Cấp thiết xây dựng hành lang pháp lý cho di sản tư liệu (Bài 1): Nguy cơ mất mát những di sản quý hiếm

VHO - LTS: Di sản tư liệu có giá trị đặc biệt quan trọng trong các loại hình di sản văn hóa. Đến nay, Việt Nam đã có 9 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh. Nhưng dường như đã có nhiều nguyên nhân khiến di sản tư liệu bị lãng quên, hoặc chưa được quan tâm đúng mức. Tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu là vô cùng cấp thiết trong giai đoạn hiện nay .

Cấp thiết xây dựng hành lang pháp lý cho di sản tư liệu (Bài 1): Nguy cơ mất mát những di sản quý hiếm - Anh 1

 Các bài thơ được sơn son thếp vàng đặt tại Trường Lang - Tử Cấm Thành, Đại nội Huế 

 Những bia đá đang phơi mình dưới phong sương mưa nắng; nhiều mộc bản chưa được bảo quản tốt; nguồn thư tịch cổ chưa được đầu tư bảo quản đúng mức; nhiều chủ nhân di sản tư liệu chưa ý thức trách nhiệm với các khối tư liệu sở hữu… 
Thực tế này đã dẫn đến hư hại, thất thoát nhiều di sản tư liệu quý hiếm, nơi lưu giữ những ký ức lịch sử, văn hóa của dân tộc. 
Kho báu cần được bảo vệ, phát huy 
Với việc được thế giới vinh danh, khối tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn, di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận vào năm 2009 đến nay đã không còn là khái niệm xa lạ. Theo Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, khối di sản tư liệu này phần lớn được hình thành dưới triều Nguyễn, trong đó có một số ván khắc có niên đại từ trước thời Nguyễn. Hiện, Trung tâm đang bảo quản, phát huy giá trị của 33.971 tấm mộc bản với nội dung phong phú, đa dạng, phản ánh các lĩnh vực lịch sử, địa lý, quân sự, chính trị, pháp luật, văn hóa, giáo dục từ thời Hùng Vương dựng nước đến triều Nguyễn, được biên soạn và khắc in rất công phu. 
Chùa Vĩnh Nghiêm, danh lam cổ tự tại Bắc Giang nhiều năm qua không chỉ thu hút du khách thập phương về chiêm bái, lễ Phật mà còn là nơi lưu giữ những di sản tư liệu đặc biệt giá trị. Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương được UNESCO công nhận năm 2012. Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội, 82 bia Tiến sĩlà những bản tư liệu gốc duy nhất, di sản văn hóa vô giá cha ông để lại. Từ năm 2011, 82 bia Tiến sĩđã được công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Trong số di tích đã được xếp hạng của Thanh Hóa có rất nhiều nơi còn lưu giữ những tư liệu Hán - Nôm quý giá từ thời Lê đến thời Nguyễn, đa phần là các sắc phong, sắc, lệnh chỉ; cùng với đó là số lượng bia đá thời Lê Trung Hưng còn tồn tại tương đối phong phú, được lưu giữ trong các làng, họ tộc, tư gia. Theo bà Bùi Thị Tuyết (Phòng Quản lý Di sản Văn hóa, Sở VHTTDL Thanh Hóa), các di sản tư liệu của mỗi dòng họ, mỗi làng, địa phương đều có bản sắc, nét độc đáo riêng; phản ánh bề dày lịch sử, văn hóa. Việc bảo tồn và phát huy các di sản tư liệu là nhiệm vụ có ý nghĩa sâu sắc… 
Di sản tư liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử và nghệ thuật, phản ánh bản sắc văn hóa Việt Nam. Ðược lưu giữ dưới dạng mộc bản hay sách vở, văn bản như hoành phi, câu đối, sắc phong, tấu sớ, chiếu chỉ..., di sản tư liệu còn có ý nghĩa quan trọng trong phổ biến kiến thức, giáo dục truyền thống lịch sử, địa lý, văn hóa. 9 di sản tư liệu của Việt Nam được Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO ghi danh, với 3 di sản tư liệu thế giới và 6 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, gồm: Mộc bản triều Nguyễn; Bia Tiến sĩVăn Miếu Thăng Long; Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm; Châu bản triều Nguyễn; Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế; Mộc bản trường Phúc Giang (Mộc bản Trường Lưu); Hoàng hoa sứ trình đồ; Bia ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn; Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (1689-1943). 

Cấp thiết xây dựng hành lang pháp lý cho di sản tư liệu (Bài 1): Nguy cơ mất mát những di sản quý hiếm - Anh 2

 BIa Tiến sĩ tại Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội Ảnh: MINH THU 

Đối diện những nguy cơ 
Là kho báu vô giá, nhưng bảo vệ và phát huy di sản tư liệu đến nay vẫn có nhiều khoảng trống. Với Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, từ sau 2017, chưa có thêm nguồn kinh phí nào khác được đầu tư để bảo vệ di sản. Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm cũng không phải là đối tượng được quản lý trong Luật Di sản văn hóa hiện hành. 
Từ thực tế công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản tư liệu tại Thanh Hóa, bà Bùi Thị Tuyết cho rằng, hiện nay, việc lưu trữ các tài liệu cá nhân chủ yếu trên tinh thần tự nguyện. Những tài liệu quý giá mà các cá nhân đang lưu giữ tại nhà gần như không được bảo quản tốt và khoa học, đã và đang bị hư hỏng. Nhiều chủ nhân các tư liệu còn chưa ý thức hết trách nhiệm đối với khối di sản tư liệu mà mình sởhữu. Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dường như khiến con người lãng quên, hoặc chưa quan tâm đúng mức đến di sản tư liệu. Hệ quả của thực tế này là, với các sắc phong, gia phả được in, viết trên giấy hay vải lụa, người dân chỉ biết thể hiện sự trân trọng bằng cách bọc giấy báo, bọc nilon, cất trong hộp kín và để ở những nơi kín đáo như tủ tài liệu, đặt trên bàn thờ, gác trên xà nhà… Thế nhưng, họ lại không lường được nguy cơ mất tư liệu độc bản nếu xảy ra cháy nổ, lũ lụt, mối xông. Trên thực tế, nguy cơ này lại là những điều rất hay gặp. 
Tâm tư “gặp khó” này cũng được chia sẻ từ Giám đốc Sở VHTT tỉnh Ninh Bình Nguyễn Mạnh Cường. Sởhữu nguồn di sản tư liệu đồ sộ, đa dạng, phong phú và có giá trị cao về lịch sử, văn hóa đang đặt ra thách thức không nhỏ với ngành văn hóa địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị. Theo ông Cường, hệ thống văn bia, dù được tạo tác, chạm khắc trên chất liệu bền vững là đá, nhưng ngoài một số ít văn bia được dựng trong không gian thờ tự, có mái che, đa số văn bia trên địa bàn tỉnh được đặt ngoài trời, hoặc trên các vách núi đá tự nhiên (bia ma nhai) chịu tác động rất lớn của thời tiết, sự phong hóa tự nhiên của đá, xâm thực của rêu mốc, cây cối dẫn đến nứt vỡ, mờ chữ… Bên cạnh đó, do tác động của chiến tranh, nhận thức hạn chế của một bộ phận người dân, một số văn bia đã bị phá hủy một phần hoặc hoàn toàn. Hàng ngàn bản sắc phong có niên đại từ thời Hậu Lê đến thời Nguyễn, các địa bạ, thần tích, thần phả, ván khắc in kinh, gia phả... được lưu giữ tại các di tích, tư gia, từ đường dòng họ chưa được bảo quản đúng mức, nhiều tài liệu xuống cấp, mục nát, công tác bảo vệ còn nhiều khó khăn, dẫn đến hiện tượng mất trộm di sản mà chưa tìm lại được. 

Cấp thiết xây dựng hành lang pháp lý cho di sản tư liệu (Bài 1): Nguy cơ mất mát những di sản quý hiếm - Anh 3

 Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm

TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế cũng trăn trở, bởi trải qua nhiều biến thiên thời cuộc và thời tiết khắc nghiệt, khối di sản tư liệu tại Thừa Thiên Huế, nhất là các nguồn tư liệu giấy đã và đang dần bị thất thoát, mất mát, hư hỏng khá nghiêm trọng. Ông nhấn mạnh, đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản quý giá này một cách có hiệu quả là việc làm hết sức cần thiết hiện nay. Sự xuất hiện của di sản tư liệu và nhu cầu quản lý ởViệt Nam được đặt ra sau khi chúng ta tham gia vào “Chương trình Ký ức Thế giới” của UNESCO từ năm 2007. 9 di sản tư liệu của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh chính là động lực không nhỏ thúc đẩy việc xác định giá trị, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản tư liệu ởViệt Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhà quản lý, di sản tư liệu vì là loại hình di sản mới ởViệt Nam nên vẫn có nhiều vấn đề còn đang bỏ ngỏ. Đã gần 17 năm là quốc gia thành viên nhưng di sản tư liệu vẫn chưa được tạo hành lang pháp lý. Việc thiếu vắng những quy định pháp luật về di sản tư liệu khiến cho hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị loại hình di sản này gặp nhiều khó khăn. Hầu hết mới dừng lại ởmức độ lập hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh, trong khi các hoạt động sưu tầm, kiểm kê, nhận diện, bảo quản, phát huy giá trị... lại chưa có cơ chế, thiếu hành lang pháp lý để triển khai đồng bộ, thống nhất. 
Trong khi đó, mỗi ngày đang có không ít bia đá đang phơi mình dưới phong sương mưa nắng; nhiều mộc bản chưa được bảo quản tốt, nguồn thư tịch cổ chưa được đầu tư đúng mức, nhiều chủ nhân di sản tư liệu chưa ý thức trách nhiệm với các khối tư liệu sở hữu… Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội Nguyễn Văn Tú cho rằng, nếu chúng ta không kịp điều chỉnh Luật để bảo vệ di sản tư liệu này thì rất có thể sẽ mất đi một khối lượng di sản vô cùng quý giá của dân tộc. Bởi di sản tư liệu không chỉ nằm trong các trung tâm lưu trữ, các đình, chùa mà còn rải rác trên cả nước, cũng như di sản tư liệu đang tồn tại ở rất nhiều loại hình khác nhau như trên đá, trên giấy… 
TS Phan Thanh Hải cũng kiến nghị, bổ sung nội dung về di sản tư liệu vào Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là rất cần thiết, từ đó để có thể nhận diện các giá trị và lập danh mục di sản tốt hơn. Di sản tư liệu là những di sản đặc biệt giá trị trong giáo dục truyền thống lịch sử, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

 Nghiên cứu bổ sung nội dung về di sản tư liệu vào Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) là rất cần thiết, từ đó để có thể nhận diện các giá trị và lập danh mục di sản tốt hơn. Di sản tư liệu là những di sản đặc biệt giá trị trong giáo dục truyền thống lịch sử, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. 

(TS PHAN THANH HẢI) 

PHƯƠNG ANH

(Còn tiếp) 

Ý kiến bạn đọc