Bobo và hành trình hơn 20 năm gắn bó với di sản Huế

VHO - Người phụ nữ ngoại quốc với dáng người cao ráo, bước đi nhẹ nhàng và nụ cười tươi thường trực trên môi đã trở nên quen thuộc với người dân xứ Huế. Đó là bà Andrea Teufel (có cái tên thân mật là Bobo), người đã có hơn 20 năm gắn bó, hỗ trợ trùng tu các di tích và đào tạo các thợ lành nghề cho công cuộc bảo tồn di sản Huế.

Bobo và hành trình hơn 20 năm gắn bó với di sản Huế - Anh 1

Bà Andrea Teufel duyên dáng với chiếc áo dài truyền thống Việt Nam

Năm 2003, bà Andrea Teufel cùng với một số chuyên gia người Đức đã đến Huế để thực hiện phục chế các bức tranh tường cổ quý hiếm ở cung An Định. Tưởng chỉ là đến với Cố đô Huế trong vòng mấy tháng nhưng cơ duyên này lại tiếp nối, mở ra hành trình dài hơn. Sau khi hoàn thành phục hồi các bức tranh đầu tiên, bà và các cộng sự tiếp tục công việc phục hồi tranh và họa tiết trang trí trên các tường và trần nhà ở công trình Khải Tường lâu, cung An Định cho đến năm 2008. Dự án được Bộ Ngoại giao Đức tài trợ thông qua Đại sứ quán CHLB Đức. Sau việc phục hồi tranh tường ở cung An Định bằng những kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong bảo tồn, bà Andrea Teufel tiếp tục quyết định ở lại Huế để cùng tham gia triển khai công tác tu bổ, bảo tồn các di tích khác với sự hỗ trợ của Hiệp hội Bảo tồn Di sản văn hóa Đức. Thời gian qua đi, đã hơn 20 năm, người phụ nữ ấy dần quen thuộc với đời sống văn hóa của xứ Huế và xem đây như là quê hương thứ hai của mình. Trò chuyện với chúng tôi, bà Andrea Teufel nhận xét: Với tôi, Huế là một nơi rất thú vị, không chỉ có nhiều di tích lịch sử còn tồn tại đến bây giờ  mà những di tích đó là độc nhất trên  thế giới. Tuy nhiên, nhiều di tích hiện chỉ còn tồn tại thông qua các tư  liệu và hình ảnh rất cũ. Tôi rất muốn cùng đóng góp cho Huế phục hồi và  làm “sống lại” những di tích ấy trong  khả năng của mình. 
Nữ chuyên gia người Đức này đã tham gia thực hiện và chủ trì thực  hiện việc bảo tồn, phục hồi di tích qua nhiều dự án (với hàng chục hạng mục công trình) như: Dự án ở cung An Định, lăng Tự Đức, phủ Nội Vụ,  Tối Linh Từ, Tả Vu và điện Phụng  Tiên (khu di sản Đại Nội Huế). Mỗi  dự án với những nội dung chuyên môn khác nhau nhưng cùng hướng đến sự chuyển giao phối hợp và ứng dụng trực tiếp những kiến thức thực tiễn và lý thuyết về một phương thức bảo tồn trên cơ sở khoa học và thực nghiệm. Qua những dự án này, nữ chuyên gia người Đức cũng đã góp  phần “truyền nghề” cho các kiến trúc  sư, cán bộ kỹ thuật, những người thợ làm công tác bảo tồn của di tích Huế. 
Còn nhớ, năm 2018 là năm đầu tiên Giải thưởng Khoa học - công  nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế nhận được nhiều đề tài, đề án dự thi của các chuyên gia quốc tế. Bà Andrea  Teufel cùng các cộng sự của mình đã  giành được giải Ba với đề tài Nghiên cứu, phát triển, đào tạo và triển khai phương pháp mới để bảo tồn và phục hồi các công trình di sản có trang trí, áp dụng kỹ thuật từ các thiết kế nguyên bản, đặc biệt là kỹ thuật thất  truyền “vẽ Fresco” và “vữa màu”. Đề  tài này sau đó cũng đoạt giải Ba Giải thưởng Khoa học - công nghệ toàn  quốc năm 2018.  
“Trong tương lai, sau khi thực hiện xong dự án ở di tích điện  Phụng Tiên (Đại Nội Huế) vào năm 2026, có lẽ tôi cũng sẽ tiếp tục ở lại Huế. Tôi muốn tiếp tục cống hiến, kết nối để đưa đến các  chương trình, dự án cho công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Huế”, chuyên gia Andrea Teufel chia sẻ với nụ cười rạng rỡ. 
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, hơn 20 năm qua, bà Andrea Teufel đã có những đóng góp vô cùng ý nghĩa cho công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Huế cũng như vun đắp tình hữu nghị giữa  2 quốc gia Việt Nam và CHLB Đức.  
Được biết, chuyên gia Andrea Teufel là một trong ba người nước ngoài đang được đề nghị xét tặng và tôn vinh “Công dân danh dự tỉnh Thừa Thiên Huế”. 

SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc