết hoa văn nhưng hình dáng tổng thể di tích vẫn không thay đổi. Ông Nguyễn Thượng Hỷ, nguyên trưởng phòng nghiệp vụ Trung tâm Quản lý di tích danh thắng Quảng Nam, người có nhiều năm nghiên cứu về kiến trúc gỗ cho rằng, với ba chức năng chính gồm đi lại, tín ngưỡng và nơi nghỉ ngơi vãn cảnh thì khi tu bổ chùa Cầu phải bám vào ba yếu tố này để tiệm cận với “bản gốc”. Nếu hồ sơ trùng tu năm 1986 không rõ ràng thì vì sao phải theo đó để tu bổ sàn cầu cong. Cần nghiên cứu kỹ hồ sơ, hiện trạng, quá trình trùng tu để chọn phương án nào để có thể tỏa sáng giá trị của di tích. 

Dự án tu bổ di tích quốc gia đặc biệt chùa Cầu gặp

 Các chuyên gia khảo sát tại hiện trường trùng tu di tích 

Tạm dừng để tiếp tục nghiên cứu
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, chùa Cầu là công trình có lịch sử hơn 400 năm và trải qua quá nhiều lần trùng tu, vì thế các yếu tố gốc đã bị thay đổi. Hồ sơ lưu lại quá ít, chúng ta không có điều kiện để xây dựng một bộ hồ sơ thật chuẩn phục vụ cho công tác trùng tu. Trách nhiệm của chính quyền, kể cả lãnh đạo, người dân và những người làm công tác bảo tồn là phải làm sao tu bổ công trình chùa Cầu được vững chắc, hợp lý, đảm bảo tính khoa học và để lại bộ hồ sơ cho các lần trùng tu tiếp theo. 
Những lần trùng tu trước đây, kể cả lần gần đây nhất (năm 1986), hồ sơ lưu cho việc trùng tu rất sơ sài. Thời điểm đó, có ba phương án đưa ra và cũng không nêu rõ lý do vì sao chọn phương án 3, phương án trùng tu sàn cong, cơ sở khoa học cũng không thuyết phục. Do vậy không có đủ tư liệu để xác định mặt cầu trước đây là cong hay thẳng. Hiện chỉ biết giai đoạn từ năm 1915 trở đi là thẳng, sau năm 1986 là cong, còn gốc trước đó là cong hay thẳng thì chưa có cơ sở để xác định. Hồ sơ năm 1986 không có đủ căn cứ khoa học, nhất là trong việc cải tạo sàn cầu cong như hiện nay. Dấu vết hiện trường không đảm bảo, nhiều cấu kiện mang tính chắp vá,…, vì thế chưa có đủ cơ sở để tiếp tục thực hiện tu bổ theo đúng hồ sơ được phê duyệt. 
Ông Sơn cho biết, trước mắt sẽ tạm dừng thi công, chưa triển khai tiếp việc tu bổ sàn lòng cầu theo hồ sơ đã phê duyệt. Tiếp tục khảo sát, nghiên cứu kỹ hơn thực trạng và hình ảnh tư liệu, đặc biệt là về mặt cơ sở khoa học, bổ sung hồ sơ tu bổ thật chắc chắn. Phải quan tâm, ghi nhận và giải đáp được mọi ý kiến, mọi thắc mắc của người dân, du khách, nhà khoa học, nghiên cứu,…, bởi những ý kiến như vậy đều xuất phát từ sự quan tâm, yêu thích Hội An, chùa Cầu. Đồng thời đề nghị cần xây dựng ba phương án tu bổ sàn cầu: Phương án 1, mặt cầu phẳng như năm 1915; Phương án 2, dựa trên hồ sơ đã được phê duyệt; Phương án 3, dựa trên cơ sở khảo sát lại hệ thống móng, dầm, đà…, lập phương án mới. Tất cả các phương án trên sẽ được niêm yết công khai tại chùa Cầu để lấy ý kiến người dân, nhà nghiên cứu, nhà chuyên môn. Thời gian sẽ từ dịp Tết Nguyên đán và cố gắng kết thúc trong quý I.2024. Sau khi lấy ý kiến sẽ hoàn chỉnh hồ sơ, tiếp tục triển khai thi công lòng cầu, các công việc và các hạng mục khác đã thống nhất vẫn triển khai, phấn đấu hoàn thành trùng tu chùa Cầu trước mùa mưa 2024. 
“Do tính chất của chùa Cầu là một biểu tượng của đô thị cổ Hội An cũng như là di tích quốc gia đặc biệt, biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam - Nhật Bản, nên việc tu bổ trong thời gian qua là hết sức thận trọng. Việc tổ chức các hội nghị tham vấn là rất cần thiết, trùng tu phải dựa trên các nguyên tắc, quy định cũng như đối với đặc thù từng công trình”, ông Sơn nói. Trước đó, tháng 10.2023, UBND thành phố Hội An cũng tổ chức tọa đàm tham vấn ý kiến chuyên gia trong nước và quốc tế về giải pháp kỹ thuật tu bổ di tích chùa Cầu.

KHÁNH CHI

Ý kiến bạn đọc